leftcenterrightdel
 Phụ nữ chiếm gần một nửa trong số 950 triệu cử tri ở Ấn Độ, nhưng hiện chỉ chiếm 15% ghế trong Quốc hội và khoảng 10% trong cơ quan lập pháp cấp bang - Ảnh: PTI

Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ đương nhiệm Narendra Modi hôm 19/9 đã thông qua dự luật dành 1/3 số ghế trong Hạ viện và Hội đồng bang cho đại biểu là phụ nữ. Động thái này được cho là sẽ nâng cao vị thế của phụ nữ trong hoạt động điều hành đất nước.

Đây là đề xuất lập pháp gây tranh cãi bởi đã từng bị trì hoãn trong nhiều thập kỷ do vấp phải sự phản đối của một số đảng chính trị, cũng như cần nhận được sự chấp thuận của lưỡng viện thuộc Quốc hội và đa số cơ quan lập pháp cấp bang để trở thành luật.

Sự hồi sinh của dự luật này diễn ra vài tháng trước khi cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 5/2024, cũng là thời điểm ông Modi tích cực vận động tìm kiếm sự ủng hộ cho nhiệm kỳ thứ ba của mình.

Các nhà phân tích chính trị Ấn Độ cho rằng, cơ hội dự luật thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào chính trường được Quốc hội thông qua “là có thể nhìn thấy rõ ràng hơn” khi sự phản đối có dấu hiệu giảm bớt trong những năm qua.

“Đã có nhiều cuộc tranh luận trong quá khứ liên quan đến quyền lãnh đạo của phụ nữ...Và lần này, tôi kêu gọi các nhà lập pháp ủng hộ thông qua dự luật”, Thủ tướng Narendra Modi phát biểu trước Quốc hội trong phiên họp đặc biệt kéo dài 5 ngày bắt đầu từ ngày 18/9.

leftcenterrightdel
 Tỉ lệ phụ nữ tham gia bộ máy lập pháp các cấp ở Ấn Độ hiện thuộc nhóm thấp nhất thế giới - Ảnh: Reuters

Phụ nữ chiếm gần một nửa trong số 950 triệu cử tri của Ấn Độ, thế nhưng chỉ có 15% số ghế trong Quốc hội và khoảng 10% tham gia trong các cơ quan lập pháp cấp bang “khiến cho nền dân chủ lớn nhất thế giới này bị đẩy xuống cuối danh sách toàn cầu về bình đẳng giới trong các cơ quan lập pháp”, hãng tin Reuters bình luận.

Bộ trưởng Tư pháp Arjun Ram Meghwal cho biết, Hạ viện với 542 ghế thì hiện chỉ có 82 thành viên nữ, và nếu dự luật được thông qua thì con số này sẽ tăng lên ít nhất 181.

Các chính phủ của Ấn Độ qua nhiều thời kỳ đã tìm cách giải quyết tình trạng mất cân bằng này kể từ giữa những năm 1990 bằng cách cố gắng đưa ra luật dành 1/3 số ghế cho phụ nữ ở cấp quốc gia và cấp bang.

Dự luật lần đầu tiên được giới thiệu tại Quốc hội vào năm 1996; tuy nhiên, nó đã nhiều lần bị các đảng phái tìm mọi cách ngăn chặn bởi theo các nhà phân tích chính trị Ấn Độ thì “lãnh đạo của các đảng này sợ bị mất quyền lực vào tay phụ nữ nếu 1/3 số ghế được dành cho phụ nữ”.

Theo phụ nữ TPHCM