Cuối tháng 5 tới đây, lứa sinh viên đầu tiên của bộ môn tiếng Việt tại Khoa châu Á và Bắc Phi học ở Đại học Ca’Foscari, thành phố Venice (Ý) sẽ tốt nghiệp cử nhân.

Nhân dịp này, PV Thanh Niên đã có dịp trò chuyện với Phó giáo sư Trần Quang Anh-Richard, trưởng bộ môn tiếng Việt, về chặng đường ông đã đi qua và các kế hoạch để thu hút thêm sinh viên nước ngoài tìm hiểu văn hóa Việt Nam.

Cái duyên với nghề

Bộ môn tiếng Việt của Đại học Ca’Foscari được thành lập vào năm 2019. Trả lời Thanh Niên, ông Quang Anh cho biết ý tưởng về việc lập ra một chương trình tiếng Việt nói riêng và Việt Nam học nói chung bắt nguồn từ tầm nhìn xa của Giáo sư Marco Ceresa, Trưởng khoa châu Á và Bắc phi học.

Dạy tiếng Việt cho sinh viên Ý - ảnh 1

Từ trái sang: Phó giáo sư Trần Quang Anh-Richard, Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ và Giáo sư Marco Ceresa tại buổi diễn Hồn Việt vào ngày 25.2

 

“Thầy Ceresa muốn thành lập một chương trình về Đông Nam Á học, trong đó giảng dạy về Việt Nam và Thái Lan. Thầy Ceresa cũng dự định lập ra bộ môn tiếng Việt trước”, ông Quang Anh cho biết.

“Lúc đó, tôi nghe nói Đại học Ca’Foscari đang tìm một người để giúp họ với dự án này. Vì thấy quá thú vị và tò mò, tôi mới liên hệ để tìm hiểu thêm. Tôi là giáo sư đầu tiên của chương trình và là người phụ trách việc phát triển bộ môn tiếng Việt”, Phó giáo sư Quang Anh chia sẻ về cơ duyên của mình với Đại học Ca’Foscari.

“Ngoài câu chuyện nguồn gốc của bộ môn, tôi tin rằng thành phố Venice là một cửa ngõ giao lưu của các nền văn minh. Do đó, nơi này có nhiều tiềm năng để phát triển chương trình nghiên cứu Việt Nam học”, ông Quang Anh nói thêm.

Dạy ngôn ngữ cùng với văn hóa

Theo Phó giáo sư Quang Anh, các sinh viên tốt nghiệp sau 3 năm học bộ môn tiếng Việt tại Đại học Ca’Foscari sẽ đạt được trình độ trung cấp, tức khoảng mức B1 theo Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung của châu Âu (CEFR). Ở trình độ này, sinh viên có thể hiểu ý chính cuộc trò chuyện về các chủ đề thường gặp trong công việc, ở trường hoặc khu vui chơi. Họ cũng có thể mô tả mong muốn hoặc nêu ý kiến kèm theo nguyên nhân và giải thích.

Dù được thành lập muộn, bộ môn tiếng Việt tại Đại học Ca’Foscari được xem là có chương trình học tiếng Việt hoàn thiện nhất tại Ý vì sinh viên còn được học lịch sử, văn học, kinh tế và văn hóa Việt Nam.

Dạy tiếng Việt cho sinh viên Ý - ảnh 2

Tiết mục trong buổi diễn Hồn Việt

“Điểm đặc biệt của chương trình này là chúng tôi nhấn mạnh văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam, như dân ca quan họ, một di sản Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Các em sinh viên Ý không chỉ học ngôn ngữ mà còn được tìm hiểu văn hóa phong phú của Việt Nam”, ông Quang Anh chia sẻ.

Vào cuối tháng 2, các sinh viên Ý của bộ môn tiếng Việt cũng đã kết nối với sinh viên Việt Nam đang du học tại Đại học Ca’Foscari để tổ chức một buổi biểu diễn văn hóa có tên gọi “Hồn Việt”. “Trong sự kiện này, các sinh viên đã tiễn Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ về Việt Nam sau khi bà hoàn thành nhiệm kỳ ở Ý. Các em sinh viên cũng đã giới thiệu với cộng đồng ở Ý những tiết mục vô cùng đặc sắc của kho tàng dân ca Việt Nam”, Phó giáo sư Quang Anh nói.

Mong thu hút thêm sinh viên

Dù được thầy cô tận tình hướng dẫn, các sinh viên Ý vẫn thường gặp một số trở ngại trong quá trình học tiếng Việt. Ông Quang Anh cho biết khi ra khỏi lớp, sinh viên Ý ít có cơ hội tiếp xúc với những người biết nói tiếng Việt nên không thể luyện tập nhiều. Do đó, ông đã tổ chức các buổi giao lưu văn hóa giữa sinh viên Ý và sinh viên Việt Nam đang du học tại Đại học Ca’Foscari để họ có thể kết nối với nhau.

“Tuy tốt nghiệp ở trình độ B1, đa số sinh viên Ý chưa có khả năng giao tiếp một cách tự nhiên và lưu loát với người dân địa phương. Vì thế, chúng tôi thường khuyên sinh viên Ý đi du học thêm ở Việt Nam”, ông Quang Anh nói thêm.

Phó giáo sư Quang Anh chia sẻ ông đang ấp ủ nhiều kế hoạch để phát triển bộ môn tiếng Việt trong tương lai. “Tôi muốn tăng số lượng sinh viên Ý theo học bộ môn tiếng Việt và tôi cũng mong các sinh viên này sẽ được mở mang tầm nhìn về nền văn hóa phong phú của Việt Nam”, ông Quang Anh nói.

Ông Quang Anh cũng muốn mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Đại học Ca’ Foscari với các trường đại học ở Việt Nam trên cả ba miền đất nước. Ông chia sẻ rằng mình đang lập ra dự án cho những năm sắp tới. Trong đó, giáo sư từ các trường đại học Việt Nam có thể được mời sang nước Ý để thuyết trình nhằm tăng sự hợp tác giữa các trường đại học với nhau.

Theo Thanh Niên