Lần nào có dịp ghé tiệm gội đầu quen là tôi đều gặp chị. Và lần nào cũng như lần nấy, chị luôn nhường hết người này đến người kia, với một nụ cười thân thiện.

Tôi đã từng nghĩ chị dễ mến, cho đến khi nghe chị buông một câu, không nặng không nhẹ mà cứ chênh chao lưng chừng: “Chị có về nhà sớm cũng không để làm gì!”.

Đàn bà khi đã thốt ra câu nói đó với một người khác thì trước sau gì cũng như con đập đã vỡ, nỗi lòng chỉ chực tràn ra như nước. Đôi khi không cần người nghe là quen hay lạ, có muốn lắng nghe hay không. Họ cần trải lòng - những người đàn bà trời sinh vốn quá nhiều cảm xúc, nên bao giờ nhu cầu được chia sẻ và thấu hiểu cũng cần thiết như cần ăn cần uống vậy!

Và rồi, như tôi nghĩ, chị bắt đầu nói nói về cuộc hôn nhân 30 năm, không sóng gió gì lớn, không cãi nhau gì nghiêm trọng, không con cái, không thiếu hụt gì nhiều, cũng không dư dả gì quá… Mọi thứ không có gì cả. Ngày hôm nay sẽ hệt như ngày hôm qua và ngày mai rồi cũng như ngày hôm nay… "Chị đã từng nghĩ, nếu như có một đứa con có lẽ mình sẽ khác! Bây giờ chị chỉ sống qua ngày!".

Tôi giật mình khi ngồi nghe chị nói. Giật mình nhìn người đàn bà chưa đến 50 tuổi, hãy còn khỏe mạnh, tự hỏi, sao chị có thể chấp nhận được cuộc sống bao nhiêu ngày trôi qua y hệt nhau như thế? Mỗi ngày là tài sản của chính mình, dùng như thế nào là chuyện của mình. Sao mình lại có thể cầm trên tay từng ấy thời gian, nhìn nó trôi qua kẽ tay mà không làm gì cả? Tại sao có người lại sống 24 giờ rực rỡ, đầy trải nghiệm và niềm vui còn mình lại chỉ là một nỗi buồn chán. Người ta có thể chơi một môn thể thao, có thể nấu ăn, có thể gặp gỡ, có thể xê dịch… Còn mình đã làm gì mình?

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Và, tôi tự hỏi, sao niềm vui hạnh phúc của chị, cuộc hôn nhân của chị phải trông chờ vào sự hiện hữu của một đứa con?

Đồng ý một đứa con ra đời sẽ khiến cho cuộc đời của một người đàn bà thay đổi hoàn toàn. Họ bận rộn hơn, trưởng thành hơn, trách nhiệm hơn. Tình yêu và cuộc hôn nhân của người cha người mẹ cũng trở nên khác, có nhiều mối quan tâm cùng nhau hơn, có nhiều động lực hơn trong mục đích nuôi lớn và dạy dỗ con cái. Nhưng không có nghĩa là đứa trẻ có thể bảo đảm cho người ta hạnh phúc, cho người ta gắn kết với nhau mãi mãi. Nếu những đứa trẻ có khả năng đó thì làm gì có quá nhiều những cuộc ly hôn khiến bọn trẻ phải xa cha hoặc mẹ.

Người ta chỉ có thể hạnh phúc khi bản thân mưu cầu, khi bàn chân đi tìm, bàn tay nỗ lực gõ cửa. Người ta chỉ có thể gắn kết với nhau, khi cả hai đều cố gắng gọt giũa, sửa đổi bản thân mỗi ngày bằng ý nghĩ rằng không có ai sinh ra là hòa hợp. Chỉ có mong muốn được ở cạnh nhau, vì nhau, yêu thương nhau, mới có thể giúp nhau cùng ở lại vui vẻ, trong cuộc sống hôn nhân vốn quá nhiều trần trụi và mong manh. Chứ làm gì có điều gì khác, khiến một người gắn kết với một người? Kể cả là một đứa trẻ - đứa trẻ mà cả cha cả mẹ đều yêu thương rất mực!

Tôi ngồi nghe chị nói, im lặng. Nhưng không thể không nghĩ đến con cáo và chùm nho trong câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng. Có lẽ, nguồn cơn của mọi bi kịch ở con người chúng ta đều nằm ở chỗ, ta cứ tự lừa dối bản thân, “đổ thừa”, ve vuốt chính mình, không dám, không thử hái thì chùm nho có khi nào tới tay ta? Muốn ăn được chùm nho thì phải cố nỗ lực để hái. Được hay không đều phải chân thật thừa nhận. Chính sự dũng cảm trải nghiệm, dũng cảm thừa nhận mới khiến cuộc sống ta có nhiều màu sắc, khiến ta có cơ may chạm được đến niềm vui, hạnh phúc. Trên đời này có ai là cái móc áo cho ta treo mình lên đó để vui vẻ bình an đâu?

Theo phụ nữ TPHCM