Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Cách đây 20 năm, vừa tốt nghiệp đại học, cô gái Tây Nguyên khăn gói về huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang làm dâu vì phải lòng anh T.

Cuộc sống chung êm đềm, hạnh phúc chỉ được một năm. Sau đó, hầu như ngày nào, sau giờ làm việc, anh T. cũng đi đá banh rồi “lai rai” với bạn bè đến khuya mới về. Chị N. rất buồn bực vì một mình chăm con nhỏ, không bạn bè chia sẻ cũng không có chỗ để “thoát ly” giải khuây.

Chị cằn nhằn chồng thì mẹ chồng bênh con trai: “Đàn ông phải ra ngoài, giao tiếp với bạn bè. Ngày xưa má nuôi năm đứa con một mình có than thở với ai”. Bà chốt hạ: “Đàn ông xứ này không ai không nhậu, con đã ưng thì phải chịu”. 

Mẹ chồng chị N. không ưa con dâu “xứ khác” nên luôn xét nét chị. Chị vào bếp, bà chê “nấu ăn lạt nhách” rồi nêm nếm lại các món ăn, và chị N. ăn không được vì “ngọt như chè”. 

Chị không cho con ngủ trên võng, mẹ chồng bảo: “Nguyên cái xứ này, đứa con nít nào cũng ngủ võng”. Chị tập cho con ngủ một mình và vắt sữa ra cho con bú bình, để con không quấn mẹ khi chị đi làm thì mẹ chồng nói: “Mẹ gì như mẹ ghẻ, chăm con kỳ cục”… 

Do vậy, khi không có chồng làm chỗ dựa, chị N. thấy lạc lõng, cô độc. Cảm giác này càng tăng lên khi chồng chị chuyển việc, phải đi liên tỉnh liên tục, cả tháng mới tạt về nhà một lần. Trong khi đó, mối quan hệ của chị với mẹ chồng rất căng thẳng. Bà cho rằng chị không biết điều, chồng vất vả đi làm mà không biết ơn, lại còn than thở, trách móc. Chị quyết định chia tay khi con gái 12 tuổi.  Anh T. thuyết phục năn nỉ vợ nhưng chị kiên quyết ly hôn. 

Trước ngày ra tòa, anh chị chở nhau ra quán cà phê bàn chuyện. Chị ngỏ ý muốn nuôi con. Anh T. cũng muốn nuôi con, vì con đã quen sống ở nhà nội và bạn bè, trường học của con cũng ở đây.

Chị N. thuyết phục: “Con là con gái, anh để cho em nuôi con đến khi con 18 tuổi. Lúc đó, con chọn sống với ba hay mẹ em đều vui vẻ”. Nghe vợ nói vậy cũng hợp lý nên anh T. đồng ý. Hơn nữa, điều quan trọng là anh không muốn tranh giành với người mình từng yêu thương và cũng còn yêu thương.

Khi biết con trai ly hôn và nhường quyền nuôi con cho vợ, mẹ anh T. giãy nảy, mắng anh “ngu”, “bị vợ xỏ mũi”, và bắt anh phải kháng cáo, giành quyền nuôi con. Tuy nhiên, anh T. không đồng ý. Không giành được cháu, bà tức giận không cho con trai sang lại quán cà phê của hai vợ chồng để chia cho con dâu. 

Chị N. tay trắng ra khỏi nhà chồng (bao nhiêu tiền vợ chồng đều đầu tư vào quán cà phê) mang theo trái tim tổn thương. Lúc đầu, chị cũng buồn chồng nhu nhược, ham vui, không biết vun đắp, gìn giữ hạnh phúc gia đình. Thế nhưng, khi đưa con về lại phố núi, thấy con buồn bã vì nhớ ba và nhà nội, chị lại nguôi giận, nên cố giữ cho con tình cảm tốt đẹp với cha và nội. Chị với chồng cũ vẫn liên lạc thường xuyên. Cứ ba tháng, anh T. lại lên Gia Lai thăm hai mẹ con và chu cấp một phần chi phí nuôi con. 

“Cựu” vợ chồng, con cái chở nhau đi ăn sáng, uống cà phê như thời gian còn chung sống hạnh phúc. Việc học của con, chọn trường cho con, con có tâm tư gì… chị đều báo với chồng cũ và bàn bạc với anh. Chị luôn để anh tham dự vào việc chăm sóc, định hướng tương lai cho con. 

Hai người trở thành bạn bè khoảng năm năm thì anh T. bị tai nạn giao thông và qua đời vào cuối năm 2020. Chị đưa con về quê chồng đội tang và sau đó chị lập một bàn thờ tại nhà để con hương khói. 

Mới đây, chị nhận được điện thoại của người chị chồng, chị chồng gọi mẹ con chị về chia thừa kế. Theo tâm nguyện của anh T., anh muốn để lại quán cà phê cho vợ và phần thừa kế của anh cho con. 

Chị bàn với con gái và hai mẹ con thống nhất chuyển tài sản này cho cha mẹ chồng dưỡng già. Bạn bè bảo chị dại, vì lương công chức chỉ đủ sống, giờ thêm phần tài sản này sẽ giúp chị nhẹ gánh hơn khi con chuẩn bị vào đại học. Nhưng chị N. dứt khoát: “Bao năm qua, không có tài sản này hai mẹ con vẫn sống ổn. Ông bà đã già, không có thu nhập. Mình không tốt bụng, hay cao thượng, mà chỉ vì đó là ông bà nội của con mình”. 

Sau chuyến đi An Giang, chị N. kết hợp cùng bạn bè du lịch Phú Quốc. Nhìn chị rạng rỡ, vui vẻ, ít ai nghĩ đó là một phụ nữ từng gặp nhiều biến cố trong hôn nhân. Sau ly hôn, chị sớm cân bằng cuộc sống, không rơi vào cảnh đối đầu, oán hận chồng cũ và sống khá nhẹ nhàng.

“Hậu ly hôn, chỉ cần đặt quyền lợi của con trẻ lên trên hết, những hơn thua, toan tính của người lớn chẳng những không có chỗ, mà còn giữ được tình cảm tốt đẹp trước đó” - chị N. chia sẻ. 

Theo infonet.vietnamnet.vn