Theo tờ Shukan Jitsuwa cho biết, trong số những người nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục đi làm thì chỉ một ít người cho biết là vì thích, phần lớn là phải tiếp tục làm việc cực nhọc nếu không muốn đối mặt với viễn cảnh nghèo đói. "Trong một tương lai không xa, có lẽ cứ 2 người cao tuổi thì có 1 người sẽ phải tiếp tục làm việc cho đến khi họ không còn sức khỏe hoặc tinh thần" - trích từ bài báo.
Theo dữ liệu của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, số lượng người làm việc trên 65 tuổi đã tăng lên hàng năm trong suốt 18 năm qua. Vào năm 2021, khoảng 60.000 người cao niên mới gia nhập hàng ngũ người nghỉ hưu vẫn làm việc, nâng tổng số người già đi làm tại Nhật Bản lên khoảng 9,09 triệu. Vào năm 2021, tỷ lệ người đang làm việc trong độ tuổi từ 65 - 69 đã là 50,3%.
"Trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng sau chiến tranh, Nhật Bản đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và tuổi nghỉ hưu bắt buộc là 60, người ta cho rằng người già sẽ được tận hưởng những năm tháng vàng son của mình như đi du lịch và theo đuổi sở thích của họ. Nhưng sau đó, bong bóng kinh tế sụp đổ vào những năm 1990 rồi nhiều biến động khác và gần đây là sự mất giá của đồng yên thì ước mơ của mọi người về tuổi nghỉ hưu thoải mái đã bị nghiền nát" - một nhà phê bình kinh tế cho biết.
Theo khảo sát của Liên đoàn Công đoàn Nhật Bản, năm 2019, 46,2% số người lớn tuổi được hỏi đưa ra lý do tiếp tục làm việc là "để duy trì sức khỏe". Tiếp theo là “nâng cao chất lượng cuộc sống” (33,9%) và “vì sống là để làm việc” (28,8%).
Theo Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản vào năm 2019 phân tích, một cặp vợ chồng già trung bình sẽ cần tiết kiệm ít nhất 20 triệu yên (hơn 151.000 USD) để trang trải cho cuộc sống sau nghỉ hưu. Nhưng vào năm 2022, 20,8% hộ gia đình từ 60 tuổi trở lên không có khoản tiết kiệm nào. Và con số này được dự đoán sẽ tăng thêm.
Hiện tại ở Nhật Bản, hơn 70% nhân viên làm việc tạm thời hoặc bán thời gian tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, nhân viên bảo vệ, nhân viên tại các trung tâm... đều trên 65 tuổi.
Với tình trạng thiếu lao động trong một số lĩnh vực đặc thù, nhiều công ty đã khởi xướng các chương trình để giữ chân những lao động lớn tuổi có kỹ năng, chuyên môn. Ví dụ, một nhà sản xuất máy bay không người lái có trụ sở tại Tokyo, đã cho phép người lao động tiếp tục sự nghiệp của họ cho đến 75 tuổi.
Các hãng taxi cũng thuê người già với số lượng ngày càng tăng. Tính đến tháng 3/2022, khoảng 50.000 tài xế ở Nhật Bản ở độ tuổi từ 70 -74 và 20.000 tài xế khác (tương đương 8%), từ 75 tuổi trở lên.
"Khi độ tuổi trung bình của tài xế ngày càng tăng, số vụ tai nạn mà họ gây ra cả nhẹ và nghiêm trọng, cũng tăng theo", một tài xế trên 70 tuổi lo lắng thừa nhận.
Theo phụ nữ TPHCM