Nam hướng dẫn viên gây ấn tượng bằng lời chào đoàn du khách đến VN bằng một bài hát nhạc Việt có lời tiếng Anh do chính anh chuyển ngữ khiến chuyến tàu từ Đà Nẵng đến Huế trở nên nhộn nhịp, vui vẻ hơn. Anh là Đặng Hoàng Luận (37 tuổi, quê ở Kiên Giang).

leftcenterrightdel
 Anh Luận làm hướng dẫn viên khoảng 14 năm nay

"Yêu nghề lúc nào không hay"

Chia sẻ với Thanh Niên, anh Luận cho biết năm 2009 anh tốt nghiệp ngành sư phạm tiếng Anh, Trường ĐH An Giang và làm giáo viên ở một trường cao đẳng. Anh có làm thêm hồ sơ cá nhân lưu trên một website và lọt vào "mắt xanh" của một vị giám đốc người Hà Nội. Sau khi phỏng vấn, anh được tuyển dụng và bắt đầu công việc hướng dẫn viên du lịch từ tháng 8.2010. "Thực tế ước mơ của tôi là trở thành hướng dẫn viên nhưng vì không có cơ hội và không đủ tiền nên trước đó không theo học ngành này", anh kể.

Là hướng dẫn viên cho người nước ngoài nhưng anh không chỉ giới thiệu thông tin các danh lam, di tích một cách khô khan mà còn thêm những trải nghiệm từ chính cuộc sống của mình. Những điều này hoàn toàn không có trong sách vở, anh tự nói một cách tự nhiên nhất. Truyền thống gia đình yêu thương nhau, tinh thần tương thân tương ái của người Việt, cuộc sống ở thôn quê với thành thị VN khác nhau như thế nào, văn hóa cà phê đặc sắc ở TP.HCM, các món ăn ngon đặc trưng, tinh hoa ẩm thực của VN là những điều anh thường chia sẻ với du khách.

Anh học thêm lớp nghiệp vụ nghề nghiệp, đọc sách, xem YouTube, học hỏi và biến những điều đó thành ngôn ngữ của riêng mình. "Sau này tôi tự sáng tác lời bài hát bằng tiếng Anh theo những ca khúc nổi tiếng để giới thiệu với du khách. Tôi dẫn khách đến miền Tây, nơi có những ngôi nhà lá làm bằng dừa nước, tôi từng sống trong ngôi nhà như vậy nên chỉ cần "bấm nút" nói là mọi người hiểu", anh chia sẻ.

Đam mê bất tận

Gắn bó với nghề, anh cũng có những kỷ niệm ấn tượng, không bao giờ quên. Năm 2012, có một vị khách trên tàu muốn gọi thức uống baileys, ông dùng từ "chilly baileys" (baileys với đá lạnh). Anh nghe thành "chilli baileys" nên xuống bếp cắt ớt bỏ vào. Khi anh bưng lên, vị khách cười rất to vì sự hiểu nhầm này. "Cũng 2012, một vị khách người Singapore đi với tôi 2 ngày 1 đêm, vì thích phong cách hướng dẫn nên đã mời tôi sang Singapore chơi. Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết thế nào là đi nước ngoài", nam hướng dẫn viên kể. Phần lớn khách hàng của anh Luận đến từ các quốc gia như Hà Lan, Đức, Anh, Mỹ, Israel… Sau dịch Covid-19, khách Ấn Độ đến VN được anh hướng dẫn cũng tăng nhiều lần.

 
leftcenterrightdel
 Anh luôn chia sẻ với du khách rất nhiệt tình

Gắn bó với nghề tròn 14 năm, anh Luận cho rằng một hướng dẫn viên tốt trước hết là phải có niềm đam mê bất tận, không bao giờ muốn bỏ nghề. Thứ hai, không bao giờ để cảm xúc cá nhân chen lẫn vào công việc. Thứ ba, phải có sự chân thành không chỉ qua lời nói mà cả ánh mắt, cử chỉ. "Hướng dẫn viên phải luôn chia sẻ không chỉ với kiến thức mà còn cả lòng yêu nước và tự hào dân tộc. Tôi luôn tự dặn bản thân phải cố gắng để khách hài lòng, xứng đáng với số tiền bỏ ra. Tôi sẽ theo nghề đến lúc không đi được nữa mới dừng lại, vì cũng có những khách cần hướng dẫn viên đứng tuổi", anh bày tỏ.

Lan tỏa trên mạng xã hội: Chàng hướng dẫn viên quảng bá văn hóa Việt- Ảnh 3.
 

Bà Katie Green, du khách Mỹ được anh Luận hướng dẫn trong chuyến du lịch đến VN, chia sẻ: "Luận mang đến cho chúng tôi những kiến thức về lịch sử và văn hóa của người dân VN. Nhờ có hướng dẫn viên mà chuyến đi trở nên tuyệt vời". Còn theo ông Jacob, du khách đến từ Singapore, nam hướng dẫn viên luôn chuẩn bị mọi thứ kỹ càng, đáp ứng mong muốn của du khách kể cả những thay đổi vào phút cuối. "Nhờ có Luận chúng tôi không phải lo lắng về khách sạn, phương tiện đi lại chỉ cần tận hưởng. Tôi vẫn nhớ chàng hướng dẫn viên đã giúp tôi giải quyết vấn đề về vận chuyển một cách rất chuyên nghiệp", ông nói.

 
leftcenterrightdel
 Anh có niềm đam mê bất tận với nghề

Theo Tanh niên