Cuối tháng Hai, nhà sản xuất (NSX) Chị đẹp đạp gió rẽ sóng - mua bản quyền từ Trung Quốc - thông báo sản xuất mùa thứ hai. Tháng Ba và tháng Sáu, khán giả lần lượt được xem Mẹ siêu nhân và Anh trai vượt ngàn chông gai, đều được Việt hóa từ bản gốc của Trung Quốc.

Mẹ siêu nhân là chương trình truyền hình thực tế giúp khán giả quan sát hành trình nuôi dạy con của những người mẹ nổi tiếng trong lĩnh vực nghệ thuật. Anh trai vượt ngàn chông gai là cuộc thi dành cho hơn 30 nghệ sĩ nam từ 30 tuổi trở lên, đã và đang thành công ở các lĩnh vực nghệ thuật.

Nữ hoàng vũ đạo đường phố được Việt hóa từ bản gốc Street Woman Fighter của Hàn Quốc, dự kiến lên sóng vào tháng Bảy. Đây là sân chơi của các nhóm nhảy, tôn vinh vũ công - những người thường ít được chú ý trên sân khấu. NSX Vietnam’s Next Top Model cũng thông báo chương trình trở lại sau 7 năm tạm dừng.

Sau Chị đẹp đạp gió rẽ sóng(ảnh), nhà sản xuất tiếp tục ra mắt thêm 2 chương trình được mua bản quyền từ nước ngoài:

Anh trai vượt ngàn chông gai và Mẹ siêu nhân- Ảnh do nhà sản xuất cung cấp

Khoảng 10 năm trước, game show (trò chơi truyền hình) ngoại nhập từng tạo nên “làn sóng” trong làng giải trí Việt, với sự xuất hiện của một loạt chương trình: Giọng hát Việt, Bước nhảy hoàn vũ, Bước nhảy ngàn cân, Thử thách cùng bước nhảy, Vietnam’s Next Top Model… Nhưng sau vài mùa sản xuất, chúng rơi vào thời kỳ bão hòa. Những năm sau này, các game show thuần Việt phát triển mạnh hơn. 

Khi thị trường game show, truyền hình thực tế tại Việt Nam bão hòa, các chương trình thuần Việt vẫn ra mắt đều nhưng ít nổi bật. Trong khi đó, các chương trình Việt hóa đều dễ tạo tiếng vang. Thành công của Running man (Chạy đi chờ đi) và 2 ngày 1 đêm phiên bản Việt là tiêu biểu.

Hầu hết game show được chọn mang về Việt Nam đã nổi tiếng, thu hút lượng người xem đông đảo. Điều này có lợi cho các NSX Việt Nam khi mua bản quyền, dễ gây chú ý với khán giả trong nước. Ngay khi NSX thông báo Chị đẹp đạp gió rẽ sóng có phiên bản Việt, nhiều cuộc thảo luận, bàn tán sôi nổi diễn ra trên mạng xã hội. Trong suốt quá trình cuộc thi diễn ra, dư luận cũng dành sự quan tâm đặc biệt. Gần đây, Anh trai vượt ngàn chông gai cũng nhận được hiệu ứng tương tự.

Nhưng sự nổi tiếng của bản gốc cũng là áp lực không nhỏ cho các NSX, bởi khán giả luôn có xu hướng so sánh chất lượng giữa bản gốc và bản Việt hóa. Thực tế, với nhiều chương trình đã sản xuất, cho thấy quy mô, chất lượng, hình ảnh… vẫn còn nhiều hạn chế so với bản gốc.

Các game show thi thố hiện không phải xu hướng được khán giả ưa chuộng hàng đầu và đang chịu sự cạnh tranh khá mạnh từ nội dung do các nhà sáng tạo nội dung, các kênh trên mạng xã hội. Chương trình được Việt hóa dù có những lợi thế nhất định nhưng để tạo được tiếng vang như phiên bản gốc vẫn phải vượt nhiều thử thách trong bối cảnh hiện tại. 

Theo phụ nữ TPHCM