Ngày ấy, tôi lấy chồng rồi sinh liền 3 đứa con. Không có nội ngoại phụ trông nom nên tôi ở nhà chăm sóc con, còn chồng đi làm cho một xí nghiệp trong vùng.

Khi con lớn một chút, có bạn bè và người thân rủ đi buôn bán, nhưng thương con đang tuổi ăn học, cần mẹ dạy dỗ nên tôi từ chối, suốt ngày loanh quanh bếp núc, đưa đón con, chăm chút từng li từng tí.

Nhưng ngẫm lại, đời tôi chẳng mấy ngày vui vẻ như ý. Cả đời hy sinh mà chồng con cứ xa cách. Tôi cũng sống tốt với mọi người, ai nhờ gì cũng cố gắng làm giúp, ai khó khăn gì cũng sẵn sàng cho mượn tiền mà không tính ngày trả lại, ai nói gì không hay cũng nín nhịn. Ấy vậy mà tôi cảm thấy hình như mọi người vẫn khinh thường tôi không giỏi giang, ăn bám chồng. 

Nhờ con dâu, tôi nhận ra điều làm cho cuộc sống của mình không vui chính là do suy nghĩ cứ tưởng hy sinh, giúp đỡ, quên mình vì người khác sẻ làm họ yêu quý mình. Ành: Minh họa
Nhờ con dâu, tôi nhận ra nhiều điều mới mẻ trong cuộc sống - Ảnh minh họa

Con trai lớn của tôi lấy vợ, có con nên vợ chồng nó kêu tôi lên ở cùng, trông cháu cho đỡ buồn. Tôi nghĩ, đây là cơ hội để gần gũi, thắt chặt tình cảm mẹ con, bà cháu, cũng là dịp để vợ chồng nó nhìn thấy công sức và tình cảm của tôi, nên đồng ý.

Rồi khi tôi đến ở cùng, cách sống và quan niệm quá khác biệt của con dâu khiến tôi nhận ra nhiều điều.

Ban đầu, tôi khá ngạc nhiên khi thấy con trai tôi đảm đương những công việc mà trước giờ tôi vẫn nghĩ là việc của phụ nữ, như lau nhà, phơi quần áo, thậm chí đi siêu thị, nấu nướng. Tối đi làm về, con trai tôi cũng tự hâm lại đồ ăn và dọn cơm. Có hôm con trai tôi đi nhậu về muộn, con dâu dỗ cháu ngủ, tôi ngồi ghế chờ con trai về.

Tôi chưa bao giờ để chồng phải tự dọn cơm, cũng chẳng bao giờ dám đi ngủ trước khi chồng chưa về nhà.

Tôi định góp ý với con dâu nhưng hình như lại thấy con trai tôi thoải mái về chuyện đó. Nghĩ lại, hình như chồng tôi cũng chẳng bao giờ vui khi tôi đon đả cơm nước hay ngồi chờ chồng đi nhậu về.

"Đôi khi điều mình cố gắng làm, xem đó là hy sinh lại làm người ta không thoải mái, hoặc hy sinh quá mức thì người ta sẽ xem như bình thường". Câu nói bâng quơ của con dâu lại như dành cho chính tôi. 

Con dâu tôi là người có cá tính mạnh mẽ, rạch ròi. Khi biết tôi trước đây thường xuyên qua phụ nhà hàng xóm làm đồ gia công mà không lấy lương và trông cháu phụ hàng xóm, con dâu tôi đặt ra những câu hỏi khiến tôi giật mình, không trả lời được: "Khi mẹ giúp người ta, mẹ còn thời gian để chăm sóc sức khỏe bản thân hay không? Nếu không phải vì tiền thì mẹ giúp người ta nhằm mục đích gì? Mẹ có nghĩ việc mẹ tự nguyện giúp đỡ khiến người ta sẽ xem đó là chuyện rất bình thường hay không?".

Quả thực, tính tôi xưa giờ là thế, bởi tôi có nhiều thời gian, không vướng bận gì và một phần cũng nghĩ người ta sẽ biết ơn, quý trọng mình, mình không phải là người không làm được gì nên ai nhờ gì cũng làm, thậm chí không nhờ cũng làm, để rồi khi không được như mong muốn, lại thấy mình bị tổn thương vì không được ai xem trọng.

Hôm nọ, cả nhà con trai tôi đi nghỉ mát ở Đà Lạt cùng cơ quan. Trước khi đi, con dâu tôi hỏi: "Mẹ có cần mua đồ len đem về quê mặc không". Sợ phiền con cái, tôi trả lời: “Không, không cần lo gì cho mẹ. Mẹ già rồi, chết cũng xuống lỗ thì mua sắm nhiều làm gì?”.

Khi đi chơi về, con dâu vẫn mua tặng tôi một chiếc áo len và dặn tôi không nên nói như vậy. “Mẹ buồn vì mọi người không xem trọng mẹ nhưng mẹ có trân trọng và yêu thương bản thân đủ chưa? Mẹ còn không cho mọi người cơ hội để thể hiện sự quan tâm dành cho mẹ nữa”.

Tôi cũng chưa rõ liệu quan niệm, tính cách quá mạnh mẽ và suy tính kỹ càng, rạch ròi mọi chuyện của con dâu tôi có thực sự đúng hay không. Tôi chỉ thấy hiện tại, con dâu đang có cuộc sống như ý khi được chồng con yêu thương, được mọi người coi trọng.

Đó là cuộc sống khác tôi và tôi mừng cho con dâu vì điều đó.

Theo phụ nữ TPHCM