Nhân viên y tế học ứng phó với nạn xâm hại - Ảnh: CTV

"Kháng cự, xô đối tượng ra rồi bỏ chạy", "cắn, la hét", "im lặng", "khóc lóc"… Nhiều "chiêu" được đưa ra để thoát khỏi vòng tay của người biến thái, thế nhưng như thế có phải giải pháp an toàn?

Bạn sẽ làm gì khi bị kẻ biến thái sàm sỡ? Với đặc thù công việc khó tránh việc "đụng chạm", các bác sĩ và nhân viên y tế bệnh viện phải làm sao?

"Xúc tép" hạ gục "công cụ gây án"

Nhiều nhân viên là bác sĩ, y tá, điều dưỡng... của Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) một phen đỏ mặt tía tai bởi ngượng ngùng khi được hướng dẫn cụ thể việc này.

Trung tá Nguyễn Đào Minh Huy (Phòng cảnh sát hình sự Công an TP.HCM) cho biết để đối phó với nguy cơ bị xâm hại trong và ngoài bệnh viện, ở TP.HCM ngày càng có nhiều bệnh viện phối hợp với lực lượng công an mở các lớp tập huấn dạy cho các nữ nhân viên y tế.

Dẫn chứng nhiều câu chuyện đau lòng từng xảy ra với nạn nhân đối đầu kẻ sàm sỡ, ông Huy khuyến cáo nếu không khéo léo, chính nạn nhân sẽ bị xâm hại, nguy hiểm đến tính mạng hoặc có thể gây ra án mạng.

Để giảm sự ham muốn của đối tượng nếu không may rơi vào tình huống "trớ trêu" này, ông Huy dí dỏm: "Có thể la lớn mình bị nhiễm HIV. Hoặc nói với giọng khàn em vừa mới chuyển giới, mới làm được phần trên, còn phần dưới chưa hoàn chỉnh".

Ông Huy còn lần lượt chỉ ra các "hạ sách" như tiểu tiện, đại tiện tại chỗ, trây trét khắp người; hoặc dùng tay thực hiện tuyệt chiêu "xúc tép" nhằm hạ gục "công cụ gây án" của đối tượng.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Minh Nguyệt (khoa tim mạch Bệnh viện Nhi Đồng 2) chia sẻ về việc nếu không may gặp phải tình huống bị xâm hại: "Chắc lúc ấy tôi sẽ rất lúng túng hoảng sợ, chẳng suy nghĩ được cần phải làm gì đâu. Chắc chắn nếu không được hướng dẫn cách ứng phó, bản thân tôi sẽ rơi vào tình thế nguy hiểm".

Vậy là sau khi được ông Huy chia sẻ "bí quyết", chị Nguyệt nói bản thân như được tiếp thêm tự tin từ vốn kiến thức rất quý giá, giúp chị có thể tự giải thoát bản thân nếu không may rơi vào sự cố bất đắc dĩ ấy.

"Tôi nghĩ kiến thức này rất cần thiết và cần nhân rộng trong bối cảnh không biết người nào, lúc nào sẽ làm những chuyện đó với mình" - chị Nguyệt chia sẻ.

"Lỗ hổng" phòng vệ

Mới cuối tuần vừa qua, những "chiêu thức" ứng phó với trộm, cướp và xâm hại tình dục lại được trung tá Nguyễn Đào Minh Huy mang đến chia sẻ cho trên 150 nhân viên nữ tại Bệnh viện Truyền máu - huyết học TP.HCM. Câu chuyện khá thiết thực với mỗi người nhưng khi được nghe chia sẻ, nhiều người giật mình bởi "lỗ hổng" trong kiến thức ứng phó với nạn xâm hại bấy lâu nay.

"Không chỉ trong phạm vi bệnh viện, ngay cả trong cuộc sống những kiến thức này vô cùng quan trọng giúp chúng tôi chủ động phòng ngừa khi không may xảy ra sự cố" - một nhân viên của bệnh viện chia sẻ.

Ngoài ra, ông Huy còn cho rằng: "Đừng bao giờ gây ra nguyên nhân và đừng tạo điều kiện để người khác xâm hại mình. Đó là "công thức" các nhân viên y tế nên lưu tâm trong ứng xử, xử lý mọi tình huống".

Bà Phạm Lâm Lạc Thư - phó chủ tịch công đoàn Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết ý tưởng của buổi tập huấn phòng chống xâm hại xuất phát từ thực trạng bạo hành trong y tế xảy ra khá phổ biến bấy lâu nay ở môi trường bệnh viện.

"Nhân viên y tế thường đi trực đêm hôm, khi di chuyển trên đường có thể gặp phải tình huống bị xâm hại. Nếu được trang bị kiến thức, họ sẽ biết cách xử lý, đối phó với từng đối tượng cụ thể để thoát thân hoặc kéo dài thời gian nhờ người cứu giúp" - bà Thư nói.

Trung tá Nguyễn Đào Minh Huy cho biết ngoài hai bệnh viện nêu trên, thời gian qua ông còn chia sẻ kỹ năng tự vệ cho nữ nhân viên ngành y tế tại 4 bệnh viện khác gồm Hoàn Mỹ Sài Gòn, Hùng Vương, Nguyễn Trãi, Tai Mũi Họng.

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - cho rằng trong bối cảnh bạo hành nhân viên y tế đang ngày càng phổ biến, việc trang bị kiến thức phòng vệ là cần thiết. Đặc biệt là với Bệnh viện Hùng Vương - nơi chiếm trên 90% nhân viên y tế là nữ.

"Tại đơn vị chưa xảy ra tình trạng nhân viên y tế bị xâm hại, nhưng với việc trang bị kiến thức này giúp họ có thể chủ động tự vệ trên đường đi làm về, trực đêm hoặc vào thang máy" - bác sĩ Diễm Tuyết chia sẻ.

Bạo hành nhân viên y tế có dấu hiệu gia tăng

Bộ Y tế cho biết tình trạng nhân viên y tế bị bạo hành ngay trong cơ sở khám chữa bệnh (KCB) có dấu hiệu gia tăng về cả số lượng và tính chất nghiêm trọng.

Theo số liệu từ Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế), đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ (70%) và điều dưỡng (15%). 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên bệnh viện, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh (chiếm tới 60%) và 30% số vụ việc xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho người bệnh, người nhà người bệnh.

Đối tượng bạo hành nhân viên y tế tương đối phức tạp, bao gồm người nhà bệnh nhân, người đi cùng người bệnh bị kích động hoặc bức xúc do không thông cảm, hiểu hết quá trình thăm khám điều trị của bác sĩ, nhân viên y tế dẫn đến hành hung. 

Theo tuoitre