Trong cuộc trò chuyện qua điện thoại, má không nhắc đến tiền. Nhưng tôi biết mình không thể đi tay không về nhà. Bởi dù ba má có con cái đông đúc, nhưng không phải ai cũng biết quan tâm tới cha mẹ.

Có năm, mọi người còn hồn nhiên lấy bớt những món quà tôi cắc ca cắc củm dành dụm, mang về từ thành phố. Má bảo, so với anh chị, tôi may mắn được ăn học và công thành danh toại. Má có biết đâu, kiếm được miếng ăn, đồng tiền nơi thị thành, không hề dễ dàng một chút nào.

Nhiều lúc bức xúc quá, tôi lên tiếng nói rằng, phận con cái, nếu không biết mang về thì đừng một ai lấy bất cứ thứ gì trong gia đình để mang đi. Nhưng rồi đâu lại vào đấy. Anh chị em giận hờn nhau. Cả năm qua, chuyện bằng mặt mà không bằng lòng ở gia đình tôi diễn ra dai dẳng, không cách nào hóa giải.

leftcenterrightdel
 Ba má tôi muốn con cái sum vầy dịp tết về (ảnh minh họa)

Năm nay kinh tế khó khăn, tôi phải liên tục gánh bao khoản lo cho ba má, từ việc lớn đến việc nhỏ. Nhiều lúc tôi mệt mỏi, cáu giận, trong khi đó, ba má như cứ mặc định mọi thứ tôi phải cáng đáng vì tôi đang độc thân.

Có lần tôi tự hỏi, tại sao tôi phải lo hết mọi chuyện của ba má, trong khi những người con khác thì vô tư hồn nhiên. Tôi thấy thật nặng nề khi phải gánh vác và chẳng thấy vui vẻ gì mỗi khi về quê. Bởi ngoài ba má ra, tôi không cảm nhận được tình thân của anh chị em trong gia đình. Sự thiếu ý thức, quan tâm và đoàn kết, nhiều lúc khiến lòng tôi thấy lạnh lẽo. Về nhà những ngày tết mà không vui, phải chứng kiến những cảnh ứng xử chướng tai gai mắt thì về để làm gì?

leftcenterrightdel
Những tranh cãi thường ngày khiến anh chị em trong gia đình không hòa thuận, tết nhất chẳng muốn về nhà (ảnh minh họa) 

Mà ba má tôi hay sợ bà con dòng họ cười chê nên tết phải mâm cao cỗ đầy, trang hoàng bàn thờ nhà cửa. Trong khi đó, nhà tôi có gần chục chiếc bàn thờ, tương ứng với số lượng đó là phải có đủ trái cây, mâm ngũ quả và bánh mứt cùng hoa chưng các loại. Năm nào tôi cũng phải chi ra đến mấy triệu đồng cho ba má mới đủ.

Mới đây, tôi kể chuyện của mình cho bạn thân nghe. Bạn bảo tôi thử một năm không về nhà, không lo lắng quá nhiều nữa, xem mọi thứ sẽ ra sao. Bởi có khi là do mình quá ôm đồm, thích làm khó mình. Nhiều lúc mình cố quá sức dẫn đến mệt mỏi, đâm ra suy nghĩ tiêu cực và hiểu sai về người khác.

Bạn phân tích, nhiều khi do mình "ôm lo" miết, người khác sẽ ỷ lại nên chẳng đoái hoài. Chưa kể, khi mình giành hết, không để người khác có cơ hội được thể hiện hay làm tròn trách nhiệm, phận sự làm con, mình cũng có lỗi.

Thôi thì tôi tạm nghe lời người bạn, không về tết một lần để xem mọi thứ diễn ra như thế nào. Quan trọng hơn, tôi chẳng còn phải lo lắng nhiều đến mất ăn, mất ngủ chuyện tiền tàu xe, tiền quà cáp cho người này, người kia. Đặc biệt, tôi sẽ không còn cảm xúc khó chịu, kém vui khi đối diện với những gương mặt giận hờn giữa các anh chị em trong ngày đầu năm...

Theo phụ nữ TPHCM