Từ lái xe tải, sửa xe ô tô đến việc khuyến khích các cô gái khuyết tật tìm kiếm vị trí của mình trong xã hội, phụ nữ ở Zimbabwe không chịu khuất phục trước sự phân biệt giới tính hoặc nghịch cảnh, ngay cả khi đại dịch ập đến và tạo thêm gánh nặng.
Có rất ít nữ tài xế xe tải ở Zimbabwe, nhưng Molly Manatse vẫn quyết tâm chọn cho mình vị trí phía sau tay lái. Manatse (31 tuổi) chia sẻ: “Công việc này luôn được cho là của nam giới, nhưng đừng nói rằng tôi không thể trở thành tài xế nữ. Chúng tôi làm cùng một công việc như nhau”. Cô chọn làm tài xế để có thu nhập, giúp chăm sóc những người thân bị mất việc do COVID-19.
Molly Manatse mỉm cười khi bắt đầu chuyến hành trình 1.700km đến thành phố cảng Durban ở Nam Phi
Trong nhiều trường hợp, phụ nữ Zimbabwe đã trở thành lực lượng tiên phong giúp quốc gia miền Nam châu Phi đối mặt với chấn thương kép từ COVID-19 và sự suy thoái kinh tế kéo dài.
Tuy nhiên nhiều phụ nữ cho biết, không dễ để họ đạt được sự bình đẳng hoặc công nhận nghề nghiệp, và họ thường bị nhắc nhở về vai trò phụ nữ truyền thống ở Zimbabwe.
“Khi bạn về đến nhà, xã hội mong bạn nấu ăn, giặt quần áo… làm tất cả công việc gia đình. Đó là một thách thức”, Manatse nói với Associated Press. Cô hiện là tài xế nữ duy nhất tại một công ty vận tải đường bộ có 80 tài xế.
Tương tự, Memory Mukabeta (37 tuổi) điều hành một cửa hàng sửa xe - công việc theo truyền thống được coi là dành cho phái mạnh. Những ngày này, cô ấy đang giúp đỡ các thành viên trong đại gia đình của mình, những người có sinh kế bị ảnh hưởng bởi hạn chế do virus gây ra.
“Một số người thân của tôi là nam giới không còn việc làm, vì thế tôi quyết định tự mình chăm sóc họ” Mukabeta cho biết; đồng thời cho biết thêm rằng có những lúc cô cũng buộc phải đóng cửa việc kinh doanh để đảm bảo giãn cách.
Memory Mukabeta nói rằng khách hàng vẫn thường hỏi cô nhiều câu hỏi kỹ thuật để chắc rằng cô đủ khả năng thực hiện công việc sửa chữa xe ô tô
Sau đợt bùng phát kinh hoàng với số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 gia tăng trong tháng 12 và tháng 1, chính phủ Zimbabwe đang bắt đầu nới lỏng hạn chế và các doanh nghiệp đang cố gắng phục hồi. Tuy nhiên, việc phục hồi đối với các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, đặc biệt là trong các lĩnh vực do nam giới thống trị theo định kiến cố hữu, dường như sẽ dài hơn đáng kể.
Mukabeta nói rằng mỗi khi cô ấy trả lời điện thoại, phần lớn khách hàng đều tỏ vẻ nghi ngờ khả năng của cô ấy, vì họ chờ đợi một người đàn ông ở đầu dây bên này.
Trên lý thuyết, Zimbabwe có các luật tiến bộ đảm bảo quyền của phụ nữ ở nơi làm việc và ở nhà. Nước này là thành viên của các điều ước quốc tế ủng hộ bình đẳng giới. Nhưng theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, việc thiếu phương án hành pháp, cũng như các thực hành văn hóa lạc hậu làm gia tăng bất bình đẳng khiến phụ nữ - chiếm 52% của dân số 15 triệu người - vẫn bị tụt hậu trong giáo dục, y tế và lao động.
Tổ chức Phụ nữ Liên Hiệp Quốc dự báo rằng “So với nam giới, sẽ có thêm 8 triệu phụ nữ bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực” ở châu Phi cận Sahara vào năm 2021 do đại dịch.
Florence Mudzingwa, một nhà tiếp thị kỹ thuật số và huấn luyện viên xử lý vấn đề cuộc sống làm việc trên xe lăn tại nhà riêng của gia đình cô ở Harare. Mudzingwa, thông qua tổ chức Hope Resurrect Trust của mình, đã giúp trang bị cho các cô gái khuyết tật những kỹ năng, thiết bị và sự tự tin để bước ra thế giới, bất chấp định kiến giới tính và khuyết tật của họ.
Về phần mình, Manatse cho biết, sự công nhận, tôn trọng và bình đẳng đối với phụ nữ khó có thể xuất hiện trong một xã hội gia trưởng cao như Zimbabwe. Mặc dù vậy, phụ nữ vẫn tiếp tục chứng tỏ bản lĩnh của họ trong thời kỳ đại dịch.
Manatse nói: “Chúng tôi phải chiến đấu. Khi không từ bỏ, chúng tôi chắc chắn sẽ nghĩ ra điều gì đó và một ngày nào đó họ sẽ nhận ra rằng chúng tôi không khác biệt”.
Theo phunuonline.com