Ở Singapore hiện tại, vẫn còn sót lại một bộ phận người dân là hậu duệ của hoàng gia từng cai trị đất nước trong quá khứ.
Thế kỷ 19, Quốc vương Sultan Hussein Shah ký hiệp ước, nhường quyền kiểm soát hòn đảo cho người Anh. Hoàng tộc chấm dứt vị thế đứng đầu và Singapore bước vào chế độ thuộc địa.
Ngày nay, thế hệ hậu duệ trở thành thường dân, làm những công việc giống bao người dân khác như lái xe taxi, nhân viên văn phòng.
Các hậu duệ con cháu của vương triều hoàng gia Singapore khi xưa giờ trở thành thường dân.
Bị lãng quên
Rất ít cư dân ở Singapore còn nhớ đến sự tồn tại của gia tộc một thời. Điều này khiến Shawal, thành viên con cháu của hoàng tộc đang sinh sống ở đảo quốc sư tử, không thấy hài lòng.
“Bọn họ vẫn tồn tại?” là câu trả lời mà người đàn ông 51 tuổi vẫn thường nhận được khi ông nói rằng mình mang dòng máu hoàng gia.
Shawal là một trong số ít người dân ở Singapore có kính ngữ Tengku trong tên, mang nghĩa hoàng tử hoặc công chúa trong tiếng Malaysia.
Cho đến đầu thế kỷ 21, một số thành viên thuộc hoàng tộc vẫn sống trong ngôi nhà của tổ tiên để lại - một cung điện cũ kỹ, trước khi chính phủ trục xuất họ và biến nơi này thành viện bảo tàng.
79 hậu duệ, trong đó có 14 người sống trong cung điện, đề nghị chính phủ cung cấp tiền sinh sống cho thành viên hoàng gia. Đòi hỏi của họ được cho là có lý vì thỏa thuận từ thời thuộc địa có đề cập yêu cầu này.
Tên của những người thụ hưởng hợp pháp không được công khai. Chính phủ Singapore cũng từ chối chia sẻ thêm về danh sách những người được hưởng tiền.
Ông Shawal mặc trang phục truyền thống, ngồi trong bảo tàng khi xưa là cung điện của hoàng gia.
Shawal, người đã cho xem thư từ của chính phủ để chứng minh mình thuộc dòng máu hoàng gia xưa, vẫn thường xuyên đến thăm bảo tàng - nơi ở cũ của quốc vương và một vài địa điểm trong khu di sản.
Mặc dù phải đối mặt với việc cắt giảm thu nhập khi công việc bị ảnh hưởng bởi đại dịch, Shawal nói rằng bản thân vẫn dành thời gian để duy trì các di sản của tổ tiên bằng cách mặc trang phục hoàng gia truyền thống và tham dự các sự kiện kỷ niệm.
Trái với Shawl, các thành viên hoàng gia khác không mấy bận tâm dòng dõi vua chúa khi xưa. Họ còn cảnh báo những người còn lại không nên sống trong quá khứ cũng như tìm mọi cách để người dân hiện tại công nhận họ thuộc tầng lớp cao quý.
“Những người hiện tại không phải là một triều đại. Là con cháu hoàng tộc không quan trọng bằng việc tự xây dựng cuộc sống của mình nhờ tài đức, thay vì được hưởng địa vị do tổ tiên để lại”, Tengku Indra, chuyên gia tư vấn 67 tuổi từng sống trong khuôn viên cung điện khi còn nhỏ, bày tỏ.
Theo gia phả, ông Indra là chắt trai của Quốc vương Sultan Hussein Shah. Cháu gái hai tuổi của ông là một trong những hậu duệ trẻ nhất. Bản thân ông cho rằng các thế hệ tương lai sẽ không mấy quan tâm đến gốc gác hay lịch sử hoàng gia của tổ tiên chúng.
Tengku Faizal (43 tuổi), hậu duệ của hoàng tộc, hiện làm nghề lái xe taxi.
Nuối tiếc quá khứ
Đối với những thành viên từng sống trong cung điện, cuộc sống ở thế giới bên ngoài không mấy dễ dàng.
Tengku Faizal (43 tuổi) cho biết sau khi rời cung điện vào năm 1999, anh nhận công việc dọn dẹp trong một chung cư và bị trêu chọc là “hoàng tử gom rác”.
Hiện, công việc của Faizal là lái xe taxi. Ông cho biết mình vẫn đang vật lộn để kiếm sống dù có thêm một khoản trợ cấp để chăm sóc cho cháu gái. Để giúp đỡ gia đình, vợ của Faizal nhận làm phục vụ bán thời gian trong cửa hàng đồ ăn nhanh.
“Chúng tôi không thông minh, không danh giá, không giàu có. Thành viên hoàng tộc chỉ là danh xưng có tiếng không có miếng”, Faizal nói.
Nơi ở hiện tại của gia đình ông Tengku Faizal.
Ở nước láng giềng Malaysia, quốc vương vẫn đóng vai trò nhất định trong cuộc sống và người dân nhìn hoàng gia với ánh mắt tôn kính. Điều đó khiến nhiều hậu duệ của hoàng gia Singapore cảm thấy tiếc nuối.
Trong số 7 thành viên được phỏng vấn, Shawal là người háo hức nhất về việc tổ chức lễ kỷ niệm di sản của gia đình.
Thế nhưng, ngay cả ông cũng có những băn khoăn riêng khi phải gánh trọng trách “con cháu hoàng gia” trên vai. Ông không có ý định để con gái mình đảm đương nhiệm vụ đó.
Đang làm việc cho một công ty công nghệ sinh học, công chúa Puteri (27 tuổi) đã lấy lại tước hiệu của mình. Puteri tự nhận việc giải thích dòng dõi của mình tại nơi người dân từ lâu đã quên đi sự tồn tại của hoàng gia trong lịch sử là điều khó khăn.
“Một phần nào đó trong tôi cảm thấy buồn vì cần phải giải thích tôi là ai. Không giống với Hoàng tử Harry, họ chỉ cần nhìn vào là biết anh ấy mang dòng máu hoàng tộc”, cô nhắc đến người cháu trai nổi tiếng của nữ hoàng Anh.
Theo Zing