Đó là ba năm trước, sau khi Ye Hong tình cờ phát hiện hình ảnh khiêu dâm trong máy tính của chồng. Mẹ cô, một người phụ nữ cam chịu, khuyên cô hãy nghĩ đến đứa con nhỏ và vẽ ra một viễn cảnh tái hôn vô vọng ở tuổi trung niên. Nhưng Ye Hong vẫn không thay đổi ý định.
"Tôi không thể sống cùng một người chồng mà tôi không còn thấy tôn trọng", Ye Hong cho biết.
Cuộc hôn nhân của cô đi qua 13 năm. Nhiều cuộc hôn nhân ở Trung Quốc hiện nay không kéo dài như thế. Trong bài phát biểu đầu tháng này, Zhou Qiang, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc, cho biết mốc "7 năm chán yêu" đang dần chuyển thành "3 năm chán yêu" khi ngày càng nhiều cặp đôi Trung Quốc ly hôn sau một vài năm chung sống.
|
Cặp vợ chồngTrung Quốc chụp ảnh cưới bên bờ sông Hoàng Phố, Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh:AFP. |
Trước đây, hầu hết phụ nữ Trung Quốc không dám ly hôn dù chồng có tệ bạc hay xấu tính, bởi họ luôn giữ quan niệm truyền thống "lấy chồng phải theo chồng". Dù phụ nữ Trung Quốc được trao quyền ly hôn theo quy định của luật hôn nhân mới vào năm 1950, chỉ có một tỷ lệ nhỏ phụ nữ thực hiện quyền này và thường vì lý do chính trị.
Tỷ lệ ly hôn đã tăng vọt trong thời kỳ cải cách. Tỷ suất ly hôn thô (số vụ ly hôn tính trên 1000 dân) năm 2018 đã tăng vọt lên 3,2, từ 0,18 vào năm 1978. Tỷ lệ này bắt đầu tăng mạnh từ năm 2003 khi thủ tục ly hôn ở Trung Quốc trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn. Tính riêng năm 2016, 4,2 triệu cặp vợ chồng, chủ yếu là ở thành thị, đã lựa chọn ly hôn. Chánh án Zhou Qiang cho biết thêm, 74% các vụ ly hôn ở Trung Quốc hiện nay do yêu cầu của phụ nữ.
Theo giới chuyên gia, phụ nữ trẻ hiện nay, đặc biệt những người có học thức cao, đã nhận thức rõ ràng hơn về quyền lợi của họ cũng như quan tâm hơn đến chất lượng cuộc hôn nhân. Khi độc lập về tài chính và không bị bó buộc bởi quan niệm truyền thống, phụ nữ sẽ lựa chọn ly hôn nếu người chồng không chung thủy, bạo lực hoặc không đạt được kỳ vọng của họ.
Tuy nhiên, tỷ lệ ly hôn liên tục tăng khiến các nhà chức trách Trung Quốc lo ngại và tìm cách giảm bớt tình trạng này.
Năm 2017, tòa án ở một số tỉnh như Tứ Xuyên, Phúc Kiến hoặc Sơn Đông đã đưa ra thời gian hòa giải 30 ngày để "cứu" các cuộc hôn ở Trung Quốc. Các cặp vợ chồng trong 30 ngày có thể tìm kiếm lời khuyên từ các tư vấn tâm lý và hôn nhân để giải quyết mâu thuẫn.
Qi Lianfeng, một luật sư về ly hôn của Công ty luật Minghang ở Bắc Kinh, cho biết thời gian hòa giải có thể không hiệu quả với các cặp vợ chồng từng xảy ra bạo lực gia đình hoặc có xung đột nghiêm trọng khác.
Năm ngoái, một thành phố ở Giang Tô, miền đông Trung Quốc còn yêu cầu các cặp đôi muốn ly hôn phải trải qua một kỳ thi đặc biệt, nhằm giúp giảm tỉ lệ ly hôn đang ngày một tăng.
Nhiều nhà hoạt động nữ quyền phản đối các giải pháp này vì cho rằng làm mất tự do của phụ nữ.
"Nhiều phụ nữ nhận ra họ không nên mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân thất bại", Zhang Leilei, nhà hoạt động nữ quyền ở Quảng Châu cho biết. "Tòa án nên tôn trọng sự lựa chọn của họ".
Theo vnexpress