Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, một trong những video của Feng Xiaoyi có tiêu đề “Ăn quả đào” được lan truyền trên mạng xã hội xứ tỷ dân.

Trong video, Feng mặc một bộ đồ ngủ dễ thương, đồng thời sử dụng bộ lọc làm đẹp khiến gương mặt trông như thiếu nữ. Sau đó, anh cầm một miếng đào, chia sẻ cảm nhận của mình về món hoa quả đóng hộp này bằng giọng điệu nữ tính và quyến rũ, Global Times đưa tin.

                                                              Tài khoản của Feng hiện đã bị gỡ khỏi mạng xã hội.


Nhiều người dùng mạng đã bình luận rằng họ cảm thấy “khó chịu” sau khi xem đoạn video. Một số khác chế nhạo chàng trai này không nam tính và kêu gọi nền tảng cấm tài khoản của anh ta nhằm chỉnh sửa “văn hóa đàn ông nữ tính không lành mạnh”.

Trước áp lực quá lớn từ dư luận, tài khoản cũng như mọi video của Feng bị xóa khỏi nền tảng vào tối 24/8. Động thái này cho thấy nỗ lực chấm dứt xu hướng các sao mạng trở nên “quá nữ tính” đang rộ lên ở xứ tỷ dân trong thời gian gần đây.

Cũng trong ngày 24/8, Ủy ban Đạo đức Nghề nghiệp của Liên đoàn Văn học và Nghệ thuật Trung Quốc đã tổ chức một hội nghị ở thủ đô Bắc Kinh nhằm chỉ trích “văn hóa hâm mộ không lành mạnh”, bao gồm ưa chuộng các ngôi sao có hình ảnh “nữ tính”.

Tại hội nghị chuyên đề, các đại diện của người nổi tiếng tranh luận rằng ngành công nghiệp giải trí Trung Quốc đã xuất hiện những hành vi và giá trị đạo đức bị bóp méo, lệch lạc.

Ngôi sao nào thực hiện những hành vi này phải chịu trách nhiệm bởi đã vi phạm pháp luật, trật tự công cộng và đạo đức nghề nghiệp.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng văn hóa người hâm mộ hỗn loạn và hình ảnh “đàn ông nữ tính” đang gây ảnh hưởng không tốt về mặt thẩm mỹ trong xã hội.

Các đại diện tại hội nghị đã ký một đề xuất ủng hộ những người làm văn học và nghệ thuật quốc gia phải tự giác tuân thủ kỷ luật nghiêm ngặt và có ý thức, CCTV đưa tin hôm 25/8.

        Gần đây, ngành giải trí Trung Quốc đối mặt với loạt vụ việc cho thấy tình trạng đạo đức xuống cấp của một bộ phận ngôi sao. Ảnh: VCG.


Tuy nhiên, một số người dùng mạng nhận xét rằng văn hóa “đàn ông nữ tính” nên được phép tồn tại, không cần xóa bỏ triệt để vì nó tượng trưng cho “tính đa dạng và cởi mở”.

“Văn hóa đàn ông nữ tính phần nào bị ảnh hưởng từ văn hóa Otokonoko của Nhật Bản và các nhóm nhạc thần tượng xinh trai từ Hàn Quốc”, Shi Wenxue, một nhà phê bình văn hóa tại Bắc Kinh, nói với Global Times.

Nếu dư luận ca ngợi sự nam tính hóa của phụ nữ và nữ tính hóa của đàn ông, điều này thể hiện sự suy giảm quyền lực của nam giới. Tuy nhiên, theo dư luận hiện nay, chúng ta có thể hiểu được tại sao ngành công nghiệp giải trí sẽ đi theo hướng này”, ông nói thêm.

Theo Zing