Zhang nhanh chóng nhận ra kết bạn với người Mỹ không hề dễ và cô bé cũng không hứng thú tham gia các bữa tiệc, các trận bóng với bạn bè cùng lớp. Phạm vi cuộc sống xã hội thu hẹp lại trong lớp học, ký túc xá và căng tin.

Từ năm 2005 đến 2015, số thanh thiếu niên Trung Quốc theo học các trường trung học của Mỹ đã tăng vọt, từ 637 lên hơn 46.000 một năm. Tại Mỹ, bộ phận này đôi khi được gọi là trẻ "nhảy dù" - mô tả cho việc bị tách khỏi cha mẹ và thả bằng máy bay xuống lãnh thổ xa lạ.

Sinh ra trong các gia đình giàu có thành thị của Trung Quốc, hầu hết những đứa trẻ "nhảy dù" đều lớn lên trong môi trường quốc tế. Chúng đã quen với việc đi du lịch nước ngoài và tiêu dùng toàn cầu hóa. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa chúng đã là "công dân toàn cầu", có khả năng thích nghi với các nền văn hóa khác nhau.

Đến các trường trung học ở Mỹ, chúng ngay lập tức phải đối mặt với cảnh hẹn hò và tiệc tùng, uống rượu ở tuổi vị thành niên, thậm chí sử dụng ma túy. Trong khi đó, thế mạnh kinh tế và lợi thế học tập mà chúng quen thuộc lại không dễ dàng chuyển giao trong trường học xuyên quốc gia. Việc không ngừng phải đấu tranh với danh tính mới chỉ là "thiểu số" của mình cũng là một sức ép khủng khiếp.

Ban giám hiệu các trường trung học tư thục Mỹ đã rất nỗ lực để đưa học sinh "nhảy dù" vào cuộc sống học đường. Họ đưa ra các biện pháp nhằm phá bỏ các rào cản về chủng tộc, chẳng hạn như cấm sử dụng các ngôn ngữ không phải tiếng Anh trong lớp học hoặc nhà ăn. Tuy nhiên những nỗ lực này thường không đạt được kết quả như mong muốn.


                                                              Mỗi năm Trung Quốc có gần 50.000 thanh thiếu niên "nhảy dù" xuống các trường trung học của Mỹ. Ảnh: Sixthtone.

Dylan Fang, học sinh tại một trường trung học ở Seattle, chia sẻ, trong giờ học, trẻ nhảy dù và trẻ Mỹ cùng thực hiện các dự án, ngồi cùng nhau và thậm chí có thể bàn luận sôi nổi về một vấn đề. "Cảnh đó trông thực sự tuyệt vời. Nhưng một khi bạn ở ngoài lớp học, bạn nhận ra ngay người Mỹ sẽ không đi chơi với bạn", Fang nói.

Khi đến Mỹ, Fang đã rất cố gắng để hòa nhập, bao gồm cả việc gia nhập đội bóng đá của trường. Sau một tuần, cậu được nhận vào đội. Fang là sinh viên quốc tế đầu tiên trong bảy năm làm như vậy.

Tuy nhiên sự phấn khích sớm chuyển thành thất vọng. Là cầu thủy duy nhất không phải da trắng, Fang cảm thấy không được đồng đội chào đón. Không ai nói chuyện với cậu hoặc ngồi cùng cậu trên xe buýt của đội. Mặt khác, Fang cũng cảm thấy áp lực khi phải "đại diện" cho Trung Quốc và thậm chí là toàn bộ sinh viên quốc tế.

"Các bạn đang đại diện cho sinh viên quốc tế, đại diện cho Trung Quốc, giống như chơi ở World Cup. Nhưng các cầu thủ nhí đó đã biết nhau từ khi còn học tiểu học và ở cùng một đội ngoài trường học. Mặc dù có người đá giỏi, người không giỏi bằng nhưng chúng có mối quan hệ gắn kết và được phép mắc lỗi. Tôi thì không", cậu thiếu niên bộc bạch.

Theo cậu, mỗi học sinh Trung Quốc đều nghĩ rằng sẽ có nhiều bạn bè người Mỹ và họ cố gắng rất nhiều, thậm chí "không biết xấu hổ để chạy vào những vòng kết nối xã hội đó". Nhưng sau một năm, hầu hết đều thất bại và đột ngột nhận được bài học về cuộc sống của một người thiểu số khi được dán nhãn "sinh viên quốc tế", "sinh viên Trung Quốc" hoặc "châu Á".

Một số thích nghi bằng cách "Mỹ hóa bản thân". Frank Wu, 16 tuổi, học tại một trường nội trú ở Maryland, đã từ bỏ bóng đá - môn bóng được học sinh châu Á yêu thích, để chuyển sang chơi bóng bầu dục cho nó "giống Mỹ".

Wu nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết bạn với những người sắc tộc khác. Bạn thân nhất của Wu là người Mỹ gốc Mexico. Cậu cũng tự hào giới thiệu về vòng tròn bạn bè của mình đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Song, khái niệm của Wu về "ngôi làng toàn cầu" hay thậm chí là xã hội Mỹ dường như được định hình bởi mô hình thu nhỏ mà Wu tìm thấy ở trường mình.


                                                                                                Học sinh người Hoa trong các trường trung học Mỹ. Ảnh: Nytimes.

Không có nhiều người sẵn lòng làm như Wu, đa số nhanh chóng rút lui về "phía Trung Quốc". Chen Shuang, 18 tuổi đến từ Bắc Kinh, thẳng thắn cho biết không quan tâm đến việc hòa nhập vào xã hội Mỹ: "Đó là một nền văn hóa khác biệt và tôi không nghĩ mình có nhiều điều để nói với các bạn Mỹ", cô nói.

Sự rút lui này đôi khi thậm chí còn biểu hiện như một sự "tự hào dân tộc". Nhà xã hội học Tu Siqi, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Viện Max Planck về nghiên cứu đa dạng tôn giáo và dân tộc, cho rằng, nhiều học sinh nghĩ rằng sự phát triển kinh tế và văn hóa của Trung Quốc đã tương đồng với Mỹ đến mức họ cảm thấy "không cần phải hòa nhập vào xã hội Mỹ".

Covid-19 có thể đã đào sâu thêm cái hố ngăn cách. Vào mùa xuân, các trường trung học và đại học ở Mỹ đóng cửa ký túc xá, yêu cầu học sinh trở về nhà càng sớm càng tốt. Zhang thấy may mắn vì vẫn ở Trung Quốc từ đợt nghỉ Tết Nguyên đán, trước khi dịch bùng phát. Wu ở lại Mỹ và tự cách ly tại nhà ở Maryland.

Hiện nay, căng thẳng đang gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ. Cùng với đó, khi đại dịch bùng phát, tâm lý bài ngoại và phân biệt đối xử với người châu Á ở Mỹ đang gia tăng. Khi các biên giới đóng kín hơn, ý niệm về "công dân toàn cầu" - từng được các tổ chức giáo dục quốc tế hứa hẹn - ngày càng trở nên xa vời...

Theo vnexpress