|
|
Tượng của vị hiệu trưởng đáng kính Trần Gia Canh được dựng lên để các thế hệ học sinh ghi nhớ công lao to lớn của ông. |
Chúng ta vốn vẫn thường được nhắc nhở rằng, trên thế gian này không có bữa cơm nào là miễn phí. Tuy nhiên, nếu có cơ hội được trở thành sinh viên của trường Đại học Hạ Môn tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc chắc hẳn nhiều người sẽ phải thay đổi lại nhận định này của mình.
Nguyên nhân là do toàn bộ sinh viên theo học tại Đại học Hạ Môn đều được nhận những suất cơm miễn phí với đầy đủ cơm canh thịt cá đảm bảo an toàn và dinh dưỡng trong suốt thời gian theo học tại trường. Điều này tương đương với việc dù hoàn cảnh khó khăn đến mấy, trong suốt những năm tháng học đại học tại trường, các em sinh viên sẽ không cần phải lo ăn từng bữa, hàng ngày vừa đi học vừa lo lắng đến việc phải đi kiếm tiền để có cơm ăn qua ngày.
|
|
Nhiều người vẫn thường nói "không có bữa cơm nào là miễn phí", nhưng sinh viên theo học tại đại học Hạ Môn lại là trường hợp ngoại lệ. Ảnh: Baidu. |
Vì sao ngôi trường được gọi là "trường học hạnh phúc"?
Xuất phát điểm của sự việc được ghi nhận từ năm 2008, khi đó hiệu trưởng của trường Đại học Hạ Môn là ông Chu Sùng Thực vô tình chứng kiến cảnh sinh viên phải nhặt cơm thừa trong căng tin để ăn.
Khi đó ở trong trường có rất nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà không ít sinh viên từ chối nhận trợ cấp. Thấu hiểu được sự nỗ lực của các em đồng thời ông Chu cũng muốn giữ thể diện cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn này nên đã ký quyết định cho toàn bộ sinh viên ăn cơm miễn phí tại căng tin.
Ông yêu cầu phía nhà ăn cần đảm bảo các suất cơm đầy đủ thịt, cá, rau, thậm chí ông còn yêu cầu canh nấu cho các em phải có rau, thịt, trứng chứ không phải là canh suông.
|
|
Những món ăn được chuẩn bị ngon lành và kỹ lưỡng. Ảnh: Baidu. |
|
|
Bữa cơm của sinh viên tại ngôi trường hạnh phúc. Ảnh: Baidu. |
Cũng kể từ đó, hiệu trưởng Chu Sùng Thực trở thành người khởi xướng và khuyến khích lập quy tắc "sinh viên ăn cơm không mất tiền" tại Đại học Hạ Môn. Nhiều năm trôi qua, quy tắc này đã trở thành truyền thống đẹp được truyền lại và kế thừa bởi nhiều thế hệ học sinh đã và đang theo học tại ngôi trường này. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân chính khiến trường Đại học Hạ Môn được vinh dự nhận tên gọi "ngôi trường hạnh phúc nhất Trung Quốc".
Nguyên nhân còn lại khiến ngôi trường được mệnh danh là "ngôi trường hạnh phúc" nằm ở sự tử tế và nét đẹp nhân văn cao cả được kế thừa qua từng thế hệ. Khởi nguồn là từ vị hiệu trưởng đầu tiên cũng là người sáng lập nên Đại học Hạ Môn là ông Trần Gia Canh, một doanh nhân có tiếng những năm 1919.
Vào năm 1921, nhìn thấy tình cảnh vẫn còn không ít người dân Trung Quốc có hoàn cảnh nghèo khó, thậm chí còn nhiều người chưa biết chữ. Ông Trần Gia Canh khi đó đã vét sạch gia sản của mình để xây dựng nên một ngôi trường cho người dân được đi học con chữ.
Riêng về phần mình, ông còn lựa chọn sống trong một gian phòng ọp ẹp dưới gầm cầu thang, ngày ngày ăn cháo loãng để bù kinh phí vào sinh hoạt phí cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại trường. Những em học sinh nghèo khó tới đây học sẽ được nuôi ăn nuôi ở, không cần phải lo lắng kiếm sống mưu sinh như trước nữa.
Chính nhờ tấm lòng nhân hậu, sẵn sàng hy sinh nâng đỡ người khác không cầu mong báo đáp của Trần Gia Canh đã tạo thành một làn sóng có tên "tự hào kế thừa tinh thần Gia Canh" tại Đại học Hạ Môn. Tất cả những học sinh tốt nghiệp ra trường dù có điều kiện ra sao đều quay về mái trường xưa, góp vào đó một chút công sức để xây dựng ngôi trường ngày một rộng lớn và khang trang hơn.
Quy mô trường ngày một mở rộng và đón nhiều thế hệ sinh viên tới theo học với nhiều suất học bổng khuyến học hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, có rất nhiều em cho rằng bản thân vẫn có thể chăm chỉ vừa học vừa làm được nên thường từ chối học bổng để nhường cho bạn khác.
Chính vì vậy năm 2008 hiệu trưởng Chu Sùng Thực một lần nữa "kế thừa tinh thần Gia Canh", quyết định khởi xướng miễn suất ăn cho học sinh theo học tại trường.
Hiện nay, hơn 1 nửa toà nhà và kiến trúc trong khuôn viên trường Đại học Hạ Môn đều là do cựu sinh viên chung ta quyên tặng. Đồng thời, theo thông tin cho biết, vào lễ kỷ niệm 100 năm thành lập trường năm ngoái có một nhà hảo tâm giấu mặt đã quyên góp khoản tiền vô cùng lớn, đủ để toàn bộ các em sinh viên Đại học Hạ Môn có cơm ăn đầy đủ trong 5 năm tới mà không cần lo lắng gì.
|
|
Nhiều toà nhà và kiến trúc trong khuôn viên trường Đại học Hạ Môn là do cựu sinh viên chung tay quyên tặng. Ảnh: Baidu. |
Có thể nói, Đại học Hạ Môn không chỉ là ngôi trường hạnh phúc mà nó còn là ngôi trường của sự tử tế và những giá trị truyền thừa nhân văn cao đẹp.
Tiểu Lam