Chào chị Hạnh Dung,
Em và vợ kết hôn được 8 năm, có 2 bé gái. Cưới nhau vào dịp Tết 2017, sau đó vợ chồng em vào Nam lập nghiệp. Đến cuối năm 2022, công ty em cắt giảm công nhân, vợ chồng em lại về Bắc, rút bảo hiểm tất cả được 370 triệu. Không thể sống mãi cảnh thất nghiệp, em bàn với vợ ở nhà, để em đi Hải Phòng làm việc. Em vẫn gửi tiền về đầy đủ.
Mấy hôm sau, vợ với bà nội và anh chồng em cãi nhau về việc giặt giũ quần áo. Rồi anh em định đánh vợ em. Nghe vợ gọi điện kể lại, em bảo vợ em lên nhà ngoại ở.
Vì chưa có đất, nên vợ ở nhà bác. Ông bà nội muốn vợ chồng em mua đất nhà bác. Đất 400 mét vuông, có nhà ngói 4 gian đầy đủ tiện nghi, giá 600 triệu. Ông bà nội cho vay 200 triệu, khi nào có thì trả sau.
Nhưng vợ em nhất quyết không đồng ý. Cô ấy muốn ông bà cho đất của ông bà. Ông bà thì muốn đợi giá đất lên để bán lấy tiền cho vợ chồng em xây nhà, còn bây giờ tạm thời mua đất nhà bác ở cho thoải mái đã.
Vợ em phản đối bằng cách muốn em lên nhà ngoại ở, nhưng em không chịu. Cô ấy bảo 200 triệu vay ông bà biết làm bao lâu mới trả được, và kiên quyết không về ở với em, cho rằng em quá nhu nhược, ai nói gì nghe nấy.
Hiện vợ chồng em đang sống mỗi đứa một nơi. Con cái đứa ở với bố, đứa sống với mẹ. Em vẫn lên thăm vợ con đều đặn, vợ em vẫn không chịu về và đề nghị ly hôn.
Chị cho e xin lời khuyên với ạ. Em có nên tiếp tục cuộc hôn nhân này không? Em mệt mỏi rồi. Nhìn gia đình người khác quây quần mà em ứa nước mắt.
Nguyễn Văn Tùng
|
Ảnh minh họa |
Em Tùng thân mến,
Vợ chồng em có thể chưa nhìn thấy nỗi đau chia cắt, vì cả hai đều đang ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mình. Thế nhưng các em có nhìn thấy nỗi đau của hai đứa trẻ đang phải sống hai nơi, đứa theo mẹ, đứa theo cha hay không?
Hãy nhìn sâu vào mắt con trẻ để suy nghĩ cho tương lai của gia đình, em ạ. Chưa ly hôn mà trẻ con đã phải chịu thiệt thòi đầu tiên. Ly hôn rồi, cuộc sống sẽ còn nhiều thay đổi hơn, các con sẽ chịu thiệt thòi đến cỡ nào?
Hạnh Dung không thể cho em lời khuyên nào để giải quyết vấn đề nhà cửa đất đai của các em. Vì Hạnh Dung không nắm rõ sự tình, tính cách, và còn rất nhiều điều khác nữa trong việc quyết định mua một tài sản, hay chọn một nơi ở cho hai vợ chồng. Đó là chuyện các em phải tự quyết định lấy, tùy theo rất nhiều điều, quan trọng nhất là tùy theo suy nghĩ, theo tình yêu thương của các em để bảo vệ giữ gìn gia đình cho các con.
Khi để vợ lại nhà sống cùng gia đình chồng, có lẽ em cần phải có những quan tâm và sự động viên lớn với cả hai bên, sự hòa giải kịp thời và nhanh chóng, không để xảy ra những vấn đề không thể giải quyết được từ những sinh hoạt nhỏ nhặt hàng ngày.
Giải quyết vấn đề đời sống của gia đình, có thể thấy rõ thiện chí của bố mẹ em, muốn vợ chồng em có được cuộc sống riêng tư, nên sẵn sàng cho hai vợ chồng em mượn tiền mua đất. Đó là một hy sinh rất lớn của người già, bởi vì với những người cao tuổi, đồng tiền làm ra ngày càng khó khăn, và họ rất trân quý, giữ gìn những gì đang có.
Tâm lý sợ nợ nần và không muốn vay mượn của bố mẹ chồng để mua đất của vợ em cũng là tâm lý dễ hiểu. Bởi vì cô ấy giờ đây không đi làm, ở nhà nuôi con và không biết chồng có thể vừa làm nuôi gia đình vừa trả nợ cho bố mẹ nổi không, đó cũng là một điều bình thường.
Thế nhưng đòi hỏi của cô ấy muốn cha mẹ chồng phải cho đất, lại là một đòi hỏi không dễ chấp nhận. Đất đai nhà cửa là của cha mẹ và cha mẹ được toàn quyền với nó. Làm con cái, chưa lo gì cho cha mẹ, lại muốn lấy đi tài sản của họ hoàn toàn miễn phí, phải chăng là điều đúng đắn? Huống hồ cha mẹ cũng đã đưa ra những đề nghị giúp đỡ hợp lý rồi.
Giờ đây, thứ nhất, em hãy làm sao để vợ tin tưởng rằng em là trụ cột gánh vác, giải quyết và chịu trách nhiệm những vấn đề gia đình. Thứ hai, là vợ chồng phải thống nhất cùng nhau ngồi xuống, gạch ra những hướng giải quyết vấn đề một cách cụ thể, chi tiết.
Trong việc bàn bạc này, cả hai cần cố gắng nhường nhịn và hiểu phần nào những mong muốn của người kia, chấp nhận phần nào những hy sinh của mình, có thể là chỉ trong thời gian ngắn, để có sức lực tinh thần và tiền bạc, đủ giải quyết mọi việc trong tương lai.
Quan trọng nhất là cùng thống nhất gạch từ "ly hôn" ra khỏi danh sách đó. Các em đang cùng nhau giải quyết những vấn đề khó khăn của gia đình, chứ không phải tạo thêm một vấn đề mới nặng nề và nghiêm trọng hơn từ những vấn đề cũ.
Dẹp bỏ những tự ái, bức xúc, tức giận, lên án, trách móc... để có thể cùng chung tay xây dựng và gìn giữ gia đình, là điều cả em và vợ cần ưu tiên suy nghĩ lúc này, chứ không phải chỉ vì không giải quyết được khó khăn, mà đang tâm đập tan luôn cả gia đình mình.
Theo phụ nữ TPHCM