10 năm trước, nơi Tidaporn Potisai phục vụ khách hàng của mình là trên những chiếc máy bay ở độ cao hơn 11.000 mét. Khi công việc tiếp viên hàng không bị ảnh hưởng bởi Covid-19, cô quyết định phát triển kỹ năng nấu ăn - vốn là sở thích của bản thân - và chia sẻ chúng trực tuyến. Khá bất ngờ, công việc mới mang đến cho cô 50 đến 100 đơn hàng mỗi ngày từ khắp Bangkok.
Tidaporn Potisai bên căn bếp của mình. Ảnh: Handout.
"Thật khó để đưa ra quyết định từ bỏ công việc tiếp viên hàng không, nhưng tôi vẫn phải làm vì không có lựa chọn. Sáu tháng sau đó, chồng tôi nói rằng tôi nên bán kor moo yang (thịt lợn nướng kiểu Thái)", Potisai kể lại.
Giống Potisai, nhiều người trẻ tuổi ở Đông Nam Á đã trở thành "ông bà chủ của chính mình" khi đại dịch bùng phát.
Tại Đông Nam Á, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng tạo nên một thị trường có sức mua lớn. Sự phổ biến của các nền tảng trực tuyến cộng với việc nhiều người làm việc tại nhà hơn do đại dịch đã thúc đẩy mảng mua sắm online phát triển.
Dù không có con số thống kê cụ thể nào để cho thấy sự gia tăng trong hoạt động kinh doanh nói chung ở Đông Nam Á hiện tại so với những cuộc suy thoái trước đây, các chuyên gia đang nhìn thấy nhiều thay đổi. "Khủng hoảng kinh tế tác động đến những người trẻ trước tiên. Có những bằng chứng trong quá khứ cho thấy thanh niên tốt nghiệp trong thời kỳ khủng hoảng sẽ khó kiếm việc làm và khó có thu nhập tốt", Grace Lee, Trưởng khoa Kinh tế tại Đại học Monash (Malaysia), nhận xét.
Theo báo cáo hồi tháng 8 của Tổ chức Lao động Quốc tế và Ngân hàng Phát triển châu Á, có 10 đến 15 triệu người trong độ tuổi 15 đến 24 ở 13 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương bị mất việc do đại dịch. Tuy nhiên, theo Selena Ling, trưởng bộ phận nghiên cứu và chiến lược ngân quỹ của OCBC Bank, sự bấp bênh về việc làm trong thời kỳ khủng hoảng sẽ thúc đẩy những người trẻ tuổi dấn thân vào các công việc chưa được khám phá. "Những người trẻ ít bị cản trở bởi áp lực gia đình hoặc các khoản nợ tài chính. Trong tâm thế không có gì để mất, họ sẽ tận dụng cơ hội, kể cả nhỏ nhất thay vì do dự", Ling giải thích.
Lucas Kang, 27 tuổi, người Singapore, bắt đầu tư vấn tiếp thị trực tuyến vào tháng 9 sau khi làm tư vấn viên trong hai năm. Anh cũng cung cấp các dịch vụ online khác, từ phát triển website đến các chiến dịch xây dựng thương hiệu và tiếp thị, để giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận bán hàng. "Vào thời điểm việc làm khan hiếm, bạn không thể nói rằng khởi nghiệp là lựa chọn rủi ro hay kém an toàn nữa", Kang chia sẻ. "Nếu một doanh nghiệp lấy kỹ thuật số làm trung tâm, sự khác biệt càng nhỏ và khó phân biệt hơn".
Với hàng triệu người không thể ra khỏi nhà do Covid-19, xu hướng tiêu dùng cũng thay đổi. Dữ liệu từ tập đoàn thương mại điện tử iPrice Group của Malaysia tiết lộ doanh số bán hàng trực tuyến ở Đông Nam Á tăng tới 60% trong tháng 4 và tháng 5. Còn theo Nielsen, tại Thái Lan, việc mua sắm "hoảng loạn" trong tháng 1 và tháng 2 khi đại dịch mới bắt đầu đã khiến doanh số các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tăng đột biến, với mức 1,3 và 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Priceza, một website mua sắm so sánh giá của Thái Lan, dự đoán thương mại điện tử tổng thể tại nước này tăng 35% lên 220 tỷ baht (7,03 tỷ USD) trong năm 2020.
Thanaphol Virasa, trợ lý giáo sư tại Đại học Mahidol (Thái Lan), cho rằng nhu cầu mua hàng trực tuyến ngày càng tăng cho phép giới trẻ tận dụng các kênh online và nền tảng thương mại điện tử như một cách kinh doanh mới. Với 360 triệu người dùng Internet tại Đông Nam Á, có thể xem đây là cơ hội kinh doanh của bất cứ ai muốn nắm bắt.
"Khả năng tận dụng công cụ kỹ thuật số đã trở thành điều bắt buộc đối với các doanh nhân nếu muốn sống sót qua đại dịch", Lee nói. "Người trẻ thường có lợi thế hơn, thậm chí dẫn dắt những người lớn tuổi trong việc áp dụng và sử dụng công nghệ".
Ngoài ra, các mô hình kinh doanh trực tuyến cũng không yêu cầu nhiều nguồn vốn, bằng cấp mà thời gian lại linh hoạt hơn. "Họ không phải có mặt từ 10h sáng đến 10h tối, nhưng doanh nghiệp vẫn mở cửa 24/24 và sẵn sàng giao dịch bất cứ lúc nào", Yusniza Kamarulzaman, Phó trưởng khoa kinh doanh và kế toán của Đại học Malaya (Malaysia), nói.
Bán hàng online trở thành lựa chọn cho giới trẻ Đông Nam Á khi đại dịch. Ảnh: SCMP.
Với Lunnie Gan, cô gái 24 tuổi sống tại Malaysia, đại dịch chính là thời điểm thích hợp để thành lập một công ty kinh doanh trực tuyến. Cô đã lập công ty truyền thông xã hội Pencil Rocket Malaysia tại Kuching, tập trung vào các lĩnh vực chạy quảng cáo Facebook, xây dựng các chatbot và nội dung truyền thông xã hội cho doanh nghiệp.
Gan cho biết có thể xem cô là một phần của "thế hệ Internet" nên hiểu rõ những gì đang diễn ra. "Bản thân là người tích cực sử dụng mạng xã hội, chúng tôi hiểu nội dung mà khán giả thích là gì", Gan nói. "Đa số các doanh nghiệp có thể nghĩ rằng những người trẻ tuổi không hiểu biết nhiều, nhưng khi nói đến mạng xã hội, họ biết chúng tôi có lợi thế".
Sự hỗ trợ của nhà nước cũng là một phần giúp các doanh nghiệp non trẻ phát triển. Chẳng hạn, Bộ Giáo dục Malaysia và Tập đoàn Kinh tế Kỹ thuật số Malaysia đã hợp tác với các công ty công nghệ và học viện để thu hút các sáng kiến từ giới trẻ cho Công nghiệp 4.0. Động thái này đã thành công, khi theo Báo cáo Hệ sinh thái Khởi nghiệp Toàn cầu 2020 của tổ chức nghiên cứu Startup Genome, Kuala Lumpur xếp thứ 11 trong 100 hệ sinh thái mới nổi hàng đầu thế giới.
Việc áp dụng công nghệ rộng rãi đã giúp nền kinh tế tại Đông Nam Á được thúc đẩy mạnh mẽ. Trong một nghiên cứu năm 2018 của công ty tư vấn toàn cầu McKinsey & Company, 8 trong số 11 quốc gia Đông Nam Á nằm trong top 18 nền kinh tế hoạt động tốt trên thế giới - những nơi được xác định là có mức tăng trưởng bình quân đầu người hàng năm là 5% trong 20 năm qua và 3,5% hơn 50 năm qua.
Báo cáo chung năm 2019 của Bain & Company và Facebook IQ dự đoán, tầng lớp trung lưu tại Đông Nam Á sẽ đạt 350 triệu người. Trong đó, từ nay đến 2022 sẽ có thêm 50 triệu người từ Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Đây có thể xem là một thị trường rộng lớn để nhiều loại hình kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh online phát triển.
Với Potisai, cô cho biết đang tận hưởng vai trò làm chủ doanh nghiệp của mình. "Tôi nghĩ việc khó khăn nhất khi khởi nghiệp là sự kiên nhẫn. Khi mới bắt đầu, việc tìm kiếm khách hàng là rất khó và chúng tôi phải quảng cáo nhiều hơn. Nhưng những gì mà nó mang lại thật sự lớn, nhất là động lực từ người thân, bạn bè giúp tôi làm ra những chiếc bánh kor moo yang ngon nhất".
Theo vnexpress