leftcenterrightdel
Làng hoa Hạ Lũng (Hải Phòng). Ảnh: ITN. 
leftcenterrightdel
 Nhà thơ Gjekë Marinaj. Ảnh: NVCC.

Nhà thơ Gjekë Marinaj đồng thời là nhà văn, dịch giả, nhà phê bình văn học.

Ông sinh tại Malësi e Madhe phía Bắc Albania, hiện định cư tại Hoa Kỳ. Ông là Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà văn Albania - Hoa Kỳ (thành lập năm 2001).

Hiện, ông dạy Anh ngữ và Truyền thông tại Richland College ở Texas. Gjekë Marinaj nhận bằng tiến sĩ triết học tại Đại học Texas, Dallas năm 2012. Marinaj đã xuất bản một số tập thơ, văn xuôi, phê bình văn học. Năm 2008, ông được trao giải thưởng Pjetër Arbnori Văn chương của Bộ Du lịch, Văn hóa, Thanh niên và Thể thao của Albania.

Thơ Gjekë Marinaj đã được dịch và đăng trên các báo và tạp chí của Việt Nam. Năm 2014, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã ấn hành tập thơ của ông “Những hy vọng trong suốt” do Nguyễn Chí Hoan dịch từ tiếng Anh, Takya Đỗ biên tập.

Tháng 6/2016, Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản cuốn sách nghiên cứu song ngữ Việt – Anh của ông “Những cây liễu rỉ máu – Bleeding willows”, do Nguyễn Quang Thuật dịch.

Tôi là người may mắn và hạnh phúc vì đã đến Việt Nam ba lần. Lần đầu tiên vào đầu mùa Hè năm 2014 để ra mắt tập thơ song ngữ Việt - Anbania “Zanore në vesë/Những nguyên âm trong sương sớm” của Mai Văn Phấn do tôi dịch.

Lần thứ ba tôi đến Việt Nam vào mùa Xuân, dịp Tết Nguyên tiêu để tham dự Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ III năm 2019.

Từ cảm xúc thân thương...

Mỗi lần đến Việt Nam đều in dấu trong tâm trí tôi những kỷ niệm không bao giờ quên, về một đất nước tươi đẹp và mến khách, về vùng đất mới mẻ của văn chương, về bạn bè, những người yêu văn học. Ba chuyến đi của tôi gắn với ba mùa ở Việt Nam. Mỗi mùa có vẻ đẹp riêng, nhưng tôi yêu thích nhất là mùa Xuân với chuyến đi thứ ba mà tôi đang tâm sự cùng các bạn.

Hôm ấy, xe của Hội Nhà văn Việt Nam đón chúng tôi tại sân bay Nội Bài. Trên con đường rộng và đẹp, chúng tôi như lạc trong một câu chuyện cổ tích nào đó của Á Đông. Dọc hai bên đường những thửa ruộng vừa cấy xong, lúa đã lên xanh mướt trong gió Xuân nhè nhẹ.

Mưa phùn hay sương khói như không phân biệt được, đã phủ lên đất đai, cây cỏ một cảnh tượng vô cùng huyền ảo và thích thú. Cô nhân viên xinh đẹp của Hội Nhà văn Việt Nam cho chúng tôi biết, chỉ có ở đất Bắc mới có cảnh thơ mộng này vào đúng dịp Xuân.

Ở đây có những năm mùa Xuân đến muộn, tức sau Rằm tháng Giêng mới lập Xuân nên không có mưa phùn. Nhưng có năm lại lập Xuân sớm, khoảng trước Tết Âm lịch.

Người Việt Nam cũng như người châu Á coi ngày chuyển mùa trong năm rất quan trọng. Họ gọi ngày đó là “tiết lệnh”. Ngày này liên quan tới mùa vụ cấy trồng, chăm bón cây cối, chăm sóc vật nuôi... Theo lịch vạn niên, người dân thường chia làm 24 tiết khí trong năm.

Lịch biểu thị sự nóng lạnh có 8 tiết khí: Lập Xuân, Xuân Phân; Lập Hạ, Hạ Chí; Lập Thu, Thu Phân; Lập Đông, Đông Chí. Riêng mùa Xuân lại chia ra các tiết khí như: Lập Xuân, Vũ Thủy, Kinh Trập, Xuân Phân, Thanh Minh và Cốc Vũ.

Trước đây có lần tôi đã chỉ dẫn cho người vợ xinh đẹp Dusita của tôi về cách phân định tiết khí này, cô ấy tỏ ra vô cùng thích thú và háo hức mong được tới thăm đất nước Việt Nam, chiêm ngưỡng thiên nhiên và thời tiết kỳ diệu ở đây.

Xe đưa chúng tôi về trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam để gặp gỡ các nhà thơ Việt Nam và quốc tế, mãi tới khuya mới về khách sạn Quân đội ở số 1 Nguyễn Tri Phương, nằm tại trung tâm Thủ đô. Đêm Hà Nội thật đẹp và sâu lắng.

Vừa mang đồ lên phòng, tôi đã vội chạy ra đường để tận hưởng không khí mùa Xuân Thủ đô nước Việt vào ban đêm, thật ấm áp, huyền ảo và đẹp một cách bí ẩn. Những đôi trai gái dắt tay nhau trên vỉa hè, vừa đi họ vừa cắn những loại hạt khô đã rang chín, hạt hướng dương, hạt bí, hay một loại hạt gì đó...

Một đôi trai gái ăn mặc khá giống nhau và trang nhã đi đến mời tôi cắn chung hạt hướng dương với họ. Tôi nhấm nháp hương vị bùi bùi, ngầy ngậy từ loại hạt lấy từ một loài hoa luôn hướng về Mặt trời.

Nhưng có lẽ ghi nhớ và đáng yêu nhất là hình ảnh đôi trai gái đã niềm nở mời tôi ăn cùng loại hạt khô ấy. Một luồng cảm xúc thân thương và mạnh mẽ ngay lập tức ùa vào tôi, cho tôi cảm nhận vẻ đẹp một vùng đất, về những con người mến khách, thân mật và thanh lịch.

leftcenterrightdel
 Việt Nam - vùng đất mới mẻ của văn chương (Trong ảnh: Đêm thơ Nguyên tiêu trong Ngày Thơ Việt Nam 2023). Ảnh: Bình Thanh.

…đến khí Xuân thành phố biển

Tôi ở Hà Nội hai ngày tham dự các sự kiện của Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ III, đọc thơ, diễn thuyết, trả lời báo chí... Sau đó, tôi và nhà thơ Mai Văn Phấn lên đường về Hải Phòng, thăm quê hương thứ hai của ông - thành phố cảng lớn nhất phía Bắc nước Việt (Mai Văn Phấn sinh ra và lớn lên ở Ninh Bình - ND).

Xe vừa qua Cầu Rào ở Hải Phòng, tôi đã nhận ra nét riêng rất độc đáo của thành phố này. Hai bên đường Lạch Chay hàng quán san sát, bán đủ các loại hàng tiêu dùng, đồ mỹ phẩm và cả đồ ăn. Đường phố đông đúc và rì rầm như con sông chảy vào lòng thành phố.

Cạnh nhà Mai Văn Phấn có hàng bánh cuốn truyền thống rất ngon, gọi là “bánh cuốn bà Bẩy”. Quán này đã từ lâu mang tên bà chủ nhà, cho con cháu tham gia các công đoạn làm ra bánh để phục vụ thực khách, như tráng bánh, rán chả, ngâm giấm tỏi... Với tôi, đây là một câu chuyện rất thú vị. Tôi ăn bánh cuốn rồi sang quán bên cạnh thưởng thức trà cúc trong khí Xuân thành phố biển.

Trà cúc là đồ uống được nhiều người dân và du khách thập phương yêu thích ở đây. Thức uống này được làm từ trà, hoa cúc, cam thảo và táo đỏ sấy khô, có thêm lát quất thái mỏng. Người Hải Phòng thường dùng hoa cúc trắng hoặc vàng, thu hái khi hoa bắt đầu nở ở độ Thu sang.

Người dân thường cho hoa cúc đã sấy hoặc phơi khô vào lọ để dùng quanh năm. Vị trà cúc ngọt đằm, thoảng mùi hoa đồng nội gợi cho tôi cảm giác nhớ nhà, nhớ quê hương Albania của tôi. Mùa Xuân ở Hải Phòng như đã đưa tôi về vùng Malësi e Madhe phía Bắc Albania vào dịp đầu mùa Thu. Cũng nắng vàng hanh hao, cũng se se lạnh ngọt ngào và dịu dàng như ở Hải Phòng thân yêu này.

leftcenterrightdel
Dòng Tam Bạc (Hải Phòng). Ảnh: ITN. 

Chúng tôi đi bộ dọc bờ sông Tam Bạc, qua phố Nguyễn Đức Cảnh, sang phố Quang Trung, lên Nhà hát Lớn của thành phố. Nhà hát là dấu tích kiến trúc từ thời thực dân Pháp ở đây, giờ nó như thu mình lại giữa những khu nhà hộp cao tầng mọc lên gần đó. Đứng ở sân Nhà hát Lớn, tôi nhìn sang bên bờ sông Tam Bạc thấy quán hoa rất đẹp, mang nét kiến trúc Pháp.

Ở đây có nhiều loại hoa đẹp và đa dạng mùi thơm. Tôi ấn tượng nhất là hoa hồng Lũng được bán cùng những loại hoa hồng khác đến từ Đà Lạt, Sapa... Hoa hồng Lũng, trồng ở làng Lũng Hải Phòng, chắc do tinh chất của đất đai nên loại hoa hồng này có bông nhỏ xinh, cánh bền. Và hương thơm cũng thật đặc biệt, nồng nàn, thanh khiết mà vô cùng quyến rũ...

Tôi đã mua mấy bông hoa hồng Lũng, cầm trên tay khi đi dạo dọc đường Trần Phú. Đây là một con phố đổ ra bến cảng. Ngay bên cạnh con đường là dải công viên xanh mướt mát, cây cổ thụ mọc xen với những cây mới trồng. Trên phố cũng có cả dịch vụ rửa xe, gội đầu, nhà hàng bán băng đĩa...

Đi qua con phố mà tôi cảm giác gần gũi như đi qua một khu ký túc xá, khu dân cư ở đâu đó. Gần đến bến cảng, chúng tôi đã nhìn thấy những cần cẩu của tàu viễn dương. Tôi đã đọc tài liệu viết về lịch sử của Bến Sáu kho ngày trước. Giờ bến cảng này đã mở rộng dọc theo sông Cấm ra biển. Một số cảng lớn và hiện đại đã được xây dựng ở đây.

Chúng tôi đi qua Nhà băng năm sao cũ (giờ là Trụ sở Ngân hàng Vietinbank), Nhà ga Hải Phòng, Đồng hồ ba chuông để chiêm ngưỡng nét cổ xưa của Hải Phòng. Những di tích này giờ đây như thu mình lại trước sức lớn dậy nhanh chóng của một thành phố công nghiệp phát triển.

Ở đây, giờ chắc ít người nhắc đến hai chữ “cần lao” (Hải Phòng xưa hay gọi là thành phố cần lao) ngày trước nữa, bởi nó ngày càng hiện đại và văn minh, xứng ngang tầm với những hải cảng trên thế giới.

Chúng tôi rẽ vào hàng bánh đa cua - một đặc sản của thành phố cảng. Ở Hà Nội có phở, ở đây có “bánh đa cua”, món ăn mang đậm hương vị đất cảng với vị cay cay, nóng hổi, được chế biến một cách cầu kỳ và tinh tế với nhiều loại nguyên liệu của địa phương. Tại đây, họ còn phục vụ các món ăn khác như chả nem, nem rán, miến trộn thập cẩm... Những món ăn này có lẽ tôi ít gặp ở Thủ đô Hà Nội.

Hải Phòng cũng như Hà Nội, tôi mới chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”, như cách nói của người Việt, nhưng tình cảm con người, vẻ đẹp văn hóa, sự phong phú và độc đáo của phong tục tập quán nơi đây luôn hiện lên sống động trong tâm trí tôi.

Việt Nam là đất nước có bốn ngàn năm lịch sử oai hùng dựng nước và giữ nước, là nơi trầm tích văn hóa rất độc đáo, nơi thiên nhiên đa dạng và thơ mộng.

Để kết thúc những dòng ngắn ngủi mà tràn đầy cảm xúc này, tôi chỉ biết thốt lên từ trái tim mình: Tôi yêu Việt Nam! Việt Nam luôn trong trái tim tôi, dù ở bất cứ nơi đâu.

Theo giaoducthoidai