Khi Nicole (sinh sống tại Anh) nói với gia đình và bạn bè rằng đã ký "hợp đồng tình yêu" với bạn trai trong vòng 6 tháng, không ai có phản hồi tích cực.
"Họ không hiểu và chưa bao giờ nghe nói về điều này. Rất nhiều người hỏi tại sao chúng tôi không đăng ký kết hôn nếu muốn ràng buộc nhau về mặt pháp lý?", cô chia sẻ trên Glamour Magazine.
Nhưng đối với Nicole cũng như nhiều cô gái khác, họ không muốn một sự giao kèo truyền thống. Đối với họ, hợp đồng tình yêu là công cụ để bày tỏ nhu cầu cá nhân và tạo ra các quy tắc độc đáo trong mối quan hệ như về sức khỏe, việc nhà cũng như chuyện tình dục và vấn đề tài chính.
Để hiểu nhau hơn
Theo Nicole, cô từng yêu vài người nhưng luôn cảm thấy khó khăn trong việc giao tiếp và vạch ranh giới với nửa kia. Cô đề nghị bạn trai tạo hợp đồng để làm mọi thứ trở nên đơn giản và dễ hiểu.
"Vài người có những thỏa thuận miệng, vài người khác lại ngại nói ra những điều mình thật sự muốn. Vậy tại sao chúng ta không chính thức hóa vấn đề để tất cả đều biết phải làm gì?", cô nói.
|
Nhiều cặp làm hợp đồng tình yêu để nêu rõ những gì mình cần ở đối phương. Ảnh:Shutter.
|
Nhưng thật không dễ dàng để Nicole có thể thống nhất với nửa kia về việc làm hợp đồng. Như bạn trai hiện tại của cô, Ben, anh nghĩ rằng hợp đồng tình yêu có nghĩa là không tin tưởng.
Phải mất thời gian dài để thuyết phục, đôi trẻ mới quyết định cùng ký hợp đồng như một cách để lắng nghe và hiểu nhau hơn.
"Trong hợp đồng, tôi viết ra rằng muốn Ben nỗ lực gặp bạn bè tôi, không muốn anh hủy hẹn đột ngột hoặc làm việc ngay cả vào cuối tuần. Tất nhiên, tôi sẽ không đưa Ben ra tòa để kiện nếu anh lỡ vi phạm. Nhưng bản hợp đồng sẽ khiến anh thực hiện lời hứa một cách nghiêm túc hơn, tránh những lời biện hộ bởi mọi thứ đều được viết ra rõ ràng như màu đen và trắng", Nicole nhấn mạnh.
Công ty luật gia đình Goodman Ray Solicitors có trụ sở ở London xác nhận rằng mặc dù một mối quan hệ yêu đương không thực sự ràng buộc về mặt pháp lý theo luật pháp Anh, nhưng họ đã chứng kiến sự gia tăng các hợp đồng tình yêu ở những đôi trẻ chưa kết hôn hoặc chưa bao giờ có ý định kết hôn.
Loại hợp đồng này giúp cả nam và nữ cảm thấy được lắng nghe, thấu hiểu và tôn trọng.
Còn theo Tami Sobell, chuyên gia mối quan hệ và người sáng lập TS Therapy, hợp đồng tình yêu hoàn toàn có thể được sửa đổi theo thời gian hoặc sự chuyển biến tâm lý.
"Cũng là một ý tưởng hay một đôi yêu nhau làm hợp đồng tình yêu, sau đó ngồi lại với nhau hàng năm để đánh giá lại những điều kiện tùy thuộc vào hoàn cảnh sống hoặc các yếu tố bất ngờ như có con cái... Chúng ta đều hiểu rằng con người liên tục thay đổi và những gì ta mong muốn của năm nay sẽ khác với năm trước", bà cho biết.
|
Hợp đồng tình yêu thường xuất hiện ở những cặp chưa kết hôn. Ảnh:The New York Times.
|
Bảo vệ tài sản
Nhưng sự thấu hiểu và ranh giới tình cảm không phải là lý do duy nhất khiến các bản hợp đồng tình yêu ngày càng trở nên phổ biến. Đối với một số người, đó là cách họ đảm bảo về tài chính và tài sản.
Katy Hope, một huấn luyện viên nhà quản lý, cho biết cả cô và chồng đều từng có những những trải nghiệm tồi tệ với người yêu cũ do liên quan đến tiền bạc. Trong đó, Hope bị mất 30.000 bảng Anh do người yêu cũ dùng tiền của cô để trả nợ. Còn chồng của Hope lại suýt mất một ngôi nhà sau khi chia tay "bồ" cũ.
"Cả hai chúng tôi đều muốn sống chung nhưng cảm thấy thực sự không thoải mái về vấn đề tài chính. Một hợp đồng được lập lên dù không phải giải pháp hoàn hảo nhưng chúng tôi vẫn khá yên tâm vì biết rằng tài sản của mình được bảo vệ trước tình huống tồi tệ nhất", cô nói.
Katy là người đề nghị làm hợp đồng và chồng cô, không giống như bạn trai của Nicole, đã ngay lập tức đồng ý.
"Tôi chuyển đến ở nhà của anh ấy và anh thực sự không muốn mạo hiểm ngôi nhà thêm lần nữa. Anh ấy rất thích thú vì tôi đề nghị thực hiện một thỏa thuận như vậy. Nó thực sự giúp chúng tôi củng cố cam kết với nhau", cô giải thích thêm.
Hợp đồng của Hope và chồng được thực hiện bởi luật sư chuyên nghiệp, mang tên "Thỏa thuận chung sống".
Văn bản ghi lại chi tiết những gì sẽ xảy ra về khía cạnh tài chính nếu cả hai chia tay bao gồm ai sẽ là người phải chuyển ra khỏi nhà (trong trường hợp này là Hope); số % giá trị căn nhà mà Hope sở hữu; cô đóng góp bao nhiêu cho khoản thanh toán thế chấp hàng tháng và điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến số vốn cô nắm giữ trong căn nhà; ai sở hữu phương tiện chung và ai chịu trách nhiệm cho bất kỳ khoản tài chính nào còn tồn đọng…
"Luật sư nói rõ rằng nếu chúng tôi cần phải thực hiện hành động pháp lý sau khi chia tay, thỏa thuận này sẽ là một tài liệu quan trọng thể hiện ý định của cả hai bên và không có khả năng một kết quả khác với thỏa thuận được đưa ra", Hope cho hay.
|
Hợp đồng giúp cặp yêu nhau phân định rõ ràng vấn đề tài chính. Ảnh:Getty.
|
Theo luật sư và huấn luyện viên cuộc sống Caitlin McFee, luật pháp của Anh không chính thức thừa nhận các mối quan hệ ngoài hôn nhân hay quan hệ đối tác dân sự, có nghĩa là các cặp chung sống sẽ không được pháp luật bảo vệ tài sản trong trường hợp chia tay.
Ví dụ, nếu bạn chuyển đến một bất động sản thuộc sở hữu của người yêu, bạn sẽ không có quyền sở hữu hoặc cư trú hợp pháp, ngay cả khi bạn đã góp phần vào việc vay thế chấp.
"Vì vậy, nhiều cặp yêu nhau chọn cách làm hợp đồng để đặt ra ý định của mình về những gì sẽ xảy ra với tài sản trong trường hợp tan vỡ. Mặc dù thỏa thuận như vậy không có ràng buộc đủ mạnh về mặt pháp lý, nhưng nó có thể là bằng chứng rất thuyết phục về ý định của hai người. Trong trường hợp không may dẫn đến tranh chấp, tòa án có thể tham khảo thỏa thuận này để xét xử", bà McFee nói.
"Để hợp đồng tình yêu có tính pháp lý, hai người cần làm việc với một cơ quan pháp lý độc lập", bà nói thêm.
Theo Zing