Chứng trầm cảm khiến tôi bị dồn vào chân tường, không có gì ngoại trừ sự bất an của chính bản thân. Tôi thường giận dỗi, khóc lóc, quát nạt với chồng con rồi tự giam mình trong phòng.
Mọi người thường khuyên tôi “nhìn vào mặt tươi sáng của sự việc”. Đó là một cụm chữ tuyệt vời, nhưng tôi thường tự nhủ một cách chua chát rằng nói “hãy suy nghĩ tích cực lên” với một người mắc bệnh trầm cảm là điều vô nghĩa. Không có khía cạnh tươi sáng nào trong tâm trí tôi. Chỉ có bóng tối và ủ rũ. Tôi luôn cảm thấy cảm thấy cô đơn trong suy nghĩ của mình rồi ngày càng trượt sâu hơn xuống cái hố của sự trầm cảm. Tự nhủ rằng sẽ không ai hiểu được cảm giác này, tôi bất lực và “chết đuối” trước những cảm xúc cuộn trào của mình. Tôi luôn khao khát được cảm thấy thoải mái, được trở lại bình thường.
Tôi từng đọc một quyển sách mà tác giả nói rằng, năng lượng phụ thuộc vào sự lựa chọn. Mỗi sáng thức dậy, đó là điều đầu tiên tôi nghĩ đến và đó là cách tôi chuẩn bị tinh thần cho một ngày mới. Tôi chọn cách cố gắng làm cho một ngày của tôi và chồng con đó tốt hơn một chút khi tôi ở bên họ.
Vì vậy, tôi chuyển sự tập trung của tôi ra ngoài bản thân để nhìn thấy bức tranh toàn cảnh hơn của cuộc sống. Tôi hít thở sâu và chậm hơn. Mỗi ngày, tôi cố gắng làm ít nhất một việc mang lại cho tôi niềm vui như xem một bộ phim, sửa lại quần áo, nghe vài bản nhạc, đọc vài trang sách, nói chuyện với bạn bè. Tôi nghĩ về tất cả những người mà tôi yêu thương và nhắc nhở bản thân rằng tôi thật may mắn biết bao khi có được những người thân, người bạn như vậy.
Chọn cách nhìn về cuộc sống - nói thì dễ hơn làm, và thật không may, điều đó không xảy ra trong một sớm một chiều. Để làm được, cần trải qua một loạt các thay đổi nhỏ.
|
Tôi từng luôn cảm thấy rõ ràng trong tôi có một thế lực bóng tối luôn rình rập để nuốt chửng tôi, kéo tôi ra khỏi cuộc sống bình thường (ảnh minh họa) |
Cách đây vài năm, trong quá trình trị liệu, bác sĩ tâm lý của tôi đã nói rằng tôi không nên kìm nén hoặc chống lại những cảm xúc tiêu cực. Bác sĩ so sánh nỗi buồn của tôi với một đứa trẻ đang khóc. “Bạn sẽ phản ứng thế nào với khi thấy một đứa trẻ đang khóc?”. Câu trả lời là "an ủi".
Giống như cách an ủi một người đang bị tổn thương, tôi cần dành thời gian chăm sóc bản thân và xoa dịu tâm trí bất cứ khi nào tôi cảm thấy sự tiêu cực trong tâm trí trở nên nặng nề.
Tôi tin rằng có những ngày tốt đẹp và có những ngày tồi tệ. Tôi hiểu mình rất nhạy cảm, và cảm xúc của tôi rất dễ bị kích động. Tuy nhiên, tôi không tin rằng cài đặt mặc định của mình chỉ có “chán nản” hoặc “buồn bã”. Vì chính tôi là người quyết định ngày hôm đó của mình là tồi tệ hay tốt đẹp. Tôi chọn bình yên vì bản thân cần tình yêu, sự thoải mái và sự quan tâm cũng như tôi chọn trao cho người khác những gì tôi muốn nhận từ thế giới.
Tôi nhận thấy rằng, ngay khi tôi chuyển sự tập trung của mình khỏi việc tôi nghĩ mình khốn khổ như thế nào sang những gì đang thực sự diễn ra bên ngoài đầu tôi, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Và giờ đây, tôi được tự do viết câu chuyện của riêng mình như những trang nhật ký kể về hành trình tôi đang rũ bỏ trầm cảm, trèo lên từ hố sâu để nhìn ánh sáng của cuộc sống. Tôi hy vọng rằng bằng những chữa lành nho nhỏ, ngày tâm trí tôi bình phục sẽ không còn xa nữa.
Theo phụ nữ TPHCM