Trước áp lực già hóa dân số do tỉ lệ sinh thấp, một số quốc gia ở châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản… đang khuyến khích những người cha nghỉ thai sản nhiều hơn để phụ vợ chăm con nhỏ. Thế nhưng, rào cản về công việc và thăng tiến khiến nam giới không dám nghỉ ngơi nhiều.

leftcenterrightdel
 Nam giới Nhật Bản được khuyến khích nghỉ thai sản giúp vợ chăm sóc con. Chính sách này nhằm khắc phục tình trạng tỉ lệ sinh giảm ở quốc gia này - Nguồn ảnh: Getty Images

Trung tâm nghiên cứu KCTU (Hàn Quốc) đã khảo sát 1.720 thành viên là nam giới từng nghỉ thai sản ít nhất 1 lần khi vợ sinh con, nhằm tìm hiểu cảm nhận của họ về hệ thống phúc lợi của nước này. Trong cuộc khảo sát thực hiện đầu năm 2024, có 71% số người cho biết việc xin nghỉ phép để chăm con nhỏ tương đối khó khăn.

Khi được hỏi tại sao nhiều nam giới ngại nghỉ thai sản để chăm con, 85,1% cho biết họ sợ sẽ gặp bất lợi trong việc thăng chức hoặc đánh giá hiệu suất, lo thu nhập giảm và cả nỗi lo bị công ty đưa vào danh sách xem xét sa thải. Trong số những người đàn ông nghỉ phép dài hạn để chăm sóc con cái, khoảng 33% coi khó khăn lớn nhất là khả năng gặp bất lợi trong việc thăng tiến ở tương lai và bị đánh giá tiêu cực về hiệu suất làm việc.

Một báo cáo gần đây của Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc cho thấy 28% lao động nghỉ thai sản vào năm 2023 là nam giới, giảm nhẹ so với con số 28,9% của năm trước.

Tại Nhật Bản, chính phủ đã đề xuất một loạt chính sách nhằm khuyến khích nam giới nghỉ thai sản, với mục tiêu nâng tỉ lệ lao động nam nghỉ sinh con lên 50% vào năm 2025 và 85% vào năm 2030. Tuy nhiên, một số người tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả của những chính sách này.

Makoto Iwahashi - thành viên của Liên đoàn Lao động dành cho người trẻ tuổi - cho biết: dù kế hoạch của chính phủ có tính thiện chí và tích cực nhưng nhiều nam giới Nhật Bản ngại nghỉ phép trong thời gian vợ sinh con do những hậu quả tiềm tàng từ người sử dụng lao động. Họ lo sợ những tác động tiêu cực đến triển vọng thăng tiến hoặc khả năng bị điều động sang một vị trí khác với ít trách nhiệm và lương bổng hơn. Anh Iwahashi lưu ý rằng, sự phân biệt đối xử đối với người lao động nghỉ phép để chăm con là bất hợp pháp ở Nhật Bản.

Hisakazu Kato - giáo sư kinh tế tại Đại học Meiji ở Tokyo, Nhật Bản - nhận định: “Các công ty nhỏ lo ngại họ sẽ phải đối mặt tình trạng thiếu hụt nhân công do chính sách nghỉ thai sản và điều này gây áp lực lên những người cha trẻ muốn tạm nghỉ để chăm con”.

Vào tháng 2/2024, chính phủ đã đưa ra một dự luật mới, yêu cầu các công ty Nhật Bản có trên 100 nhân viên phải đặt ra và công bố các mục tiêu về việc áp dụng chế độ nghỉ thai sản đối với nhân viên nam. Đạo luật “Các biện pháp hỗ trợ nuôi dạy con cái của thế hệ tiếp theo” sẽ được trình lên phiên họp thường kỳ của Quốc hội Nhật Bản và dự kiến có hiệu lực từ tháng 4/2025 nếu được thông qua.

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết, điều quan trọng là các công ty phải thay đổi trong tư duy và điều chỉnh cơ cấu tiến bộ hơn. Bằng cách thúc đẩy những cải cách cho phép cả cha lẫn mẹ đều tích cực tham gia vào việc chăm sóc trẻ em, đất nước mặt trời mọc muốn hướng tới thúc đẩy sự thăng tiến nghề nghiệp của phụ nữ và khả năng đảo ngược tình trạng tỉ lệ sinh đang giảm.

Theo phụ nữ TPHCM