"Cái áo này sao vứt ở đây? Đôi dép sao mỗi chiếc một nơi? Chén đĩa trong bồn rửa bừa bộn quá? Trời ơi, khăn tắm ai mang ra vứt lên ghế thế này?..."

Mẹ bắt đầu câu chuyện với việc miêu tả thái độ của tôi mỗi chiều về nhà. Tôi ngạc nhiên, bật cười nhìn mẹ, không nghĩ mình lại khó ưa tới vậy. 1 tuần nay mẹ tôi sang ở để phụ giúp tôi đưa đón và chăm sóc bọn nhỏ. Chồng tôi đang đi công tác, còn tôi công việc bận rộn nên thường xuyên về trễ.

 
leftcenterrightdel
 Có vẻ mẹ chẩn bệnh của tôi rất đúng... (ảnh minh hoạ)
“Mẹ nói chuyện này với con là vì bọn nhỏ về nhà cứ nem nép sợ bị la, sợ cái này cái kia không đúng ý con… Con phải thay đổi, mẹ nghĩ vậy. Kỹ quá chỉ khổ mình mà mệt người”.

“Nhưng…”, tôi định phản đối thì mẹ đã xua tay: “Con đừng giải thích, nhà là để chốn nghỉ ngơi và nó phục vụ mình chứ mình không thể là nô lệ cho ngôi nhà. Sạch sẽ là tốt, nhưng bừa bộn một chút cũng đâu chết ai!”.

Tôi nín lặng. Mẹ “chẩn bệnh” rất đúng. Có nhà mới, tôi vui được thời gian đầu, rồi rơi vào chán ngán, mệt mỏi. Mỗi ngày đi về, thấy mọi thứ chưa ngắn nắp: nào đồ chơi của con, nào chăn chiếu mùng màn, nào đũa chén lung tung, hay có khi là đồ đạc xê dịch một chút… đều làm tôi khó chịu. Mà không thoải mái thì dù mệt đến mấy tôi cũng ráng đứng lên dọn dẹp, lau chùi. Dọn rồi la, rồi càm ràm. Sau cùng, tôi còn cấm lũ trẻ mang đồ chơi ra phòng khách bày.

“Nếu mẹ chồng con ra chơi, hẳn bà ấy cũng khó chịu với thái độ của con. Mẹ biết con không có ý gì, con chỉ muốn nhà cửa gọn gàng, nhưng như vậy mất sức quá không con?”.

Ngày còn ở trọ chật chội, tôi không kỹ tính như bây giờ. Từ khi có nhà riêng, tôi trở nên gọn gàng, sạch sẽ quá mức, chồng tôi cũng hay phàn nàn… Tôi cự anh, với lý lẽ nếu để mọi thứ bừa bộn, nhà sẽ nhanh chóng cũ và xấu; đồ đạc vứt lung tung, sinh hoạt không có nguyên tắc sẽ khiến các con nhiễm thói quen không tốt...

Nhưng càng ráng giữ nhà gọn và sạch, tôi càng mệt. Chồng tôi luôn về muộn, bọn trẻ thì lúc nhớ lúc quên, có lúc xếp được thứ này đúng chỗ, lúc lại lộn tùng phèo thứ kia. Rốt cuộc, ai "ngứa mắt" thì người đó phải dọn. Có những hôm tôi than mệt, chồng cũng vào bếp nấu nướng, nhưng lập tức anh bị tôi phàn nàn chuyện bày bẩn và đồ dùng làm bếp không trở về đúng vị trí.

Mẹ tôi ở nhà tôi 1 tuần mà cũng kết luận “mệt”. Mệt không phải vì việc nhà nhiều, mà mệt vì ngán thái độ của tôi. Làm xong, bà luôn phải lại dò xem đúng ý con gái chưa.

“Hay con mắc bệnh OCD?” - mẹ tôi tủm tỉm cười nói tiếp: “Phiên phiến đi con, dành sức mà nghỉ ngơi, chồng con chúng nó cũng thoải mái khi về nhà”.

leftcenterrightdel
 Sao không thể cười một tiếng cho cái nhà bình yên... (ảnh minh hoạ)

Tôi nhớ lại những buổi tối chồng đi làm về muộn, anh uể oải vào nhà và gặp ngay khuôn mặt “khó ở” của tôi. Rồi với tính thiếu kiềm chế, tôi “xả” hết bài ca này đến bài ca khác. Nhiều lần anh gằn giọng: “Em có thôi đi không?” và tôi ôm nguyên cục tức đến mấy ngày khi cho rằng chồng không biết chia sẻ.

“Chiếc dép không đúng chỗ, vớ chưa vứt vào giỏ đồ giặt thì làm sao? Mấy điều nhỏ nhặt ấy đâu có đáng để mình mất vui”, mẹ tôi tiếp tục.

Mẹ đã đúng. Tôi có nhiều lý do để bào chữa cho mình, nhưng rõ ràng tôi đang đẩy chồng con ra xa. Làm nhà kiên cố để xây tổ ấm, để chắn bão giông ngoài cửa, thế mà mà tôi lại bê nguyên khuôn mặt “khó ở” vào nhà.

“Mẹ giúp con sửa dần nha mẹ… Nghe mẹ kể về mình mà con cũng thấy mệt rồi”, tôi cười ngượng nghịu.

Theo phụ nữ TPHCM