Theo Bloomberg ngày 13.7, tỷ suất sinh tại nhiều nước châu Á đang thấp ở mức báo động đỏ dẫn đến nguy cơ đối diện hàng loạt vấn đề về kinh tế - xã hội khi dân số già hóa.

Những con số báo động

Cơ quan Thống kê Hàn Quốc mới đây cho biết nước này có khoảng 249.000 trẻ em chào đời trong năm ngoái, giảm 4,4% so với năm 2021, trong khi năm thứ 3 liên tiếp số tử vong vượt số sinh. Theo Yonhap, tổng tỷ suất sinh (số con trung bình mà một phụ nữ sinh trong đời) của Hàn Quốc năm ngoái là 0,78, mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu ghi nhận vào năm 1970. Cũng trong năm ngoái, tổng tỷ suất sinh của Trung Quốc là 1,07 và Nhật Bản là 1,26, trong khi mức khuyến nghị để duy trì cơ cấu dân số là 2,1.

Chật vật giải bài toán lười kết hôn, sinh con - Ảnh 1.

Các bà mẹ đưa con đi dạo ở Bắc Kinh, Trung Quốc

Reuters

Áp lực tài chính gia tăng với nỗi lo không thể kham nổi chi phí sống và nuôi con cùng việc thiếu các biện pháp hỗ trợ được cho là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến xu hướng ngại kết hôn và sinh con của giới trẻ. Tại Hàn Quốc, vấn đề việc làm, nhà ở và chi phí sinh hoạt cao trở thành gánh nặng khiến giới trẻ lười yêu và sợ kết hôn. 

Tại Trung Quốc, một khảo sát năm ngoái của Viện Khoa học sức khỏe tâm thần sinh viên với sự tham gia của khoảng 80.000 sinh viên cho thấy 42% người trẻ muốn sống độc thân. Tương tự, hơn 25% dân số ở độ tuổi 30 tại Nhật Bản không muốn kết hôn vì nhiều nguyên nhân như sợ mất việc sau khi kết hôn hoặc nghỉ thai sản, ngại nuôi dạy con cái và áp lực về tài chính, theo tờ Asahi Shimbun dẫn báo cáo năm 2022 của Văn phòng Nội các Nhật.

Theo phân tích của tờ The Economist, tỷ lệ sinh thấp dẫn đến nhiều hậu quả về kinh tế - xã hội như già hóa dân số, tạo gánh nặng cho nền kinh tế khi thiếu hụt lực lượng lao động, thậm chí dẫn đến khủng hoảng ngân sách, buộc nhiều nước có thể phải tăng thuế, tăng tuổi hưu để đối phó. Thủ tướng Nhật Kishida Fumio gọi tình trạng trên là "khủng hoảng quốc gia", với nguy cơ thiếu hụt 11 triệu lao động vào năm 2040 kèm theo sự sụp đổ hệ thống hưu trí và y tế.

Công, tư vào cuộc

Tại Trung Quốc, dân số nước này vào tháng 4 ước tính khoảng 1,425 tỉ người, chính thức mất vị trí đông nhất thế giới vào tay Ấn Độ với 1,428 tỉ người, theo số liệu của Quỹ Dân số LHQ. Lĩnh vực tư nhân đã vào cuộc khi Trip.com, một trong những công ty du lịch lớn nhất thế giới, mới đây thông báo rằng mỗi nhân viên ở Trung Quốc sinh con sẽ được cấp 50.000 nhân dân tệ (165 triệu đồng) kể từ ngày 1.7. Theo Reuters, đây là sáng kiến đầu tiên của một công ty tư nhân lớn tại Trung Quốc nhằm đối phó tình trạng già hóa dân số.

Về phía cơ quan chức năng, Bắc Kinh từ ngày 1.7 áp dụng chính sách mới, đưa 12 công nghệ hỗ trợ sinh sản, kể cả thụ tinh nhân tạo, vào diện bảo hiểm y tế cơ bản, giúp giảm 30 - 50% chi phí đối với các cặp đôi sử dụng dịch vụ, theo Hoàn Cầu thời báo. Trước đó, nhiều địa phương như Thâm Quyến (Quảng Đông), Tế Nam (Sơn Đông), Phàn Chi Hoa (Tứ Xuyên) đều đưa ra hàng loạt chính sách hỗ trợ sinh sản như hỗ trợ tiền tăng dần cho con thứ 2, thứ 3, ưu đãi về chế độ nghỉ thai sản, nhà ở, y tế và giáo dục.

Tại Hàn Quốc, tỷ suất sinh giảm ngày càng trở nên nghiêm trọng, bất chấp việc chính phủ nước này đã chi 200 tỉ USD trong 16 năm qua để thúc đẩy tăng trưởng dân số. Vào tháng 3, chính phủ Hàn Quốc thông báo tăng trợ cấp cho cha mẹ có con dưới 1 tuổi lên mức 700.000 won (13 triệu đồng)/tháng so với mức 300.000 won/tháng trước đó. Theo The Korea Times, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol còn cam kết cải thiện dịch vụ chăm sóc trẻ em, cấp chỗ ở cho những cặp đôi mới cưới và cắt giảm chi phí chăm sóc y tế cho trẻ nhỏ.

Chính phủ Thủ tướng Nhật Kishida Fumio đã lập một cơ quan mới về trẻ em và gia đình vào tháng 4 để đối phó các thách thức đó và đến tháng 6 cam kết chi 25 tỉ USD cho các chính sách khuyến khích sinh sản. 

 Thành công bất ngờ

Giới phân tích cho rằng văn hóa doanh nghiệp tại nhiều nền kinh tế châu Á không mang tính hỗ trợ và ảnh hưởng mong muốn có con của phụ nữ. Câu chuyện "vô tình khuyến khích sinh sản" của Tập đoàn Itochu (Nhật Bản) được cho là có thể trở thành bài học tham khảo cho nhiều nước. Khi trở thành CEO của Itochu vào năm 2010, ông Masahiro Okafuji có biện pháp khác thường nhằm đẩy mạnh năng suất và cạnh tranh với các đối thủ, khi cấm làm việc sau 20 giờ và cắt phụ cấp làm thêm giờ.

Một thập niên sau, tập đoàn đa ngành từ kinh doanh chuỗi cửa hàng FamilyMart cho đến buôn bán kim loại này đã có mức lợi nhuận tăng 5 lần, nhưng điều bất ngờ là ngày càng có nhiều nhân viên nữ nghỉ thai sản rồi trở lại làm việc. Tỷ suất sinh của các nhân viên đạt gần 2 trẻ/phụ nữ trong tài khóa kết thúc vào tháng 3.2022. Sau đại dịch, tập đoàn cho phép nhiều nhân viên được làm việc ở nhà 2 ngày/tuần và cắt giờ làm văn phòng xuống còn 6 giờ/ngày từ năm ngoái.

Theo Thanh niên