leftcenterrightdel
  Trong giao tiếp, người Indonesia chào hỏi rất lịch sự. (Nguồn: Masnmiles)

 

Chào hỏi, giao tiếp

Trong giao tiếp, người Indonesia chào hỏi rất lịch sự. Vì vậy, khi giao tiếp bạn không được quên sử dụng chức vụ và tên khi xưng hô với họ. Điều này được xem là lịch sự khi chào hỏi một ai đó có chức vụ ngang bằng hoặc cao hơn.

Ngoài ra, bạn nên đứng dậy khi thấy người lớn tuổi bước vào phòng.

Người Indonesia thường không phê bình trực tiếp một người nào đó và có xu hướng tán thành những điều người đối diện nói hơn là làm mất lòng.

Bên cạnh đó, họ cũng rất thích được khen ngợi và vì vậy nếu chú ý những điểm mạnh của người đối diện để có những lời khen thích hợp thì sẽ là một cách "ghi điểm".

Những điều cần lưu ý

Khi chào người lớn, không nên ngẩng cao đầu mà hãy hạ thấp cổ, hạ thấp vai khi đi qua để thể hiện phép lịch sự và tôn trọng người lớn tuổi. Đặc biệt, không được vuốt đầu người Indonesia vì điều đó được coi là mất lịch sự.

Khi đưa hay nhận một vật gì bạn nhớ dùng tay phải (không được dùng tay trái vì tay trái đối với phần lớn người Indonesia là không sạch sẽ). Để an toàn, bạn nên dùng cả hai tay khi trao hoặc nhận vật gì để sự kính trọng và lịch sự.

Nên nhớ, người Indonesia rất kính trọng người cao tuổi, vì vậy khi giao tiếp với người cao tuổi cần thể hiện điều đó.

Không được chống nạnh, cũng không nên mang kính mát khi nói chuyện với người Indonesia vì như thế là không lịch sự và bị xem như là có thái độ coi khinh.

Không được bỏ tay vào túi quần, vì đó là hành động bị xem là kiêu ngạo.

Bắt tay là thói quen của đàn ông lẫn phụ nữ khi được giới thiệu và chào hỏi. Khi bắt tay cần vừa phải, không nắm chặt quá cũng không buông lơi, không giữ tay quá lâu.

Cách đúng đắn khi vẫy gọi một người nào đó là mở rộng bàn tay và cử động các ngón tay theo hướng đi xuống giống như vẫy tay chào tạm biệt. Những cách vẫy gọi khác có thể bị coi là mất lịch sự.

Theo baoquocte