leftcenterrightdel
 

Bữa tiệc chia tay năm cũ đón năm mới, chúng tôi hội tụ đầy đủ các thành viên nhóm. Đang chơi vui vẻ, bé Sữa bỗng dưng khóc nhè và lại đòi điện thoại. Diễm dỗ hoài không nín và cô sẵn tay phát vào mông bé mấy cái. Tiếng con bé khóc nấc lên át cả tiếng cười nói của người lớn và chúng tôi phải dỗ dành cho bé nín.

Diễm hay đánh con, đã nhiều lần chúng tôi biết chuyện và khuyên can, nhưng bạn vẫn đâu hoàn đấy. Một mình Diễm cáng đáng mọi việc, vừa lo mưu sinh vừa nuôi nấng, dạy dỗ con cái một mình sau ly hôn nên cô thường xuyên mệt mỏi và căng thẳng.

Thêm nữa, Sữa có lúc quá đáng, nhõng nhẽo, ỉ ôi khóc suốt. Diễm cũng biết nóng nảy đánh con cũng không thể giải quyết được vấn đề, càng làm cho mọi chuyện rối lên, nhưng cô nói khi cô bực mình, không có ai can gián, giúp cô nguội cơn giận.

Một hôm đi làm về vừa mở cửa bước vào nhà, tôi thấy chồng đang mắng con to tiếng và lấy roi quất vào chân con mạnh tay. Cá Rô khóc to tiếng và ngẹn đi, thấy tôi về con như vớ được phao cứu sinh. Nhìn con bị đánh, tôi không thể chịu nổi vội hét lên: “Sao anh lại nỡ đánh con đến tè dầm trong quần, anh ác lắm! Ngày trước dù có gặp áp lực trong công việc như thế nào, khi về nhà anh vẫn vui vẻ bên gia đình, giờ anh thay đổi quá, anh đánh con đến mức này à?”.

Thay đồ cho con, nhìn những vết lằn trên cơ thể con, tôi càng thêm buồn nản. Hình ảnh chồng đánh con vẫn mãi ám ảnh trong tôi. Tôi vừa trách anh tàn nhẫn với con, vừa tự soi chiếu bản thân mình.

Tôi nhớ vài ba lần các con quấy phá, khóc lóc, dành giật đồ chơi, sẵn lúc tôi đang stress bực bội nên có lỡ tay tét mông con. Khi ấy tôi như con quỷ giữ, dù trong đầu vẫn ý thức chuyện đánh con là sai nhưng vẫn không ngăn nổi hành động của mình.

Tối hôm ấy, tôi không giữ được bình tĩnh và xin lỗi con rối rít, ôm ấp con vào lòng như kẻ tội đồ. Sau khi con ngủ, tôi nói chuyện nghiêm túc với chồng: “Từ nay em không bao giờ muốn lặp lại chuyện đánh con một lần nào nữa. Chúng ta không kiềm chế được, vậy anh và em phải kèm và giám sát nhau”. Chồng tôi đồng tình, anh nói: “Hồi chiều đánh con xong anh ân hận lắm”.

Tôi và chồng sau này cố gắng tiết chế tâm trạng. Khi tôi thấy anh đã bắt đầu lớn tiếng với con là tôi hạ tông ngay, liền dỗ dành anh: "Trẻ con mà anh, nếu biết nên và không nên như người lớn thì còn gọi trẻ con làm gì". Hay những lúc tôi bắt đầu cáu với con là anh nói ngay: " Hừm, mẹ vừa nói gì đó hè?", nghe anh nhắc khéo là tôi hạ hỏa.

leftcenterrightdel
 

Đôi lúc các bậc phụ huynh mang quá nhiều những áp lực từ công việc, cuộc sống. Nếu ngày hôm ấy bị sếp phê bình, công việc không suôn sẻ, khi về nhà đúng lúc con cái gây ra lỗi lầm gì đó là "đẩy thuyền đẩy nước", dẫn đến lời nói thiếu kiềm chế hoặc hành động bạo lực với con. Và rồi chúng ta luôn cắn rứt với muôn câu hỏi vì sao không thể kiềm chế mà để đánh con đến nhường này.

Bài thực hành kiềm chế cảm xúc và hành động bản năng khi tức giận hoặc stress, tôi và chồng cùng động viên nhau kiên nhẫn học. Thông thường chúng ta chưa biết cách bỏ lại sau lưng những điều chưa vừa ý trong công việc để mang yêu thương về nhà. Bạn nghĩ mà xem, chúng ta có thể vui vẻ, nhẹ nhàng, lịch sự với tất cả mọi người bên ngoài, đồng nghiệp, bạn bè... Nhưng khi về nhà ta lại trở nên cộc cằn, nóng giận và nói những điều khô khan với những người thân, thậm chí “ra tay" với đứa con mình yêu thương hơn cả bản thân.

Những đứa trẻ lớn lên trong tình yêu thương bao giờ cũng là những đứa trẻ ngoan ngoãn, nhân ái. Tôi và chồng luôn nhắc nhở nhau và tự nhắc mình câu thần chú “dạy con bằng đòn roi chính là sự thất bại".

Chúng tôi chia sẻ cho nhau đọc những câu chuyện dạy con hay và tiến bộ, văn minh hay những bài viết về tác hại của nuôi dạy con bằng đòn roi lên tâm lý trẻ để tự răn mình.

Theo phunuonline