Nếu bạn đảm bảo giữ đủ nước trong khi ăn cay, mồ hôi toát ra do ăn cay sẽ buộc cơ thể tự làm mát nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Giải nhiệt bằng món ăn cay nồng, thức uống nóng?
Nhưng để có tác dụng giải nhiệt thực sự, bạn cần thay thế ly kem mát lạnh bằng một món ăn cay nồng, theo ET.
Nghe có vẻ ngược đời! Nhưng thực sự điều này có căn cứ khoa học.
Con người từ lâu đã biết chiến đấu với cái nóng bằng cách ăn thức ăn cay.
Và trong khi có vẻ vô lý khi ăn món cay xè trong cái nóng hầm hập, thì khoa học đã chứng minh rõ ràng rằng điều này sẽ giúp hạ nhiệt.
Tại sao lại như vậy?
Bí mật chính là việc đổ mồ hôi
Chất cay sẽ kích hoạt phản ứng thần kinh của cơ thể, theo lời giải thích của giáo sư Barry Green, từ Đại học Yale (Mỹ), trên trang khoa học của Mỹ Science American.
Thực phẩm cay kích thích các thụ thể trong da có nhiệm vụ phản ứng với nhiệt. Hệ thống thần kinh trung ương phản ứng với mọi tín hiệu từ hệ thống cảm ứng.
Do đó, các dây thần kinh cảm nhận đau và nóng sẽ làm giãn mạch, đổ mồ hôi và khiến mặt đỏ bừng.
Cảm giác nóng có thể gây đổ mồ hôi. Đổ mồ hôi là một trong những phương pháp cơ bản mà cơ thể dùng để hạ nhiệt, theo ET.
Nguyên nhân là do sự bay hơi của mồ hôi giúp cơ thể giải nhiệt. Vì vậy, nếu bạn đảm bảo giữ đủ nước trong khi ăn cay, mồ hôi toát ra do ăn cay sẽ buộc cơ thể tự làm mát nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Tương tự, đồ uống nóng khi trời nắng nóng có thể làm dịu cơn nóng.
Ở nhiều nước trên thế giới, kinh nghiệm cho thấy có thể hạ nhiệt khi trời nắng nóng bằng cách dùng đồ uống nóng.
Ollie Jay, nhà nghiên cứu tại Đại học Ottawa’s School of Human Kinetics ở Ottawa (Canada) - chuyên về đổ mồ hôi, đã công bố một nghiên cứu cho thấy, khi trời khô nóng, uống nước nóng có thể làm mát cơ thể, theo ET.
Để kiểm chứng điều này, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Jay đã tiến hành thí nghiệm với người tham gia được cho đạp xe trong phòng thí nghiệm.
Mỗi người được trang bị cảm biến nhiệt độ ở da và ống ngậm đo lượng ô xy tiêu thụ và lượng CO2 được tạo ra. Từ đó xác định lượng nhiệt được tạo ra trong quá trình trao đổi chất của cơ thể. Các nhà nghiên cứu cũng cẩn thận theo dõi nhiệt độ và độ ẩm không khí.
Dữ liệu đã thể hiện tổng thể về lượng nhiệt mà mỗi người đạp xe tạo ra và lượng nhiệt thải ra môi trường của từng người.
Kết quả cho thấy, những người uống nước nóng - khoảng 55 độ C, lưu trữ ít nhiệt trong cơ thể hơn so với những người không uống nước nóng.
Các nhà nghiên cứu cho rằng có lẽ đồ uống nóng làm tăng nhiệt độ của cổ họng và miệng, kích thích phản ứng tiết mồ hôi.
Lượng mồ hôi tăng thêm - khi bay hơi - sẽ làm hạ nhiệt cơ thể nhiều hơn so với lượng nhiệt tăng thêm do uống nước nóng.
Lưu ý
Tuy nhiên, cần lưu ý, chỉ nên áp dụng mẹo này trong trường hợp trời khô nóng, khi mặc ít quần áo, mồ hôi dễ bay hơi, uống nước nóng sẽ giúp giải nhiệt.
Ở vùng khí hậu nóng ẩm, độ ẩm cao, uống nước nóng làm tăng thêm nhiệt cho cơ thể, mồ hôi tiết ra nhiều hơn, nhưng không bay hơi nhiều hơn, nên không có tác dụng làm mát.
Vì vậy, uống nước nóng lúc này không có tác dụng, mà chỉ nên uống nước lạnh.
Theo Thanh Niên