Trong suốt chiều dài lịch sử của loài người, đã có không ít phụ nữ tạo ra những bước đột phá trong công nghệ và khoa học.

Thế nhưng do rào cản của thời cuộc, trong đó có vấn đề bất bình đẳng giới, nhiều phát minh và khám phá của phụ nữ hầu như không được công nhận, hay thậm chí họ còn phải chấp nhận trở thành cái bóng sau lưng của nam giới.

Lise Meitner

Lise Meitner là một nhà vật lý người Thụy Điển gốc Áo. Bà là một thành viên của nhóm phát hiện ra phản ứng phân hạch hạt nhân. Thế nhưng điều đáng buồn là khám phá quan trọng này lại được vinh danh cho một đồng nghiệp nam của bà là Tiến sĩ Otto Hahn với giải Nobel Hóa học năm 1944.
Bà Lise Meitner và ông Otto Hahn trong phòng thí nghiệm vào năm 1912 - Ảnh: Smithsonian Institution/Science Photo Library
Bà Lise Meitner và ông Otto Hahn trong phòng thí nghiệm vào năm 1912 - Ảnh: Smithsonian Institution/Science Photo Library

Người ta cho rằng, nguyên nhân khiến bà Meitner không được trao giải Nobel Hóa học là do tác động của tình trạng trọng nam khinh nữ vốn xảy ra phổ biến vào đầu thế kỷ 20 khiến những cống hiến của bà bị xem nhẹ và gạt khỏi danh sách trao giải.

Margaret Knight

Năm 1868, bà Margaret Knight là người đã phát minh ra một chiếc máy có thể gấp và tạo thành những chiếc túi giấy có đáy hình vuông, phẳng đầu tiên trên thế giới.

Bà Margaret Knight và chiếc máy làm bao giấy đế vuông của mình - Ảnh: ASME
Bà Margaret Knight và chiếc máy làm bao giấy đế vuông của mình - Ảnh: ASME

Thế nhưng, một người đàn ông tên là Charles Annan đã đánh cắp ý tưởng này của bà để nộp hồ sơ xin cấp bằng sáng chế và được chấp nhận.

Bà đã phải trải qua một cuộc chiến pháp lý kéo dài 3 năm để có được quyền công nhận sản phẩm của mình vào năm 1871 bởi thời bấy giờ, nhiều người không tin một phụ nữ có thể tạo ra được một cỗ máy tinh xảo đến vậy.

Hình ảnh bà Margaret Knight trên sản phẩm do mình phát minh ra - Ảnh: Anup Sam Ninan
Hình ảnh bà Margaret Knight trên sản phẩm do mình phát minh ra - Ảnh: Anup Sam Ninan

Ada Lovelace

Ada Lovelace (người Anh) là một trong những phụ nữ đầu tiên có tên trong lịch sử ngành Khoa học máy tính.

Vào giữa những năm 1800, Ada Lovelace đã viết hướng dẫn cho chương trình máy tính đầu tiên trên thế giới.

Thế nhưng nhà toán học Charles Babbage, một người bạn thân trong công việc của bà Ada, mới là người được ghi công bởi trong thời kỳ đó, các quan niệm về nghiên cứu toán học, máy móc hay kỹ thuật được cho là công việc thuộc về đàn ông. Còn phụ nữ chỉ là những người nội trợ, vun vén hạnh phúc cho gia đình.

Bà Ada Lovelace - nữ lập trình viên đầu tiên trên thế giới - Ảnh: pamelahawley
Bà Ada Lovelace - nữ lập trình viên đầu tiên trên thế giới - Ảnh: pamelahawley

Katherine Johnson

Katherine Johnson là một nhà toán học người Mỹ gốc Phi. Khi đang làm việc cho NASA, bà đã đề xuất các kết quả tính toán trong cơ học quỹ đạo góp phần quyết định đến sự thành công của chuyến bay đầu tiên có người lái vào không gian cũng như các lần tiếp theo của NASA.

Năm 1961, bà Katherine đã phát hiện ra quỹ đạo đưa tàu vũ trụ Freedom 7 đi vào không gian thành công, và sau đó là sứ mệnh Apollo 11 hạ cánh lên Mặt trăng vào năm 1969. Thế nhưng, bà thường bị các đồng nghiệp nam phủ nhận sự đóng góp của mình vì sự phân biệt chủng tộc.

Bà Katherine Johnson - Ảnh: Getty Images
Bà Katherine Johnson - Ảnh: Getty Images

Caresse Crosby

Trước chiến tranh thế giới lần 1, phụ nữ phải ép mình trong những chiếc áo nịt ngực siết eo (corset) gò bò, chật chội và khó thở.

Scarlett O’Hara trong Cuốn theo chiều gió (Vivien Leigh thủ vai) nổi tiếng vì vòng eo con kiến thắt chặt bởi áo corset - Ảnh: Bazaar Vietnam
Cô Scarlett O’Hara trong Cuốn theo chiều gió (Vivien Leigh thủ vai) đang mặc áo corset để đi dự tiệc - Ảnh: Bazaar Vietnam

Cô gái trẻ Caresse Crosby người Mỹ cũng là người cảm thấy mệt mỏi và khó chịu với việc mặc áo nịt ngực mà cô cho là “không khác gì chiếc áo giáp”.

Năm 1910, trước ngày sẽ tham dự buổi dạ tiệc mừng tuổi trưởng thành, Caresse Crosby đã đề nghị người hầu gái lấy cho mình hai chiếc khăn tay và một vài sợi dây ruy-băng màu hồng để khâu chúng thành một chiếc áo ngực đơn giản hơn để mặc.

Nhận thấy nhiều cô gái trẻ khác cũng yêu thích mẫu "áo lót không lưng" này, năm 1914, bà Caresse đã đăng ký bằng sáng chế cho chiếc áo bra của mình. Sau một thời gian kinh doanh mẫu áo này nhưng không thành công, bà đã bán bằng sáng chế của mình cho Công ty áo ngực Warner Brothers của Mỹ với giá 1.500USD và tên tuổi của bà cũng bị lãng quên dần sau đó.

Bà Caresse Crosby và mẫu áo ngực đầu tiên của mình - Ảnh: Onedio
Bà Caresse Crosby và mẫu áo ngực đầu tiên của mình - Ảnh: Onedio

Marion Donovan

Bằng sáng chế đầu tiên của bà Marion Donovan là vỏ bọc tã lót khi bà cảm thấy quá mệt mỏi với việc phải liên tục thay, giặt tã và chăn đệm cho trẻ sơ sinh nên vào năm 1948, bà đã phát minh và sản xuất chiếc  “Boater" đầu tiên được làm từ vải rèm bọc ngoài tã vải.

Một năm sau đó, bà đã cải tiến ý tưởng ban đầu của mình bằng cách sử dụng chất liệu thấm nước dùng một lần kết hợp với “Boater” bọc bên ngoài. Phương pháp này giúp giữ cho trẻ em và quần áo sạch sẽ hơn, nhanh khô hơn khi sấy đồng thời giúp giảm phát ban trên trẻ em.

Bà đã nhận bằng sáng chế vào năm 1951 nhưng các công ty sản xuất tã lót cho trẻ em hầu như không hề nhắc đến bà sau đó.

Bà Marion Donovan và phát minh tả lót chống thấm - Ảnh: Diaper Facts
Bà Marion Donovan và phát minh tả lót chống thấm - Ảnh: Diaper Facts

Alice Ball

Alice Ball là một nhà hóa học trẻ tuổi tại Bệnh viện Kalihi ở Hawaii, người được giao nhiệm vụ điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh phong.

Bà đã nghiên cứu phương pháp chữa bệnh bằng cách tiêm trực tiếp dầu chaulmoogra vào mạch máu của bệnh nhân phong.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là bà Alice bị bệnh và qua đời vào năm 1916. Ông Arthur Dean tiếp quản công việc nghiên cứu của Alice Ball, nhưng lại không hề nhắc đến bà Alice trong các báo cáo nghiên cứu khiến tên tuổi của bà Alice bị lu mờ dần mãi cho đến khi một tạp chí khoa học quyết định vinh danh bà bằng cách đặt tên bà cho phương pháp điều trị bệnh phong.

Bà Alice Augusta Ball - Ảnh: Wikimedia
Bà Alice Augusta Ball - Ảnh: Wikimedia

Mary Anderson

Bà Mary Anderson nảy ra ý tưởng tạo cần gạt nước cho kính chắn gió lần đầu tiên khi đang lái xe điện trên tuyết vào năm 1902.

Bà đã nhận được bằng sáng chế từ Văn phòng Sáng chế Hoa Kỳ cho Thiết bị Làm sạch Cửa Sổ vào năm 1903 và cố gắng thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp trong việc chế tạo thiết bị này cho ngành công nghiệp ô tô; tuy nhiên, không có ai tiếp nhận cả.  

Vào những năm 50 và 60 khi các công ty sản xuất thiết bị ô tô nhận ra giá trị của việc tạo ra cần gạt nước trên kính xe ô tô thì bằng sáng chế của bà Mary Anderson đã hết hạn. Ngay sau đó, nhà phát minh Robert Kearns đã đệ trình ý tưởng cần gạt nước ô tô và được ghi nhận.

Bà Mary Anderson với phát minh cần gạt nước trên kính xe ô tô - Ảnh: Wipertech
Bà Mary Anderson với phát minh cần gạt nước trên kính xe ô tô - Ảnh: Wipertech

Ada Harris

Bà Ada Harris là người đầu tiên phát minh ra máy duỗi tóc. Thế nhưng, ông Marcel Grateau lại được kể tên như là người đã phát minh ra cách dùng nhiệt để thực hiện việc uốn cong trên tóc thật bằng máy uốn tóc vào năm 1852.

Bà Ada Harris được cho là người phát minh ra máy duỗi tóc - Ảnh: Racked
Bà Ada Harris được cho là người phát minh ra máy duỗi tóc - Ảnh: Racked

 

Theo phunuonline.com.vn