Vào tháng 11/2020, hai người phụ nữ Việt Nam bị bắt tại hai tỉnh Hiroshima và Kumamoto của Nhật Bản vì bỏ lại thi thể hai đứa con sơ sinh của mình.
Cả hai phụ nữ này khai rằng họ làm vậy vì lo sợ nếu chủ lao động phát hiện việc họ mang thai, họ sẽ mất việc.
Đây là hai trong số 400.000 thực tập sinh kỹ thuật tại Nhật Bản và con số này đang ngày càng tăng lên.
Đài NHK của Nhật Bản nhận định hai vụ việc nói trên cho thấy tình trạng phân biệt đối xử và bất công mà lao động người Việt ở Nhật phải chịu đựng.
Bị phạt vì mang thai
Trong vụ việc ở tỉnh Hiroshima, người mẹ 26 tuổi bị bắt giữ và bị truy tố.
Các công tố viên cho biết người phụ nữ Việt này đã sinh con tại ký túc xá của công ty, nhưng đứa trẻ sơ sinh qua đời ngay sau đó. Người mẹ chôn xác con trong sân ký túc xá.
Khi được phát hiện, tử thi đứa bé không có vết thương bên ngoài, vẫn còn dây rốn và nhau thai.
Vào tháng 1, phóng viên NHK gặp người phụ nữ này trong trại tạm giam của cảnh sát, nơi cô đang bị giam giữ.
Người này nói cô lo sợ sẽ bị đuổi về Việt Nam nếu bị phát hiện đã sinh con. Cô nghĩ bản thân không thể hỏi ý kiến bất cứ ai.
|
Nữ thực tập sinh người Việt, 26 tuổi, cho biết cô không xin lời khuyên được từ ai về việc mình mang thai ở Nhật Bản. Ảnh minh họa:NHK. |
Trường hợp ở tỉnh Kumamoto liên quan đến người phụ nữ 21 tuổi với cáo buộc tương tự.
Theo quy định, chính phủ Nhật Bản cấm các doanh nghiệp đối xử bất công với thực tập sinh nước ngoài nếu họ mang thai và sinh con. Quy định này cũng đảm bảo cho nữ thực tập sinh nước ngoài được nghỉ thai sản và chăm sóc con như những lao động Nhật Bản khác.
Nhưng tình hình thực tế lại khác hoàn toàn.
Trả lời đài NHK, một chuyên gia tư vấn tìm việc cho người Việt ở Nhật Bản cho rằng các nữ thực tập sinh không nên mang thai.
Theo chuyên gia này, người nước ngoài thường được tuyển dụng trong các lĩnh vực thiếu lao động trong nước, bao gồm nông nghiệp và ngư nghiệp. Theo yêu cầu của chủ lao động, họ phải làm việc liên tục trong thời gian kéo dài từ một đến ba năm.
Việc mang thai và sinh con có nghĩa là họ phải nghỉ làm. Theo chuyên gia tư vấn nói trên, điều này được hiểu là thực tập sinh phá vỡ hợp đồng với chủ lao động.
Khi một thực tập sinh mang thai, điều đó cũng làm giảm uy tín của các bên tuyển dụng của Việt Nam.
Do vậy, các công ty tuyển dụng lao động cấm họ mang thai. Một số bên thậm chí áp dụng quy định nghiêm khắc hơn, như phạt 5.000 USD nếu hợp đồng bị đình chỉ vì bất cứ lý do vì, bao gồm cả việc mang thai.
Khoản tiền phạt bị tính trực tiếp vào tiền hoa hồng và các khoản phí khác mà thực tập sinh phải trả cho bên môi giới lao động.
Chuyên gia tư vấn cho biết tổng số tiền nói trên có thể lên đến 10.000 USD, một khoản lớn đối với hầu hết thực tập sinh nước ngoài.
|
Nữ thực tập sinh người Việt bị chủ lao động ép phá thai, nhưng cô không đồng ý. Ảnh:NHK. |
Nói với đài NHK, một thực tập sinh kỹ thuật giấu tên cho biết cô buộc phải trở về Việt Nam vì mang thai. Cô đến Nhật Bản khoảng hai năm trước với tư cách là thực tập sinh kỹ thuật, cố gắng hỗ trợ tài chính cho gia đình ở quê nhà.
Chỉ hơn một năm sau, người này có quan hệ tình cảm với một nam thực tập sinh khác và có thai. Cô cho biết mình rất vui nhưng cũng rất lo lắng vì một đồng nghiệp của cô bị đuổi về nước do mang bầu.
Không bao lâu sau, nỗi lo sợ của cô trở thành sự thực. Chủ lao động nói rằng cô không còn được phép làm việc tại nhà máy nữa vì vi phạm quy tắc không mang thai.
Cô cho biết chủ lao động đã buộc cô phải phá thai, nhưng cô và bạn trai đều phản đối.
Tìm đến sự trợ giúp của các tổ chức xã hội
Do lo ngại bị đuổi về nhà mà không có cách nào trả nợ, nữ thực tập sinh này tìm đến một nhóm hỗ trợ xã hội.
Nhóm hỗ trợ đã giúp thương lượng với chủ lao động, nhờ đó cô được tạm thời trở về Việt Nam sinh con và được phép quay lại làm việc sau đó. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc người mẹ trẻ phải bỏ lại con ở quê nhà để làm việc trả nợ.
Luật pháp Nhật Bản không cho phép người lao động nước ngoài mang theo con sơ sinh nếu muốn tham gia chương trình thực tập sinh kỹ thuật.
Dù mỗi ngày đều gọi video nhiều lần về nhà, nữ thực tập sinh nói trên cho biết cô vẫn rất nhớ con trai, mong ước có thể được gặp con và nhìn con lớn lên từng ngày.
Người mẹ trẻ không hiểu tại sao cô ấy và các thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài khác không được phép sinh con, nuôi con tại Nhật trong thời gian làm việc ở đây, còn các đồng nghiệp Nhật Bản lại được phép như vậy.
|
Nữ tu Maria Le Thi Lang. Ảnh:NHK. |
Khi phát hiện có thai, nhiều nữ thực tập sinh nước ngoài tìm đến nữ tu Maria Le Thi Lang nhờ giúp đỡ. Bà là nữ tu tại nhà thờ Công giáo ở thành phố Kawaguchi, tỉnh Saitama.
Trong năm 2020, nữ tu Maria tư vấn cho khoảng 50 trường hợp nữ thực tập sinh mang thai, bao gồm 5 trường hợp vào tháng 12.
Theo bà Maria, hai vụ việc ở tỉnh Hiroshima và Kumamoto cho thấy hai thực tập sinh này phải cảm thấy rất cô đơn và lạc lõng.
Do vậy, bà đang cố gắng cải thiện tình hình bằng việc hợp tác với các liên đoàn lao động hỗ trợ các thực tập sinh nước ngoài, thuyết phục chủ lao động cho phép thực tập sinh tiếp tục làm việc sau khi họ mang thai và sinh con.
Nữ tu này cũng liên hệ với các nhóm hỗ trợ chăm sóc trẻ em, giúp đỡ các thực tập sinh muốn để con ở quê nhà và quay lại Nhật Bản làm việc.
Bà Maria cho biết nhiều lao động nước ngoài muốn che giấu việc mang thai vì áp lực nợ nần. Một số coi việc phá thai là lựa chọn duy nhất.
Do đó, bà cố gắng thuyết phục họ tìm đến các tổ chức để nhận hỗ trợ và nhắc nhở rằng họ có quyền sinh con và nuôi con.
Theo Zing