Bên trong cao nguyên đá Đồng Văn là cuộc sống đầy bản sắc của người Mông - Ảnh: GIA THỊNH

Là du khách, nhưng tôi không mong muốn chi tiêu rẻ như hiện nay khi đến cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang, vùng Đông Bắc).

Tôi cho rằng mình cần phải trả một khoản tiền phù hợp, nhiều hơn hiện nay, cho quá nhiều điều mình có được khi bước vào không gian núi đá kỳ vĩ. Nhiều người trẻ đã xê dịch nhiều nơi trong ngoài nước đều cho rằng Hà Giang nên có cách thu phí phù hợp đối với du khách khi đặt chân đến Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn.

Cuộc sống sinh động của phụ nữ ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn - Ảnh: GIA THỊNH

Sự hùng vĩ, độc đáo của cao nguyên đá xứng đáng để mình tự hỏi phải trả bao nhiêu tiền để được bước vào không gian đó. Không biết bao nhiêu là đủ nhưng nên có một khoản thu phù hợp với thực tế để bảo tồn cảnh quan, không gian du lịch cao nguyên đá nhằm phát triển bền vững.

Trần Nhật Quang (40 tuổi, TP Đà Lạt)


Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn đã được hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN) của UNESCO chính thức công nhận là công viên địa chất toàn cầu vào tháng 10-2010. Vào thời điểm đó, đây là danh hiệu duy nhất ở Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á. 

Hiện khu vực cao nguyên đá Đồng Văn là nơi cư ngụ của khoảng 250.000 người dân thuộc 17 dân tộc thiểu số của Việt Nam, trong đó ngoài người Mông, Dao, Tày, Nùng còn có các dân tộc như La Chí, Pu Péo, Pà Thẻn, Lô Lô duy nhất sinh sống tại đây. 

Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ trái đất và cũng là nơi có nhiều di tích danh lam thắng cảnh quốc gia đã được công nhận, như di tích kiến trúc nhà Vương, cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pí Lèng,...

Trồng rau cải trên núi đá ở Hà Giang được ví von "đá nở hoa" - Ảnh: GIA THỊNH

Đặc biệt và giá trị là thế, nhưng tôi nhận thấy cao nguyên đá được khai thác du lịch chưa xứng tầm. Nhiều lý do - trong đó có thiếu kinh phí - khiến cao nguyên đá Đồng Văn chưa được mạnh dạn đầu tư những tour du lịch độc đáo có giá trị quốc tế. 

Những năm gần đây, mỗi năm Hà Giang có hơn 1,3 triệu lượt khách tham quan. Ngoài số lượng rất ít khách đi theo tour tuyến có trả phí vào vé tham quan ở khu vực Vách Đá Trắng (đỉnh Mã Pí Lèng, huyện Mèo Vạc), hầu như Hà Giang chưa có nguồn thu trực tiếp từ không gian núi đá độc đáo. Một nguồn thu quan trọng để tái đầu tư vào du lịch đã bị tuột mất.

Không gian hùng vĩ của khu tham quan Vách Đá Trắng (đỉnh đèo Mã Pí Lèng) - Ảnh: GIA THỊNH

Thu phí du khách đến cao nguyên đá Đồng Văn có hợp lý? Đây không phải là điều gì mới, nhưng Hà Giang chưa áp dụng, và chưa có giải pháp. Hội An từng thu phí tham quan phố cổ theo hai hình thức: tự nguyện (đối với khách lẻ) và tính thẳng vào vé tour. Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) tính phí tham quan trên từng đầu người sử dụng dịch vụ tham quan, nghỉ dưỡng bằng thuyền du lịch…

Các địa phương Quảng Nam, Quảng Ninh đã dùng nguồn kinh phí thu về từ các di sản này để quảng bá du lịch quốc tế, đầu tư cho phát triển hạ tầng du lịch địa phương, hỗ trợ để người dân trong khu vực phát triển dịch vụ, bảo tồn và tôn tạo cảnh quan di sản. 

Ở góc độ này, chúng ta thấy không thu phí tham quan di sản là đối xử chưa đúng cách với di sản và lãng phí tài nguyên du lịch.

Những đứa trẻ sống bên trong cao nguyên đá Đồng Văn - Ảnh: GIA THỊNH

Công viên đá Đồng Văn là khu vực rộng lớn gồm nhiều huyện miền núi, có dân cư sinh sống bên trong. Do đó, không thể thu phí như những khu vực di sản nhỏ. Khách tham quan công viên địa chất có 2 dạng: chủ động và thụ động. Chủ động: du khách đến vì những hoạt động du lịch có liên quan đến cảnh quan công viên đá. Thụ động: du khách đến vì những hoạt động du lịch khác nằm trong khu vực công viên đá. 

Dù chủ động hay thụ động, du khách đều đã sử dụng "tài nguyên du lịch" công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn. Dù muốn dù không, cao nguyên đá là cái nền cơ bản cho các hoạt động du lịch trong khu vực, nên việc tính phí không sai đối tượng.

Một bé gái sống trên cao nguyên đá - Ảnh: GIA THỊNH

Việc thu phí tính thẳng vào giá dịch vụ lưu trú cũng là một cách. Với nguồn kinh phí này, Hà Giang đầu tư toàn bộ để phát triển toàn diện khu vực công viên đá, bảo tồn cảnh quan, quảng bá du lịch và xây dựng thêm tour du lịch có sức hấp dẫn... Từ đó, kích thích phát triển kinh tế du lịch.

Hầu như mỗi ngôi nhà bên trong cao nguyên đá Đồng Văn đều có trồng mận, đào và nở hoa khi xuân về khiến không gian núi đá thêm ấn tượng bởi sự cộng hưởng của hùng vĩ và nên thơ - Ảnh: GIA THỊNH

Những bàn chân, cuộc đời trên núi đá kỳ vĩ phần nào là sản phẩm du lịch tuyệt vời xứng đáng nhận được những khoản đầu tư kèm định hướng phát triển lâu bền và ổn định, giá trị cao. Du lịch Hà Giang sẽ phát triển như cách đồng bào dân tộc nơi đây đã khiến "đá nở hoa".

Cuộc sống bên trong cao nguyên đá Đồng Văn - Ảnh: GIA THỊNH

Ngôi nhà kiểu mẫu vùng cao nguyên đá với mái ngói và cây hoa đào, hoa mận trồng cạnh bên nhà đã nhiều năm - Ảnh: GIA THỊNH

Cuộc sống nghèo khó nhưng rất đẹp của người dân bên trong cao nguyên đá. Phát triển du lịch sẽ giúp cuộc sống người dân nơi đây tốt hơn - Ảnh: GIA THỊNH

Rẻo đất hiếm hoi trong cao nguyên đá trở thành ruộng rau quý giá với người dân - Ảnh: GIA THỊNH

Làm nương trên sườn núi cheo veo - Ảnh: GIA THỊNH

Cuộc sống đồng bào bên trong công viên đá lúc nào cũng đẹp như tranh - Ảnh: GIA THỊNH

Sức người tuyệt vời biến núi đá thành nơi trồng rau, ngô - Ảnh: GIA THỊNH

Theo dulich.tuoitre