Quan điểm sai về giới tính

Ben từng là một cậu bé 13 tuổi chìm đắm trong những quan niệm sai lầm về nữ quyền trên internet. Lúc ấy, gia đình cậu đã chuyển đến một đất nước khác, khiến Ben cảm thấy xa cách với bạn bè, bị cô lập và bất an. YouTube trở thành nguồn an ủi cho cậu. Ben - hiện 21 tuổi và đang học ở London (Anh) - cho biết: “Tôi đang ở độ tuổi dậy thì và không tự tin về hình ảnh cơ thể của mình. Tôi bắt đầu xem các video đặt câu hỏi tại sao đàn ông lại không hạnh phúc”. Nhiều nội dung mà Ben theo dõi cho rằng, sự bất hạnh của cậu là lỗi của nữ quyền và chàng trai trẻ đồng tình với quan điểm ấy.

leftcenterrightdel
 Huấn luyện viên thể hình Joe Wicks luôn thể hiện thái độ tích cực, thân thiện khi đưa ra những lời khuyên đơn giản về luyện tập sức khỏe - Nguồn ảnh: Getty Images

Dù chị gái và mẹ đã giảng giải rất nhiều về nữ quyền nhưng thành kiến chống phụ nữ vào thời điểm đó khiến Ben không thể tiếp thu. Cuối cùng, chính người cha đã kéo Ben ra khỏi hố sâu tiêu cực. Trong những chuyến lái xe đường dài, họ đã có những cuộc thảo luận sâu về quan điểm nữ quyền cũng như vai trò của nam giới trong xã hội. Ben nhớ lại: “Cha đã giúp tôi hiểu những lý do mang tính hệ thống thay vì những câu trả lời dễ dàng tôi tìm được trên mạng. Tôi thật may mắn vì có một người cha mạnh mẽ để làm hình mẫu cho mình”.

Giống như câu chuyện của Ben, nhiều giáo viên, phụ huynh và các chuyên gia về an toàn internet đã bày tỏ lo ngại về phạm vi tiếp cận của những người có ảnh hưởng theo chủ nghĩa coi thường phụ nữ, điển hình như Andrew Tate - một cựu võ sĩ người Mỹ gốc Anh với hơn 8,8 triệu người theo dõi trên mạng xã hội X (Twitter). Khảo sát gần đây do Viện Chính sách thuộc trường King’s College London (Anh) và Viện Lãnh đạo phụ nữ toàn cầu (Úc) thực hiện cho thấy: nam giới từ 16-29 tuổi ở Anh có nhiều quan điểm tiêu cực về nữ quyền hơn nhóm nam giới trên 60 tuổi. Trong đó, 1/4 nam giới từ 16-29 tuổi tin rằng việc phải làm đàn ông khó hơn làm phụ nữ.

Phụ nữ trẻ cũng nhận thấy nội dung gây chia rẽ và cực đoan về giới tính ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên trang cá nhân của họ. Elena Wolfson - 20 tuổi, sinh viên, sống ở hạt Warwickshire, Anh - yêu thích bộ môn cử tạ và có theo dõi một số tài khoản luyện tập thể hình trên Instagram, TikTok. Elena cho biết, gần đây, trang cá nhân của cô tràn ngập những câu chuyện có tính chất miệt thị phụ nữ. Theo Elena, sự bùng nổ của nội dung video dạng ngắn - chẳng hạn như trên TikTok - đã thay đổi trải nghiệm trực tuyến của cô. Elena nói: “Với các thuật toán nhằm lan truyền tin tức, bất cứ thứ gì cũng có thể đập vào mặt bạn trên mạng xã hội. Nếu bạn nhìn vào phần bình luận trong bài đăng của bất kỳ người phụ nữ có ảnh hưởng nào sẽ thấy những bình luận kinh khủng chỉ vì cô ấy là phụ nữ”.

Truyền đạt nội dung tốt để đẩy lùi cái xấu

Dù hành vi kỳ thị phụ nữ không phải là mới, Lizzie Reeves - nhà quản lý chính sách cấp cao của tổ chức từ thiện an toàn trực tuyến Internet Matters - cho biết, nội dung kỳ thị phụ nữ đã trở nên bình thường hóa trên mạng. Cô Reeves nói: “Những người có ảnh hưởng theo chủ nghĩa sai lầm đã trở nên thành công trong bối cảnh bất ổn tài chính, đại dịch, sự cô lập xã hội và áp lực lớn về sức khỏe tâm thần”. Jago Sherman - chuyên gia chiến lược về tiếp thị thông qua người ảnh hưởng tại công ty tiếp thị WPP (Anh) - cho biết: “Rất nhiều người có ảnh hưởng là nam giới vẫn ủng hộ nữ quyền và tạo nội dung xoay quanh các chủ đề đa dạng cho phái mạnh như sức khỏe tâm thần, tập thể dục, nuôi dạy con cái, yêu bản thân, thể hiện bản thân, chống tội phạm, giáo dục…”. 

Một số người ảnh hưởng đã truyền đi những thông điệp tích cực hơn về nam tính. Chẳng hạn như Joe Wicks - người khởi đầu sự nghiệp nhờ các bài đăng trên Instagram với tư cách là huấn luyện viên thể hình - có thể thu hút hàng triệu người theo dõi bằng những lời khuyên đơn giản, với thái độ thân thiện, vui vẻ. Tương tự, Russ Cook - một người truyền cảm hứng - đã nỗ lực suốt cả năm trời để chạy bộ từ Bắc đến Nam châu Phi, quyên góp được khoảng 250.000 USD cho quỹ từ thiện và thu hút gần 1 triệu người theo dõi trên các nền tảng xã hội khác nhau.

Vào tháng 2/2024, Đảng Lao động (Anh) công bố kế hoạch giúp nâng cao tầm nhìn tích cực hơn về nam tính. Theo đề xuất, các trường học sẽ đào tạo những người cố vấn từ chính các học sinh của mình để giúp chống lại quan điểm sai lầm về phụ nữ, đồng thời rèn luyện cho học sinh các kỹ năng để phân tích một cách nghiêm túc hơn những gì họ nhìn thấy trên màn hình. 

Theo phụ nữ TPHCM