Chị Hạnh Dung thân mến,

Em để vợ đi làm đến nay cũng hơn 6-7 tháng, nhưng từ khi bắt đầu làm ra tiền, vợ lại tỏ ra coi thường em. Cô ấy chỉ ân cần vui vẻ với người ngoài, còn nói chuyện với em thì nạt nộ, chê bai đủ thứ, chạm tới lòng tự trọng của em.

Cô ấy cũng không đồng ý quan hệ vợ chồng, điện thoại thì thay đổi mật khẩu, khi em nghi ngờ thì đâm ra cự cãi. Em bỏ về quê mấy bữa, nhờ người lớn 2 bên gia đình hàn gắn giùm.

Em không muốn ly dị, vì muốn con có đầy đủ cha mẹ, nhưng vợ em không có thiện chí thì sao sống chung nhà được? Nhiều lúc em chỉ muốn vợ quan tâm mình một chút thôi, là em đủ hạnh phúc lắm rồi, nhưng sao khó quá.

Giờ em suy nghĩ rất tiêu cực, không biết phải làm sao giữ lại cái gia đình bé nhỏ này. Chị có cách nào để cuộc sống vợ chồng em trở lại như trước không?

Tô Văn Thừa

leftcenterrightdel
 

Em Tô Văn Thừa thân mến,

Hạnh Dung hiểu rằng, em đang quá bối rối, lo lắng, hoảng loạn. Và như dân gian bảo: "Có bệnh thì vái tứ phương", cầu may có ai đó có thể giúp mình chữa được bệnh. Em tìm đến Hạnh Dung có lẽ cũng chỉ với điều mong mỏi mơ hồ đó.

Giúp em giữ được gia đình hay không, Hạnh Dung không dám chắc, Hạnh Dung chỉ có thể cho em những lời khuyên tỉnh táo, lành mạnh, để em có thể thoát khỏi tình trạng tiêu cực hiện nay.

Khi em không suy nghĩ tiêu cực nữa, trước tiên em sẽ thấy bớt mệt mỏi. Sau đó, sự tích cực của em sẽ ảnh hưởng đến những người xung quanh và giúp thay đổi mối quan hệ gia đình. Và cuối cùng điều đó sẽ giúp em, biết đâu sẽ giữ lại được những gì em quý giá và trân trọng!

Những suy nghĩ tiêu cực của em, Hạnh Dung thấy chỉ đang nằm trong suy nghĩ, cảm giác, sự lo lắng thái quá của em mà thôi. Rõ ràng là việc em đồng ý cho vợ đi làm là một quyết định hết sức khó khăn, do em lo sợ điều gì đó.

Giờ đây, khi được bước ra ngoài, cô ấy được thoải mái, vui vẻ, tích cực thì em lại nhìn điều đó với ánh mắt nghi ngờ, khó chịu. Em tự tìm, tự ám mình rằng cô ấy coi thường em, chê bai em, không tôn trọng em.

Cách đối xử của em làm chạm đến lòng tự trọng của cô ấy, sự kiểm soát của em làm cô ấy khó chịu, và vì thế cô ấy đổi mật khẩu điện thoại, cô ấy không còn muốn gần gũi em nữa. Đó cũng là một trạng thái tự vệ bình thường của một phụ nữ trẻ mà thôi.

Em hãy thay đổi suy nghĩ của mình bằng cách nhìn vào những thay đổi của cô ấy một cách tích cực hơn. Hãy chia sẻ với cô ấy những cảm xúc, những câu chuyện, những vấn đề xung quanh công việc mới, cuộc sống mới của cô ấy.

Hãy dẹp bỏ những nghi ngờ vô căn cứ và suy nghĩ bị cô ấy coi thường đi. Chính em đang khiến mình bị coi thường khi mất đi lòng tự tin và tự hào về bản thân đấy, em ạ.

Nói tóm lại: hãy thay đổi mình, cứu mình khỏi những ám ảnh, lo lắng, tự ti, thể hiện vai trò người đàn ông mạnh mẽ và vững vàng... Đó là những điều cần làm nhất, để em sáng suốt tìm ra con đường cứu gia đình mình: khi em nhìn thấy vấn đề không phải chỉ ở cô ấy như em nghi ngờ, mà còn ở cả chính em.

Theo phụ nữ TPHCM