Định kiến cho rằng những người đàn ông tự nguyện “đổi chỗ” với bạn đời là “đoạt vai” người chăm lo tổ ấm vốn thuộc về phụ nữ dường như đang dần trở nên lạc hậu.

Lựa chọn thực tế 

Gerard Gousman từng yêu thích công việc quản lý tour trình diễn cho một số ca sĩ nổi tiếng. Thế nhưng, lịch làm việc tất bật khiến anh phải thường xuyên xa gia đình hàng tháng liền. Vì vậy, năm 2018, khi vợ mang thai, Gousman mạnh dạn quyết định nghỉ việc.

Anh chọn gánh vác trách nhiệm chăm sóc nhà cửa và nuôi dạy 2 con thay bạn đời - một tiến sĩ ngành kỹ thuật công nghiệp - vốn rất bận rộn với sự nghiệp ở thành phố cảng Seattle (bang Washington, Mỹ), nơi gia đình họ đang sống.
leftcenterrightdel
 Ông Hector Jaeger cho biết chưa từng hối hận về quyết định lui về làm hậu phương cho vợ

Gousman (45 tuổi) hiện là quản trị viên của Mạng lưới những người cha tại nhà có trụ sở tại bang Virginia. Đây là một tổ chức xã hội tạo không gian gặp gỡ và hỗ trợ nam giới có hoàn cảnh tương tự anh. “Chọn lựa ấy không khó khi vợ chồng tôi nhận ra mình có thể làm được” - Gousman tiết lộ - “Cũng nhờ thay đổi vai trò, tôi có thể chủ động giáo dục con cái tốt hơn và xây dựng một tổ ấm vững chắc”.

Tỉ lệ đàn ông đảm đương vai trò nội trợ hiện có xu hướng tăng đáng kể trong 3 thập niên trở lại đây. Năm 2023, theo trung tâm nghiên cứu Pew - viện nghiên cứu xã hội học của Mỹ - có 1/5 phụ huynh người Mỹ đang làm công việc nội trợ toàn thời gian là nam giới. Dữ liệu tổng kết từ năm 1989-2021 cho thấy: tỉ lệ nam giới nội trợ đã tăng 63,6% trong khi con số này ở nữ giới dần giảm xuống.

Phụ nữ đang tham gia vào thị trường lao động nhiều hơn bao giờ hết. Trong đó, tăng đáng kể là các bà mẹ có con dưới 5 tuổi, những người trước đây thường chọn chủ động nghỉ việc để tập trung lo cho gia đình. Thực tế này cùng với nhiều yếu tố khác như đại dịch, sự suy thoái về kinh tế đã thúc đẩy một số cặp đôi hoán đổi vị trí cho nhau.

Với không ít gia đình, áp lực kiếm tiền lo cho gia đình khiến việc 1 trong 2 vợ chồng nghỉ việc ở nhà nội trợ là điều không thể. Nhưng cũng có nhiều nam giới chọn đảm nhận vai trò nội trợ thay vợ xuất phát từ nguyên nhân công việc (chênh lệch mức lương, môi trường làm việc giữa vợ chồng…) và nhận thấy như vậy sẽ hiệu quả hơn là cả hai cùng đi làm nhưng phải thuê dịch vụ chăm sóc, giáo dục con cái.

Điều tốt nhất cho gia đình

Nữ sử gia người Mỹ Stephanie Coontz - tác giả của loạt sách nghiên cứu về lịch sử hôn nhân và gia đình - nhận xét: “Trước thế kỷ XX, trong giai đoạn chiến tranh, phụ nữ đôi khi còn được gọi là “chồng phó”. Họ gánh vác mọi vấn đề lớn nhỏ trong gia đình những lúc người đàn ông phải xa nhà vì công việc hoặc ra chiến trường”.

Tuy nhiên khi đời sống xã hội ổn định hơn, việc nam giới gánh vác công việc nội trợ lại bị kỳ thị. Thậm chí, việc đàn ông bận rộn chuyện bếp núc, chăm lo con cái thay vợ từng được xem là “không hợp lẽ thường”.
Thợ mộc Hector Jaeger - sống tại bang Maine - chia sẻ: “Mọi người không chắc nên phản ứng thế nào khi hỏi tôi làm nghề gì và tôi đáp mình ở nhà nội trợ”.

Ông cho biết: “Tôi từng cảm thấy mình bị gạt bỏ khỏi cộng đồng”. Jaeger đã nghỉ việc để trở thành một người cha nội trợ từ những năm 1990, sau khi 3 cô con gái lần lượt chào đời. “Vợ tôi yêu thích công việc trị liệu tâm lý của mình trong khi tôi chỉ có bằng tốt nghiệp trung học” - ông nói. Cân nhắc thực tế, Jaeger đã chọn cách “lùi lại” làm hậu phương cho vợ.

“Tôi biết có lúc ông ấy rất cô đơn” - vợ ông chia sẻ - “Chúng tôi an tâm đổi chỗ cho nhau vì Hector thực sự có năng khiếu chăm nom con cái”.

May thay, thời gian gần đây, nhiều thay đổi về quan điểm đang giúp sức ép kỳ thị với những người cha nội trợ vơi dần. Bryan Lambillotte - 58 tuổi, sống tại bang California - thoải mái đón nhận ý tưởng ở nhà nội trợ sau khi ông bị mất việc vào năm 2021 do đại dịch. Ông còn tìm thấy cơ hội kinh doanh từ trải nghiệm chăm sóc tổ ấm và 2 đứa con song sinh của mình.

Khởi đầu như một sở thích, Lambillotte đăng các bài viết ghi lại cuộc sống thường nhật của gia đình anh trên mạng xã hội Instagram. Khi lượng người theo dõi tăng cao, ông bắt đầu nghiêm túc theo đuổi công việc sáng tạo nội dung bán thời gian, trong khi tiếp tục làm nội trợ. “Dù ở nhà chăm nom gia đình, tôi vẫn có thể làm việc theo cách mình thích” - ông bày tỏ.

Jaeger cảm nhận được, ngày nay, việc nam giới đảm đương việc nhà, nuôi dạy con cái đã không còn vấp phải nhiều thử thách như trước. “Giờ tôi lại tiếp tục chăm cháu. Tôi làm nhiều việc khác nhau mỗi ngày. Nhưng chưa giây phút nào tôi xem đây là một công việc. Vì tôi luôn cảm nhận được niềm vui khi chăm nom gia đình” - ông vui vẻ chia sẻ. 

Theo phụ nữ TPHCM