Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Tôi và vợ chia tay cách đây 4 năm. Cô ấy nuôi con gái 5 tuổi, tôi nuôi con trai 12 tuổi. Tôi vẫn quan tâm chu cấp tiền nuôi con hằng tháng dù tôi biết gia đình vợ không coi tôi ra gì, thường xuyên kể xấu, bêu riếu tôi với họ hàng.

Mấy năm qua, tôi tập trung lo việc làm ăn, không có ý định lập gia đình lần nữa. Đến nay, tôi có nền tảng kinh tế tương đối vững vàng, có thể lo được cho cha mẹ, anh chị em.

Mới đây, tôi biết tin vợ cũ bị ung thư ngực. Cô ấy phải gửi con gái về nhà ngoại để đi điều trị. Vợ cũ của tôi tính tình rất ngang bướng, không bao giờ nhún nhường hay nhường nhịn. Tôi biết với tính cách đó, cô ấy không bao giờ than vãn, chỉ cắn răng chịu đựng một mình.

Cô ấy phát hiện bệnh đã lâu nhưng mấy lần trước chỉ điều trị ngắn ngày nên tôi không biết. Nay phải gửi con cả tháng, chắc là bệnh đã vào giai đoạn khó, phải điều trị căng thẳng. Tôi biết kinh tế của gia đình ngoại không dư dả, bản thân cô ấy cũng vậy. Chi phí điều trị chắc chắn là một khoản tiền lớn.

Tôi có gọi điện, nhắn tin hỏi thăm nhưng cô ấy không bắt máy. Tuần trước, tôi chuẩn bị ít quà trung thu sang thăm nhà vợ cũ với ý định hỏi thăm bệnh tình rồi giúp đỡ, nếu được thì xin cho con gái về sống với tôi. Vậy nhưng do cha vợ cũ không tiếp, tôi chỉ có thể gửi quà rồi về.

Thực ra bây giờ tôi coi như không biết gì về chuyện bệnh tật của cô ấy cũng được, bởi chúng tôi đã chia tay, không còn trách nhiệm với nhau. Tuy nhiên, trong thâm tâm, tôi nghĩ làm vậy là cạn tình cạn nghĩa. Tôi thực lòng muốn giúp đỡ cô ấy. Tôi nên làm thế nào để cô ấy nhận sự giúp đỡ này?

Hữu Trung (TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

 

Anh Hữu Trung thân mến, 

Anh có tấm lòng thật đáng quý. Vợ cũ dù đã chia tay nhưng không có nghĩa là anh và chị ấy không từng chia sẻ với nhau một đoạn đời mặn nồng, từng yêu thương gắn bó. Mặt khác, anh chị còn có 2 đứa con. Cô ấy là mẹ của các con anh. Nếu cô ấy ốm đau bệnh tật hay tệ hơn là cô ấy ra đi, các con anh sẽ mất mẹ, mất đi nguồn tình cảm vô giá. Không ai trên đời có thể thay thế được vai trò của người mẹ.

Tuy nhiên, cuộc sống của vợ anh lúc này đã bị lồng vào gia cảnh nhà ngoại. Cô ấy phải gửi con cho nhà ngoại nuôi, cô ấy gặp bệnh tật, cô ấy có thể gặp bao nhiêu khó khăn khác nữa.

Rất có thể vì định kiến trước đây, nhà ngoại cho rằng anh là nguyên nhân gây ra tất cả những điều này, anh phải chịu trách nhiệm về những đổ vỡ, đau khổ mà con gái họ trải qua. Bây giờ, anh nên cố gắng tránh những rắc rối với nhà ngoại, đừng tranh luận gì vì sẽ mất nhiều thời gian, công sức mà lại không có sự hỗ trợ của cô ấy. 

Hôn nhân của anh dù đã tan vỡ vẫn là câu chuyện của riêng 2 người. Vì thế, anh hãy tìm cách giải quyết giữa 2 người. Anh hãy tìm bạn bè của vợ cũ, nhờ hỏi thăm để biết nơi cô ấy đang điều trị, rồi tìm gặp cô ấy. Những lúc phải một mình chiến đấu với bệnh tật, cô ấy rất cần người thân, cần sự giúp đỡ cả về tinh thần và vật chất. Anh cũng là người biết rõ tính cách, sức khỏe của cô ấy. Nếu anh đến với sự chân thành, cô ấy sẽ cảm ơn anh.

Riêng chuyện đưa con gái về ở cùng, lúc này, anh chỉ cần thể hiện tình cảm, sự sẵn lòng của mình, đừng vội đặt ra như một yêu cầu. Lúc nào cảm thấy cần gửi con về với anh, cô ấy sẽ chủ động.

Anh hãy giúp cô ấy vượt qua bệnh tật. Ung thư không phải luôn là dấu chấm hết. Chiếc cầu anh bắc qua với vợ cũ sẽ giúp mở ra những cánh cửa khác, có thể sẽ làm gia đình cô ấy thay đổi, nhìn nhận lại mọi chuyện.

Mong anh sớm tìm được thông tin của vợ cũ và giữ được mẹ cho các con của mình. 

Hạnh Dung

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Nếu tôi là người trong cuộc 

Thái Hường (Bắc Giang): Giúp là đúng

Tôi rất cảm động khi đọc thư anh, nó đầy ân tình và sự chân thành, thực sự hiếm có. Tôi đọc và thấy thật yêu đời vì biết rằng người tốt vẫn còn quanh đây. Có thể vì mâu thuẫn, chúng ta không tiếp tục sống chung nhưng chúng ta vẫn là cha là mẹ của các con mình. Tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng giúp được gì thì cứ giúp. Chẳng ai khước từ sự chân thành.

Có thể nhà ngoại đang tin rằng mọi khó khăn của cô ấy là do anh gây ra nên bây giờ, anh phải thật tế nhị trong từng hành động.

Theo tôi, trước tiên, anh nên tìm cách gặp ba mẹ cô ấy, bày tỏ lòng thành. Không biết người ta có hiểu lòng mình nhưng cứ làm, anh ạ. Khi gặp khó khăn, ai cũng cần một cái phao. Cái phao đúng thời điểm luôn được trân trọng.

Tiếp đến, anh hãy tìm cách nói chuyện với vợ cũ. Do anh hiểu tính cách cô ấy nên sẽ biết cách nói sao cho cô ấy hiểu. Hãy cố gắng kết nối lại với cô ấy và giúp đỡ. Chuyện con gái anh chị cứ từ từ rồi tính. Vội vã quá dễ gây sốc cho con, cho mẹ của con. Trên tất cả, hãy luôn chân thành. 

Trần Giang (Quảng Ngãi): Cứ chân thành 

Tôi có một người bạn có hoàn cảnh giống hệt chuyện nhà anh, oái oăm hơn là cô vợ từng ngoại tình rồi bỏ đi. Khi cô ấy phát bệnh thì bị người đàn ông kia bỏ rơi. Bạn tôi nhất quyết đưa vợ cũ về chăm dù bạn bè, gia đình phản đối quyết liệt bởi họ ghét sự bạc lòng. Tuy nhiên, bạn tôi lại cho rằng chỉ vì cô ấy khờ dại, mà đàn bà khờ dại luôn cần được thương.

Tôi cảm kích anh vô cùng. Có nhiều điều khiến vợ cũ của anh từ chối hoặc không gặp anh: vì sĩ diện, vì cảm thấy mình thất bại… nhưng tôi tin anh sẽ biết cách.

Khi biết mình mắc bệnh, vợ cũ của bạn tôi đã bỏ trốn khiến anh ấy phải tìm suốt mấy tháng. Sau đó, bạn tôi năn nỉ thuyết phục lâu lắm chị ấy mới chịu. Thật may, hiện tại, nhà họ lại ấm áp, còn bệnh tình cô ấy thuyên giảm rõ rệt.

Theo phụ nữ TPHCM