Bên cạnh chương trình thạc sĩ quản trị hành chính công, Adam Xu dự định dành ít nhất 12 giờ mỗi ngày để ôn luyện cho kỳ thi tuyển công chức quốc gia vào tháng 11.

Hy vọng của chàng trai 25 tuổi là trở về quê hương của mình - một thành phố hạng hai ở phía nam tỉnh Quảng Đông - và tìm một công việc trong cơ quan nhà nước.

Trong bối cảnh dịch bệnh, ngày càng có nhiều người trẻ tuổi mong muốn làm việc tại khu vực công, South China Morning Post đưa tin.

Theo Xu, đó là tâm lý mới “lên bờ” (shang'an), trái ngược trường phái tư tưởng thế hệ xưa “xuống biển" (xiahai).

Trước đây, vào cuối những năm 1970, nhiều người đã từ bỏ các vị trí ở cơ quan nhà nước để trở thành doanh nhân và khám phá một "biển" cơ hội bên ngoài. Tuy nhiên, trong bối cảnh áp lực làm việc ngày càng tăng tại các công ty tư nhân, cùng bất ổn kéo dài vì đại dịch Covid-19, giới trẻ Trung Quốc đã thay đổi suy nghĩ.

"Không có đủ nước trong 'biển' vậy ai còn ai có thể ‘xuống biển'?", Xu nói. “Thế hệ của chúng tôi thậm chí còn chẳng có bể bơi”.

Giới trẻ Trung Quốc ngày càng nghĩ nhiều về công việc đem lại giá trị cho bản thân và sự ổn định hơn là giá trị vật chất. Ảnh: South China Morning Post.


Cạnh tranh khốc liệt


Giờ đây, ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp Trung Quốc tranh giành cơ hội làm việc tại các cơ quan chính phủ, công việc mà họ gọi là “bát cơm manh áo”, mang lại sự đảm bảo về thu nhập và phúc lợi, cùng một tương lai ổn định, dễ dự đoán.

Đó cũng là những gì Xu tìm kiếm khi tốt nghiệp vào năm 2022. Nhưng anh ấy biết con đường phía trước sẽ không dễ dàng.

Tổng cộng có 1,576 triệu ứng viên đã tham dự kỳ thi tuyển công chức quốc gia năm 2020, nhưng chỉ có 25.726 người được tuyển. Điều đó có nghĩa cứ 61 người dự thi thì chỉ có một người đến được "bờ".

Thậm chí, 3.334 ứng viên đã tranh đấu để giành được một suất tại Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc ở Quảng Đông.

Và xu hướng này ngày càng hiện rõ thời gian gần đây. Trong cuộc khảo sát được thực hiện bởi trang web săn việc làm Zhaopin vào tháng 4, 11,4% sinh viên mới tốt nghiệp cho biết họ hy vọng có được việc làm trong chính phủ, gấp đôi tỷ lệ của năm 2020.

“Tâm lý theo đuổi sự ổn định ngày càng mạnh mẽ hơn ở những sinh viên tốt nghiệp trong thời kỳ hậu đại dịch”, giám đốc quan hệ công chúng tại Zhaopin, bà Wang Yixin cho biết.

Tư duy đó cũng phổ biến ở những sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học ưu tú trong nước, cũng như những người có bằng cấp ở nước ngoài. Trước đây, những sinh viên này có xu hướng theo đuổi công việc được trả lương cao hơn trong khu vực tư nhân.

Một cuộc khảo sát do công ty nghiên cứu và tư vấn Ipsos thực hiện vào năm 2020 cho thấy gần một nửa sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài của Trung Quốc muốn làm việc trong khu vực công, bao gồm dịch vụ dân sự, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức công được tài trợ khác.

Sự “điên cuồng” tìm kiếm việc làm nhà nước gia tăng trong năm nay khi Trung Quốc phải đối mặt với nhiều vấn đề trầm trọng hơn do tác động kéo dài của đại dịch. Và mọi thứ càng “khắc nghiệt” với những sinh viên mới bước vào đời khi 9 triệu người tốt nghiệp trong năm nay - một con số cao kỷ lục.

Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị với những người từ 16-24 tuổi là 15,4% vào tháng 6 - cao nhất kể từ tháng 9/2020, dựa trên số liệu của Cục Thống kê Quốc gia.

Theo Guo Lei, nhà kinh tế của GF Securities, nhóm thất nghiệp chủ yếu gồm những người mới tốt nghiệp trung học, trường dạy nghề và đại học.

Trong khi đó, bà Wang chỉ ra áp lực ngày càng lớn mà những sinh viên tốt nghiệp này phải đối mặt trong quá trình tìm kiếm việc làm của họ.

“Họ không chỉ cạnh tranh với lứa của mình trong năm nay, họ còn cạnh tranh với những sinh viên tốt nghiệp năm 2020, những người chưa tìm được việc làm, cũng như người bị mất việc trong thời kỳ đại dịch”, bà cho biết.

                       Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị ở Trung Quốc gia tăng trong bối cảnh dịch bệnh. Ảnh: South China Morning Post.


Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng ổn định thị trường việc làm sau khi đại dịch bùng phát. Việc hỗ trợ cho các sinh viên tốt nghiệp đại học được xem là ưu tiên hàng đầu trong năm nay.

Tuy nhiên, khu vực tư nhân, nơi thường thu hút hầu hết sinh viên mới ra trường, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm hơn 90% việc làm theo số liệu chính thức, tiếp tục gặp khó khăn do các đợt phong tỏa và giá nguyên vật liệu tăng cao.

“Trong một khoảng thời gian ngắn, một hoặc hai năm, tâm lý ưu tiên sự ổn định ở (người tìm việc) sẽ không thay đổi. Đó chủ yếu là do sự không chắc chắn (của kinh tế) trong thời dịch bệnh", bà Wang cho biết.

“Chính phủ quá lớn để sụp đổ"


Xu đang chuẩn bị trước kỳ thi tuyển công chức. Sau khi làm xong bài kiểm tra thử được đưa ra vào tháng 10/2020, anh đang lên kế hoạch để đăng ký một khóa luyện thi khác được quảng cáo rầm rộ trên các băng rôn gần khuôn viên trường đại học.

Chỉ vài năm trước, Xu nhớ lại, công việc mơ ước dành cho sinh viên mới ra trường hầu như nằm trong nhóm ngành nghề tư nhân, như những “gã khổng lồ" về công nghệ hay công ty bất động sản.

“Ai còn cảm thấy tự hào nếu bây giờ họ được vào Evergrande hoặc Wanda? Mọi người đều muốn đến ‘lên bờ' ngay bây giờ”, anh nói. "Thời đại đã thay đổi quá nhanh".

Không thể phủ nhận mức lương cao tại khu vực tư nhân. Nhưng văn hóa làm việc “khét tiếng” của những gã khổng lồ công nghệ khiến nó trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt người trẻ tuổi.

Nhiều người thường gọi văn hóa này là “966”, có nghĩa một người phải làm việc từ 9-21 giờ, 6 ngày một tuần. Và mọi thứ càng tồi tệ hơn khi các báo đài đăng tin về những trường hợp lên cơn đau tim hoặc tự tử do áp lực công việc.

Xu cũng lưu ý rằng ưu thế khác của kỳ thi tuyển công chức là ít yêu cầu về bằng cấp hơn so với doanh nghiệp tư nhân. Vì vậy, cơ hội của họ sẽ mở rộng hơn so với nộp đơn xin việc vào các công ty lớn.

Các biện pháp trừng phạt gần đây của chính phủ với các công ty công nghệ lớn cũng làm tăng tính bất ổn của lĩnh vực này trong mắt giới trẻ Trung Quốc.

         Lo sợ bị giảm lương và sa thải, nhiều lao động trẻ Trung Quốc tìm kiếm việc làm tại các công ty nhà nước. Ảnh: Reuters.


“Và với chuyên ngành quản trị công, tôi không nghĩ kỹ năng và kiến thức của mình là thứ mà các công nghệ lớn sẽ thực sự coi trọng”, Xu nói.

Mặc dù mức lương công chức không cao nhưng đối với Xu, những lợi ích phúc lợi xã hội tốt hơn, bao gồm nhà ở, chăm sóc sức khỏe, giáo dục cho trẻ em và trợ cấp hưu trí, đã bù đắp hạn chế.

"Sau cùng, chính phủ quá lớn để sụp đổ”, anh cho biết.

Theo Zing