"Hãy gặp nhau ở Gangnam sau giờ làm nhé. Chúng tôi là hai chàng trai ở độ tuổi 30, đều cao hơn 1,78 m và có ngoại hình trung bình. Hãy gửi tin nhắn cho chúng tôi" - một bài đăng trên Blind, ứng dụng cộng đồng ẩn danh dành cho nhân viên văn phòng tại Hàn Quốc ghi. Chủ bài đăng còn đính kèm một đường link tới nhóm chat mở trên ứng dụng KakaoTalk.
Ban đầu được thiết kế như một nền tảng để đánh giá các công ty và chia sẻ thông tin nơi làm việc, Blind yêu cầu người dùng xác minh nơi làm việc hiện tại của họ. Tuy nhiên, khi phát triển thành một cộng đồng rộng lớn dành cho nhân viên văn phòng, ứng dụng này cũng trở thành không gian lý tưởng để gặp gỡ những người mới.
Một số người dùng thậm chí còn đăng tải những bài giới thiệu bản thân chi tiết, liệt kê mọi thứ từ tuổi tác và nghề nghiệp đến đặc điểm ngoại hình với hy vọng gặp được một người đặc biệt, theo Korea JoongAng Daily.
Ở Hàn Quốc, văn hóa mai mối từ lâu đã bị chi phối bởi "sogaeting" - các cuộc gặp gỡ do bạn bè hoặc người quen sắp xếp. Nhưng với sự phát triển của các ứng dụng hẹn hò - nơi đối tượng tiềm năng gần như vô hạn - nhiều người đang có cách tiếp cận chủ động hơn để tìm kiếm tình yêu.
Bùng nổ ứng dụng hẹn hò
Thị trường ứng dụng hẹn hò ở Hàn Quốc không ngừng tăng lên. Theo công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Statista, thị trường ứng dụng hẹn hò xứ củ sâm dự kiến đạt 35 triệu USD vào cuối năm nay và tăng lên 36,4 triệu USD vào năm 2028. Đến thời điểm đó, ước tính sẽ có 5,8 triệu người Hàn Quốc sử dụng ứng dụng hẹn hò.
Một nhân viên văn phòng 31 tuổi họ Kang cho biết: "Trong đại dịch, tôi thử dùng Tinder vì thấy cô đơn. Dù trải nghiệm không quá hoàn hảo nhưng tôi vui vì được gặp gỡ nhiều người mới thông qua ứng dụng".
Các ứng dụng hẹn hò phổ biến tại Hàn Quốc bao gồm Tinder, Glam hay Wippy. Tính đến tháng 3 vừa qua, Tinder có 188.740 người dùng hoạt động hàng tháng chỉ tính riêng tại Hàn Quốc, theo công cụ theo dõi thị trường Mobile Index. Ứng dụng này được ra mắt tại xứ kim chi năm 2018.
Trong khi phần lớn ứng dụng dành cho tất cả mọi người, cũng có những nền tảng phục vụ nhóm riêng biệt hơn. Ví dụ, Goldspoon là ứng dụng cao cấp, nơi nam giới phải chứng minh "khả năng tài chính" của mình bằng cách nộp các tài liệu xác minh rằng họ sở hữu xe sang, làm các công việc danh giá hoặc kiếm được hơn 70 triệu won (52.000 USD) mỗi năm. Phụ nữ chỉ cần gửi ảnh hồ sơ, sau đó được người dùng nam chấp thuận ngẫu nhiên.
|
|
Các lựa chọn sự kiện cho người độc thân trên nền tảng Mod Party, bao gồm từ uống rượu vang, nấu ăn đến các lớp học tiếng Anh. |
Trong khi đó, Sky People là ứng dụng hẹn hò do một sinh viên tốt nghiệp Đại học Quốc gia Seoul tạo ra, nhắm đến những người đàn ông làm việc trong các lĩnh vực chuyên môn ổn định như y khoa và luật pháp, hoặc những người tốt nghiệp các trường đại học hàng đầu.
Người dùng nam sẽ cần phải chờ ứng dụng chấp thuận sau khi gửi bằng chứng về lý lịch của mình, chẳng hạn như bằng tốt nghiệp và danh thiếp. Theo ứng dụng, tổng cộng có khoảng 500.000 người đã sử dụng dịch vụ này.
Từ lớp học nấu ăn đến câu lạc bộ sách
Không thể tìm được bạn trai qua bạn bè giới thiệu, một nhân viên văn phòng 29 tuổi ở Seongsu-dong mới đây đăng ký một lớp học nấu ăn được thiết kế dành riêng cho những người độc thân.
"Cảm giác giống như một lớp học nấu ăn thông thường, nhưng rõ ràng là mọi người ở đây để gặp ai đó. Sau khi học xong cách làm món ăn, các chàng trai thay phiên nhau trò chuyện với các cô gái trong khi chúng tôi ăn món mình đã nấu", cô nói.
Những người tham gia sự kiện này đều có công việc danh giá. Một số làm kỹ sư, kế toán đã gửi trước cho ban tổ chức hồ sơ của mình. Nữ nhân viên văn phòng đã trả 65.000 won (48 USD) để tham dự sự kiện.
"Sau lớp nấu ăn, tôi liên lạc với một anh chàng nhưng cuối cùng không thành đôi. Dù vậy, sự kiện vẫn đáng để thử. Đây là một trải nghiệm mới mẻ và thú vị", cô chia sẻ.
Những người độc thân cũng có thể tìm đến các sự kiện giao lưu tương tự, ví dụ như câu lạc bộ sách và tiệc rượu cho người độc thân trên các nền tảng như Trevari hay Frip. Dù không được thiết kế riêng cho mục đích mai mối, các ứng dụng này vẫn đem đến cơ hội gặp gỡ và giao lưu.
|
|
Nhiều ngôi chùa ở Hàn Quốc cũng bắt tay vào mai mối cho người trẻ. Ảnh:Park Sang Moon. |
Thậm chí, còn có một quán bar sắp xếp các buổi hẹn hò giấu mặt cho khách hàng. Người tham gia có thể đăng ký các buổi hẹn hò theo cặp 2-2 hoặc 3-3. Mọi người sẽ đeo mặt nạ che mắt trong 1 giờ, trò chuyện và tiết lộ tuổi tác, nghiệp của mình sau đó tháo mặt nạ.
Chính quyền địa phương hay các tổ chức tôn giáo cũng đang nỗ lực giúp người trẻ Hàn Quốc tìm người yêu. Năm 2023, chính quyền thành phố Seongnam đã tổ chức năm vòng sự kiện mai mối với 490 người tham gia, tác thành cho 99 cặp đôi. Thành phố đã nhận được hơn 2.500 đơn đăng ký.
Từ năm 2012, các ngôi chùa Phật giáo cũng đã tổ chức các kỳ nghỉ "hẹn hò" tại chùa, nơi những người đàn ông và phụ nữ độc thân dành một đêm để tìm hiểu nhau. Tại sự kiện gần đây nhất, được tổ chức từ ngày 9 đến ngày 10/8, 6 cặp đôi đã nên duyên từ 20 người tham gia.
Ở các trường đại học cũng có sự kiện mai mối. Tại Đại học Quốc gia Chonnam, trong một khóa học được triển khai năm 2023, sinh viên sẽ đi hẹn hò, bao gồm các hoạt động như ngắm hoa anh đào hoặc cùng nhau làm nhẫn. Sinh viên thậm chí còn chia sẻ kinh nghiệm của mình với các bạn cùng lớp. Một số cặp đôi thực sự cũng đã được tạo nên từ các lớp học này.
Trong khi đó, một lớp học tương tự tại Đại học Dongguk hướng đến chia sẻ quan điểm về giới tính, sinh viên được ghép đôi để cùng nhau hoàn thành các "nhiệm vụ" khác nhau, như đi ăn tối hoặc đưa nhau về nhà. Khóa học cũng bao gồm các kỹ năng giao tiếp và cách vượt qua sự chia tay.
Phương pháp truyền thống
Mặc dù có nhiều phương pháp mới để tìm kiếm nửa kia, "sogaeting" (hẹn hò qua giới thiệu) vẫn là một phần không thể thiếu trong văn hóa Hàn Quốc. Từ này kết hợp giữa "sogae", có nghĩa là "giới thiệu" trong tiếng Hàn và "ting" có nghĩa là "gặp gỡ".
Theo một cuộc khảo sát năm 2019 của công ty mai mối Duo, cứ 10 người thì có gần 8 người từng sắp xếp các buổi hẹn mai mối cho bạn mình.
Dù đã cố gắng tìm bạn trai bằng cách tham dự nhiều sự kiện, một nhân viên văn phòng 29 tuổi ở Seongsu-dong cho biết cô vẫn thích đi hẹn hò qua giới thiệu hơn.
"Tôi rất bận rộn với công việc và không thích hẹn hò với người cùng ngành lắm. Đó là lý do tôi nhờ bạn bè mai mối", cô nói. Bên cạnh đó, cô cho rằng vì không thường xuyên ra ngoài tiệc tùng hoặc giao lưu với mọi người trong thời gian rảnh rỗi, nên hẹn hò giấu mặt là lựa chọn tốt nhất cho cô.
|
|
Những người tham gia sự kiện mai mối hàng loạt của chính quyền thành phố Seongnam năm 2023. |
Thông thường, một người bạn hoặc người quen sẽ sắp xếp một buổi hẹn hò giấu mặt, cho cô xem ảnh hoặc một số thông tin về người định giới thiệu. Nếu cô hứng thú, người bạn sẽ liên lạc với đối phương, và nếu anh chàng kia cũng thích, họ sẽ trao đổi thông tin liên lạc. Đó là lúc "sogaeting" bắt đầu.
Sau khi trao đổi thông tin liên lạc, hai bên bắt đầu trò chuyện phiếm qua tin nhắn và quyết định ngày, địa điểm gặp mặt. Theo dịch vụ tư vấn mai mối Gayeon, hầu hết người ở độ tuổi 20 và 30 thích gặp nhau lúc 17h thứ 7, thường là để ăn tối hoặc uống cà phê trong buổi hẹn đầu tiên. Nếu thích buổi hẹn hò đầu tiên, họ sẽ lên kế hoạch cho buổi tiếp theo.
"Sogaeting" không nhất thiết phải là 1-1, đôi khi hai bên có thể rủ thêm đồng nghiệp hoặc bạn bè tạo thành buổi gặp gỡ theo nhóm, gọi là "jikjang".
Nhân viên văn phòng 31 tuổi họ Kang cho biết anh hiếm khi từ chối một buổi hẹn hò qua mai mối do bạn sắp xếp và tích cực tìm kiếm cơ hội để gặp gỡ những người mới.
"Cho dù là thông qua ứng dụng hẹn hò hay người quen giới thiệu, tôi nghĩ điều quan trọng là phải thể hiện được bản thân. Bạn phải tích cực gặp gỡ những người mới nếu muốn tìm được người bạn đời phù hợp với bản thân", anh nói.
Theo lifestyle.znews