Theo các chuyên gia tâm lý, nạn nhân của sự việc quấy rối, xâm hại tình dục vốn đã chịu nhiều tổn thương, nhưng họ vẫn có thể vấp phải phản ứng đổ lỗi đến từ xã hội.

Khi bị đám đông miệt thị, họ có nguy cơ cảm thấy bản thân chính là người chịu trách nhiệm cho những việc tồi tệ xảy ra. Khi nạn nhân thực sự tin rằng “đây là lỗi của mình” và “nên im lặng chịu đựng chứ đừng lên tiếng”, những hành vi trái pháp luật sẽ càng lộng hành hơn trong xã hội.

Bởi vậy, lắng nghe đúng cách và làm thế nào để không trở thành người đổ lỗi cho nạn nhân là điều cần thực hiện.

nan nhan xam hai tinh duc bi do loi nguoc anh 1

Nạn nhân của sự việc quấy rối, xâm hại tình dục vốn đã chịu nhiều tổn thương,

nhưng họ vẫn có thể vấp phải phản ứng đổ lỗi đến từ xã hội. Ảnh:Bigstock.

Xu hướng đổ lỗi

Chia sẻ với Zing, thạc sĩ Nguyễn Xuân Phong - nhà tâm lý trị liệu độc lập, có 6 năm kinh nghiệm điều trị, giảng dạy, nghiên cứu và làm việc với phụ nữ, trẻ em gái - cho biết: “Chúng ta thường có xu hướng đổ lỗi vì tư duy giống máy, rằng một điều gì đó không ổn thì nhất định phải đến từ một người, giống như lỗi ở máy xuất phát từ một bộ phận. Tệ hơn, sự hỏng hóc ở máy được coi là khách quan, nhưng rất nhiều lỗi ở người được coi là có chủ ý”.

Theo ông Phong đã có chủ ý thì chắc chắn ai đó phải trả giá vì hành động của mình. Con người nghiễm nhiên phân ai đó vào vai kẻ xấu, sự thanh trừng phải diễn ra vì công bằng xã hội. Đáng chú ý, tất cả sự đổ lỗi dù cho bên nào cũng sẽ kéo vấn đề đi xa khỏi khả năng giải quyết.

Nhà trị liệu tâm lý nói thêm: “Ví như khi học sinh bị điểm kém, xã hội có thể lên án cả học sinh lẫn giáo viên mà không quan tâm nhiều đến trải nghiệm dạy - học của 2 bên. Khi mẹ chồng - nàng dâu mâu thuẫn, cộng đồng mạng có thể chia phe xem ai đúng, ai sai nhiều hơn trong một tình huống cụ thể mà ít để ý đến mối quan hệ gia đình đang rạn nứt từng ngày. Tương tự, khi có một nạn nhân của vụ xâm hại, quấy rối tình dục lên tiếng, xã hội dễ dàng đưa ra nhiều lý do đổ lỗi về phía người bị hại”.

Như vậy, theo ông Phong, đi đôi với đổ lỗi cho nạn nhân là sự kỳ thị, bắt nạt, chia phe trên mạng xã hội dẫn tới xâm hại phẩm giá của người khác, đôi khi có những hệ quả khó lường như tự tử, trầm cảm,...

nan nhan xam hai tinh duc bi do loi nguoc anh 2
Nhà tâm lý trị liệu Nguyễn Xuân Phong. Ảnh:Minh Lâm.

Im lặng vì sợ bị đổ lỗi

Bà Bùi Duy Thanh Mai - nhà giáo dục độc lập có kinh nghiệm nhiều năm làm việc với trẻ em, giáo viên, phụ huynh, trong số đó có nhiều nạn nhân bị xâm hại, quấy rối tình dục - chia sẻ: “Rất nhiều người kể với tôi rằng họ phải sống chung với nỗi ám ảnh bị xâm hại và nỗi sợ bị đánh giá bởi người xung quanh. Đáng buồn trong số đó không ít là những bạn ở độ tuổi thanh thiếu niên. Các bạn ấy không biết xử trí thế nào cho phù hợp với vấn đề của mình, vì rất sợ đổ lỗi nên không nói với ai”.

Bà Mai kể có nhiều bạn trẻ gặp chuyện và sợ bị người khác nói “hôm ấy con bị xâm hại vì con đã mặc quần áo bó và hở hang” hoặc “hẳn con đã nói chuyện thế nào thì họ mới làm thế với con”.

Những suy nghĩ phán xét này, vốn được nghe và quan sát từ người khác dần dần trở thành tiếng nói vang lên trong đầu nạn nhân và ngăn cản họ trước khi kịp làm điều gì để chữa lành nỗi đau của chính mình. Càng ngày, suy nghĩ ấy bóp nghẹt đứa trẻ, làm mất đi khả năng tự vệ, lòng tự tôn khiến họ dễ bị xâm hại nhiều lần sau nữa hoặc xa lánh xã hội.

Vị chuyên giá cho biết: “Không ai dạy các bạn ấy rằng các bạn được quyền nói không hoặc dừng lại và người đối diện phải tôn trọng quyết định này. Đáng buồn hơn, trong văn hóa không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nước ngoài, lời nói của phái nữ không được coi trọng, vì cho rằng con gái nói không là có”.

nan nhan xam hai tinh duc bi do loi nguoc anh 3

Nhà giáo dục độc lập Bùi Duy Thanh Mai. Ảnh:Minh Lâm.

Bà kể thêm hầu hết nạn nhân tìm tới mình, bao gồm người trưởng thành, đều có vấn đề tâm lý sau rất nhiều tổn thương trực tiếp hoặc gián tiếp từ người xâm hại, cũng như sự đổ lỗi từ người thân, xã hội.

“Họ có biểu hiện của sang chấn tâm lý, lo âu lan tỏa, trầm cảm, thậm chí là mong muốn tự tử. Những tác động tiêu cực đến tâm lý ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống và khả năng tìm việc, làm việc của họ”.

Nhà tâm lý trị liệu độc Nguyễn Xuân Phong cũng từng tiếp cận với tương đối nhiều trường hợp bị xâm hại tình dục, từ trẻ dưới 6 tuổi cho đến người hơn 30 tuổi.

Môi trường mà họ gặp chuyện này khá đa dạng: nhà vệ sinh, nơi công cộng, công sở. Những nơi khá kín đáo và mọi người dễ dàng thỏa thuận hẹn nhau đến chơi, làm việc.

Thế nhưng, dù môi trường khác nhau thì kết quả khá là chung. Đó là sang chấn cực kỳ lớn để lại trong tâm trí nạn nhân, mà người đó không có khả năng giải tỏa và khó diễn tả bằng lời.

“Tình trạng tâm lý khi tôi gặp họ thường thấy là trong trạng thái hoảng sợ, lo lắng, trầm uất, căng thẳng. Những hình ảnh về sự xâm hại và đổ lỗi luôn lặp đi lặp lại trong đầu biến họ thành tù nhân trong chính suy nghĩ của mình, không còn quan tâm đến hiện tại. Họ trở thành người cực kỳ nhạy cảm, chỉ một biểu hiện, một khung cảnh hay lời nói có thể khiến họ nhớ lại những gì đã xảy ra, họ chìm trong sang chấn mà chưa vượt qua được”.

Lắng nghe và không đổ lỗi

Ông Phong cho rằng: “Một người lắng nghe rất nhiều dễ dàng rơi vào cái bẫy: người đó bị tổn thương, tổn thương ấy sau dần sẽ hết. Suy nghĩ này khiến chúng ta không còn quá quan trọng sự tổn thương của họ. Khi lắng nghe, chúng ta cần đặt nạn nhân là trọng tâm để hiểu câu chuyện và đồng hành với họ thay vì thỏa mãn trí tò mò của mình. Lúc ấy, ta sẽ biết có thể làm gì để đồng hành với họ”.

Theo vị chuyên gia, nếu sự phán xét, đổ lỗi gần như không thể tránh được, hãy để chúng trở thành người bạn tốt hơn trên con đường luyện tập sự lắng nghe.

“Khi làm việc với thân chủ, tôi thường tâm niệm rằng đó là lần cuối cùng được nghe và nói với họ, bởi không ai biết được điều gì sẽ đến sau một cuộc nói chuyện. Một kết thúc luôn có thể đến bất ngờ. Đồng thời, mọi lời đều có thể là những lời cuối, chúng ta cần nghe mà không bỏ lỡ bất cứ câu từ nào”.

Nhà giáo dục độc lập Bùi Duy Thanh Mai chia sẻ: “Nếu có một điều mong muốn đọng lại trong mỗi người, tôi muốn mọi người biết rằng chúng ta không thể biết chuyện gì đã và đang diễn ra trong cuộc đời người khác. Các vấn đề tâm lý ảnh hưởng rất lớn đến hành vi, tư duy của mỗi người. Việc tốt nhất chúng ta có thể làm là thực sự lắng nghe, quan sát, tìm hiểu người đối diện thay vì thuyết phục, thay đổi và đánh giá họ”.

Theo Zing