Đầm Chuồn có diện tích khoảng 100 ha, là đầm nước lợ trong hệ thống đầm phá Tam Giang, thuộc xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Các du khách rỉ tai nhau chưa đi chưa biết Đầm Chuồn, nhưng khi đến nơi sẽ thấy quang cảnh đẹp như tranh, nhất là lúc bình minh.
Trước đây, đầm phá Tam Giang là vùng đất rộng ngập sâu trong nước, nhiều sình lầy, sóng gió và thuyền bè đi lại dễ gặp nạn. Nhưng ngày nay khu vực đầm phá này dễ đi lại, có nguồn tài nguyên biển để người dân đánh bắt sinh sống, trong đó Đầm Chuồn còn là nơi du khách trải nghiệm cuộc sống mưu sinh của người dân.
Đầm Chuồn vào mỗi thời khắc trong ngày mang vẻ đẹp riêng, lúc bình minh có màu cam đỏ hay cam hồng (ảnh), rực sáng trong nắng vàng ban trưa và nhuộm màu tím hồng trong buổi chiều tà.
Đối với các nhiếp ảnh gia, Đầm Chuồn là đề tài để sáng tác ảnh. "Tờ mờ sáng tôi bấm máy ở Đầm Chuồn với khung cảnh đánh bắt cá quen thuộc, nhưng vẫn bị cuốn hút trước nhịp sống trên thuyền vào lúc bình minh nơi đây", tay máy Nông Thanh Toàn, ở Huế, chia sẻ.
Ngư dân ở đây bắt đầu đánh cá từ 18h tối hôm trước và kết thúc vào 6h sáng hôm sau, rồi tranh thủ mang tôm cá ra chợ bán cho tươi.
Tại Đầm Chuồn, du khách dễ dàng nhận ra những chiếc vó màu nâu vàng, chắn sáo (còn gọi vây ví, một hệ thống ngư cụ để ngư dân nuôi các hải sản trên đầm). Các loại hải sản tươi ngon tại Đầm Chuồn có thể kể đến như cua, ghẹ, cá ong, cá dìa, cá mú, cá nâu hay cá kình. Chúng được ngư dân nuôi trong những chắn sáo hay đánh bắt tự nhiên.
"Nhà chồ" tạo nên nét chấm phá cho Đầm Chuồn. Đây là những căn nhà lán rộng khoảng 5m2 được dựng từ tre lồ ô trên đầm. Nhà lán vẫn có đủ điều kiện để người dân sinh hoạt, là nơi du khách nghỉ đêm, ngắm trăng sao và được nhậu lai rai với ngư dân.
Sau khi trải nghiệm cuộc sống nhộn nhịp ngư dân và ghi lại vẻ đẹp yên bình Đầm Chuồn, du khách trên đường về đừng quên ghé chợ làng Chuồn thưởng thức món bánh khoái cá kình nổi tiếng.
Theo vnexpress