Ngồi nhẩm lại tổng nguồn tiền vào - ra cả năm nay, Trung Hiếu (sinh viên mới ra trường tại TP HCM) thu về con số thấp hơn mọi năm khoảng 50%. Là một freelancer (người làm tự do), thu nhập của Hiếu bị ảnh hưởng lớn trong mùa dịch, trong khi phải gánh thêm khoản nợ mới phát sinh. Do đó, cậu thắt chặt mọi khoản phí không cần thiết.

"Có lẽ sau năm 2021, tôi sống tiết kiệm hơn và tập trung củng cố khả năng tài chính phòng một số trường hợp bất khả kháng", Hiếu nói.

Cũng có tổng chi tiêu cả năm giảm đi so với trước, Quỳnh Như (nhân viên văn phòng) cho biết nguyên nhân chủ yếu do thu nhập bị giảm một nửa. Sống tại TP HCM với lệnh giãn cách xã hội kéo dài 5 tháng, Như không ra ngoài nên càng không tốn chi phí xăng xe, quần áo, ăn hàng, đi tiệc...

Do đang mang thai, năm nay ngân sách chị đổ dồn vào việc thăm khám và mua đồ cho bé. Còn lại, các khoản chi lớn là cho sức khỏe, phòng dịch như nước sát khuẩn, nước rửa tay, khẩu trang, thuốc men, bộ xét nghiệm... Như tuyệt đối không chi những khoản không thiết yếu như quần áo, giày dép, ăn hàng...

Tuy cắt giảm là thế nhưng đến cuối năm, Như không có khoản tiết kiệm nào khi thu nhập chỉ đủ để chi trả cho các khoản phí về ăn uống, mang thai và phòng dịch. Trước đó, chị có tìm hiểu đầu tư vào chứng khoán 50 triệu đồng, nhưng cũng phải rút ra 20 triệu đồng để chi tiêu. Số tiền còn lại, chị chỉ dám đầu tư cầm chừng do sợ rủi ro bản thân nhiễm bệnh cần tiền xoay xở, một phần đề phòng thị trường bất ổn.

Người dân mua thực phẩm tươi sống tại một siêu thị ở phường An Phú (TP Thủ Đức, TP HCM), tháng 10/2021. Ảnh: Tất Đạt

Người dân mua thực phẩm tươi sống tại một siêu thị ở phường An Phú (TP Thủ Đức, TP HCM), tháng 10. Ảnh: Tất Đạt

Cũng có kế hoạch tài chính cá nhân khá tương đồng, trong cơ cấu chi tiêu, Kathy Trần (người đang là một doanh nhân) năm nay tăng 20% cho các khoản về sức khỏe. Trong mùa dịch, sức khỏe và sự an toàn trở thành ưu tiên hàng đầu của Kathy. Chị chuẩn bị các biện pháp phòng tránh và chữa trị kỹ lưỡng hơn như vitamin, thuốc hạ sốt, kit xét nghiệm, thiết bị đo SPO2, thực phẩm chức năng hỗ trợ sức khỏe... Chi phí cho nhóm này trung bình 1-1,2 triệu đồng một tháng.

Ngược lại, chị giảm 30-40% cho các khoản về mỹ phẩm, thời trang, giải trí... Ngoài ra, một khoản tăng mạnh đến 50% trong ngân sách của Kathy so với mọi năm là phần làm từ thiện, ủng hộ tuyến đầu chống dịch và các hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh gây ra.

"Năm 2021 thực sự tác động mạnh đến việc tính toán, cân nhắc về tài chính của mình, đặc biệt là trong dài hạn. Mình cắt giảm đa số các khoản 'nice-to-have' (không nhất thiết phải có), giúp giữ mức sống tối giản và tối ưu, đồng thời tăng cường đầu tư vào các danh mục quan trọng, thiết yếu và sinh lời trong dài hạn như sức khỏe, kiến thức, bất động sản...", Kathy chia sẻ.

Về đầu tư, chị tiếp tục kênh bất động sản, tiếp nối lộ trình từ năm trước và đầu tư thêm một số mã cổ phiếu của các công ty kinh doanh có kết quả tốt. Nhóm tài chính đầu tư này tăng 30% so với năm trước.

Theo Kathy, nhìn về dài hạn, bất động sản vẫn là kênh sinh lời tốt và nhu cầu luôn có, chỉ chững lại trong ngắn hạn. Với mảng chứng khoán, chị không theo dõi các mã lên xuống trong ngày hoặc tuần, mà nhìn vào trung và dài hạn, đồng thời theo dõi diễn biến kinh tế vĩ mô và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp để hiểu và đầu tư phù hợp.

Hiếu, Như hay Kathy Trần chỉ là những ví dụ điển hình cho sự thay đổi thói quen chi tiêu của người Việt trong đại dịch. Khảo sát mới nhất của YouGov - công ty nghiên cứu và phân tích dữ liệu quốc tế, cũng cho thấy đại dịch đã làm thay đổi bức tranh tài chính cá nhân tại Việt Nam. Năm nay, người tiêu dùng thận trọng hơn về thói quen tiêu dùng ngắn hạn cũng như các kế hoạch tài chính dài hạn của họ.

Gần một nửa hộ gia đình đã bị giảm thu nhập vào năm 2021. Hơn một phần tư nói rằng thu nhập của họ giảm nhẹ từ 10-20%. Trong khi đó, 20% chứng kiến mức giảm lớn, giảm ít nhất 20% so với mức lương trước đây.

Trong bối cảnh đó, 28% người tiêu dùng Việt Nam tăng mức tiết kiệm và giảm chi tiêu cho các khoản tiêu dùng không thiết yếu trong thời gian xảy ra đại dịch. Xu hướng này của người tiêu dùng Việt đi đầu trong khu vực châu Á, cao hơn chỉ số của Hong Kong (Trung Quốc) và bỏ xa Singapore.

Những thay đổi do đại dịch đã khiến người tiêu dùng phải đánh giá lại thói quen chi tiêu hiện tại và kế hoạch tài chính dài hạn của mình. Hơn 53% người tiêu dùng Việt cắt giảm các khoản không thiết yếu trong 6 tháng qua. Trong khi đó, 80% dự định tiếp tục cắt giảm trong tương lai.

Người Việt Nam được cho là một trong những nhóm thận trọng nhất thế giới khi hơn hai phần ba cẩn thận hơn với tài chính cá nhân so với trước đại dịch. Trong khi đó, 34% ưu tiên bảo vệ các khoản tài chính hộ gia đình để phòng trường hợp khẩn cấp. Con số này cao hơn gần 10% so với mức trung bình toàn cầu. Người Việt Nam cũng quan tâm hơn đến đầu tư và giảm nợ so với mức trung bình ở các nơi khác trên thế giới.

Theo vnexpress