Khảo sát toàn cầu năm 2020 của Deloitte cho thấy trung bình 1/3 người thuộc thế hệ Millennials và Gen Z ở Trung Quốc bị áp lực tâm lý "phần lớn thời gian".

Đây có thể chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm", do nhiều người không muốn nói về vấn đề sức khỏe tinh thần để giữ mặt mũi, theo Jing Daily.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó bao gồm vấn đề tài chính, gia đình, công việc, thêm vào đó là ảnh hưởng từ đại dịch.

Khi người xứ tỷ dân ngày càng quan tâm đến sức khỏe tinh thần, các thương hiệu xa xỉ dần đưa ra nhiều dịch vụ, sản phẩm đánh vào tâm lý mua sắm, kiếm tiền nhờ sự căng thẳng của thế hệ Millennials và Gen Z.

 
the he mz chuong hang hieu anh 1

Nhiều thương hiệu cao cấp đã tung ra các chiến dịch quảng cáo, sản phẩm xoáy vào vấn đề sức khỏe tâm lý để thu hút khách hàng thuộc thế hệ Millennials và Gen Z. Ảnh:Reuters.

Nghiên cứu về Tương lai của Sức khỏe năm 2020 do McKinsey thực hiện cho biết 67% người tiêu dùng Trung Quốc ưu tiên cho việc chăm sóc sức khỏe, tăng lên so với 2-3 năm trước.

Họ chuộng mua các sản phẩm, sử dụng dịch vụ hỗ trợ sức khỏe, cả về thể chất và tinh thần.

Nắm bắt xu hướng này, UN Foundation và lululemon đã hợp tác để thực hiện chiến dịch "Peace on Purpose", đem đến 6 đoạn ghi âm hướng dẫn thiền định bằng tiếng Trung để giảm mức độ lo âu.

Một số công ty khác còn đưa ra ý tưởng khóa tu chăm sóc sức khỏe, làm đẹp phục vụ nhu cầu của khách hàng trẻ.

Thậm chí, thương hiệu xa xỉ Hermes còn tung ra một số video hướng dẫn tập yoga ngắn qua chiến dịch WeChat Mini, đáp ứng mong muốn theo đuổi lối sống tích cực của người Trung Quốc.

Việc cởi mở với vấn đề sức khỏe tâm thần cũng giúp nhiều nhãn hàng tạo được ấn tượng tích cực với người tiêu dùng xứ tỷ dân.

Nhãn hàng Zegna từng nhận nhiều phản hồi tích cực với chiến dịch "Đàn ông trong trí tưởng tượng" với sự góp mặt của nam diễn viên Li Xian, xoáy vào những bất an của nam giới.

 
the he mz chuong hang hieu anh 2

Thương hiệu Hermes tung ra các đoạn clip hướng dẫn tập yoga trên nền tảng WeChat Mini. Ảnh:Hermes.

Bằng việc thấu hiểu và tập trung vào vấn đề sức khỏe tinh thần, nhiều thương hiệu cao cấp đang nỗ lực thu hút sự chú ý của tập khách hàng trẻ - vốn là động lực cho sự phát triển và doanh số bán hàng của công ty.

Theo Bain & Company, khoảng 21% chi tiêu của người tiêu dùng toàn cầu cho hàng xa xỉ trong năm 2021 đến từ Trung Quốc. Đất nước này dự kiến trở thành thị trường tiêu thụ hàng xa xỉ lớn nhất thế giới vào năm 2025.

"Chúng tôi dự báo mức tăng trưởng được duy trì. Điều này giúp Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ hàng hiệu lớn nhất thế giới năm 2025, bất kể tình hình du lịch quốc tế trong tương lai thế nào", báo cáo của Bain & Company cho biết.

Trong Báo cáo về hàng xa xỉ của Trung Quốc năm 2021, công ty tư vấn quản lý toàn cầu chỉ ra doanh thu nội địa của hàng hiệu tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái, lên gần 74,4 tỷ USD. Doanh số bán hàng tăng gần gấp đôi so với năm 2019.

Theo Zing