leftcenterrightdel
 Tỷ lệ dân số độc thân trong độ tuổi lao động gia tăng. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

Theo một báo cáo được Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) phát hành năm 2021 và tái công bố gần đây, tỷ lệ người trưởng thành ở Mỹ không có vợ/chồng hoặc bạn đời ngày càng gia tăng.

Cụ thể, khoảng 4/10 người lớn ở độ tuổi từ 25-54 (chiếm 38%) không có bạn đời (bao gồm không kết hôn và không chung sống với nửa kia). Tỷ lệ dân số độc thân gia tăng bắt nguồn từ sự suy giảm nhu cầu, mong muốn kết hôn ở những người đang trong độ tuổi lao động.

Những con số biết nói ở Mỹ

Tỷ lệ dân số độc thân tại Mỹ tăng mạnh so với mức 29% vào năm 1990. Ngoài ra, nam giới hiện nay có khả năng sống một mình cao hơn phụ nữ.

Đây là điều không xảy ra vào 30 năm trước. Năm 1990, nam giới và phụ nữ từ 25-54 tuổi có khả năng độc thân ngang nhau với tỷ lệ 29% ở mỗi nhóm.

Tuy nhiên đến năm 2019, 39% nam giới không có bạn đời. Tỷ lệ này ở phụ nữ chỉ đạt 36%.

leftcenterrightdel
 Nam giới ở Mỹ có khả năng độc thân cao hơn phụ nữ. Ảnh minh hoạ:Phương Lâm.

Các hình thức chung sống và sinh hoạt của người Mỹ cũng thay đổi đáng kể trong 3 thập kỷ qua. Tỷ lệ người từ 25-54 tuổi đã kết hôn giảm từ 67% vào năm 1990 xuống 53% vào năm 2019. Trong khi đó, tỷ lệ sống chung tăng gấp đôi, từ 4% lên 9%, trong cùng kỳ.

Tỷ lệ dân số chưa từng kết hôn cũng tăng từ 17% lên đến 33%. Những thay đổi trên dẫn đến sự gia tăng đáng kể về số lượng người độc thân, không có bạn đời.

Về đặc điểm nhân khẩu học, những người độc thân trong độ tuổi lao động trẻ hơn một chút so với nhóm người đã kết hôn hoặc chung sống với bạn đời.

Trong số những người trưởng thành từ 25-54 tuổi, độ tuổi trung bình của những người không có bạn đời là 36. Trong khi đó, độ tuổi trung bình ở nhóm còn lại là 40.

Sự khác biệt về mong muốn có con ở phụ nữ độc thân và phụ nữ có bạn đời là không đáng kể. Cả 2 nhóm đều ít có con hơn vào năm 2019, đặt trong mối quan hệ so sánh với năm 1990.

Số liệu tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam

Theo dữ liệu sơ bộ từ Cục Thống kê Hàn Quốc, tỷ suất sinh của quốc gia này thuộc nhóm thấp nhất thế giới với 0,72 con/phụ nữ. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với mức trung bình 2,1 con/phụ nữ mà Hàn Quốc cần để duy trì dân số 51 triệu người hiện tại

Tình trạng tương tự xảy ra ở Nhật Bản, số lượng trẻ em được sinh ra tại Nhật Bản trong năm 2023 là 758.631, đánh dấu sự giảm sút trong năm thứ 8 liên tiếp. Đây là số ca sinh thấp nhất kể từ khi số liệu thống kê đầu tiên được ghi nhận vào năm 1899.

Tỷ lệ các cuộc hôn nhân trong năm 2023 cũng giảm 5,9% so với năm trước, chạm mốc 489.281, lần đầu tiên xuống dưới nửa triệu trong vòng 90 năm, Reuters đưa tin.

leftcenterrightdel
Tỷ lệ sinh tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam đều chứng kiến sự sụt giảm. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. 

 Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ sinh tại Việt Nam năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo. “Xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở một số đô thị”, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết.

Nếu năm 2016, cứ 1.000 dân thành thị thì có 15,5 trẻ em được sinh ra, đến năm 2023, con số này giảm về còn 13,5. Tỷ suất sinh thô của đô thị luôn thấp hơn mức chung cả nước.

Theo Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, 21/63 tỉnh, thành có mức sinh thấp, chiếm gần 40% dân số cả nước; hầu hết nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, đô thị hóa cao, tăng trưởng kinh tế nhanh. Đông Nam bộ là vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất Việt Nam nhưng lại có mức sinh thấp nhất cả nước, bình quân mỗi phụ nữ sinh 1,47 con.

Theo lifestyle.znews