Nhiều phụ nữ ở làng Sare Gibel, Gambia (một quốc gia ở Tây Phi) đã nghe nhiều tin đồn trên mạng xã hội rằng vắc xin ngừa COVID-19 có thể làm máu ngừng chảy hoặc dẫn đến sẩy thai. Và những người phụ nữ đã được tiêm vắc xin này sẽ không có thể có thai được nữa.

Những phụ nữ mang thai chờ khám tại một bệnh viện ở Serrekunda, ngoại ô Banjung, Gambia
Những phụ nữ mang thai chờ khám tại một bệnh viện ở Serrekunda, ngoại ô Bandung, Gambia

Lama Mballow, 24 tuổi, và chị dâu của cô, Fatoumata Mballow, 28 tuổi, chưa bao giờ đến thị trấn để tiêm ngừa COVID-19 và cũng không hề có kế hoạch để thực hiện điều này, vì tin vào những tin đồn nói trên, mặc dù thị trấn cách ngôi làng của họ chỉ hơn 5 cây số.

“Tôi cần sinh rất nhiều con”, Lama Mballow, hiện đã có một cậu bé 4 tuổi và đang mang thai một bé khác, giải thích. “Tôi cũng không muốn vắc xin làm cho mình trở nên tồi tệ hơn và phá hủy tử cung của mình”, Fatoumata Mballow, cũng tỏ ra kiên quyết. Tại ngôi làng nơi cả hai đang sinh sống, một số phụ nữ có đến 10 đứa con.

Các quan chức y tế ở Gambia và một số nước khác trên khắp châu Phi hiện đang thúc giục phụ nữ tiêm ngừa COVID-19, nhưng đang phải đối mặt với tình trạng nhiều phụ nữ trong độ tuổi sinh sản từ chối việc này. Nhiều phụ nữ ở đây - nơi vẫn còn quan niệm sự thành công của một cuộc hôn nhân đối với một người phụ nữ phụ thuộc vào số con sinh được - đã lo rằng việc tiêm ngừa sẽ ảnh hưởng đến khả năng mang thai và sinh con của họ trong tương lai. 

Một số phụ nữ khác nói rằng họ thậm chí còn sợ vắc xin hơn cả virus. Và vì thường là những người trụ cột trong gia đình, họ không muốn bỏ lỡ một ngày làm việc nếu gặp các tác dụng phụ như mệt mỏi và sốt xảy ra trong thời gian ngắn sau khi tiêm ngừa.

Nỗi sợ hãi ấy không chỉ xảy ra đối với riêng phụ nữ châu Phi mà còn ở nhiều người dân thuộc châu lục này nói chung. Hiện, chưa đến 4% dân số châu Phi được tiêm ngừa COVID-19 đầy đủ.

 “Điều đáng quan ngại là ngay cả khi vắc xin đã đến được các nước châu Phi sau một thời gian dài bị trì hoãn, thì phụ nữ ở châu lục này vẫn bị bỏ lại phía sau”, bác sĩ Abdahalah Ziraba - một nhà dịch tễ học tại Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe và dân số châu Phi - cho biết.

Một phụ nữ đang xem clip về một phụ nữ cho rằng cô ta trở thành người nam châm sau khi tiêm ngừa COVID-19
Một phụ nữ đang chiếu clip tin giả lan truyền trên mạng xã hội về một phụ nữ cho rằng cô ta trở thành "người nam châm" sau khi tiêm ngừa COVID-19

Theo các chuyên gia, ngoài chậm trễ trong việc tiếp cận vắc xin, sự phát triển mạnh mẽ của các thông tin sai lệch về việc tiêm ngừa, cùng với việc nhiều phụ nữ ở châu Phi vẫn chưa biết chữ và dễ tin vào các tin đồn - trong đó có lập luận cho rằng vắc xin được chế tạo nhằm kiểm soát tỷ lệ sinh ở châu Phi - là những nguyên nhân chính làm cho đối tượng này hiện có tỷ lệ tiêm ngừa thấp nhất thế giới.

Vào một buổi sáng gần đây tại bệnh viện Bundung ở Serrekunda (một khu gần thủ đô của Gambia), khi Giám đốc điều hành bệnh viện - ông Kebba Manneh - hỏi hàng chục bà mẹ tương lai rằng họ đã được tiêm ngừa hay chưa thì chỉ có một người giơ tay. Trong số 100 phụ nữ đến bệnh viện ngày hôm đó, cũng chỉ có 9 người đồng ý được tiêm chủng.

Hiện, chưa có bằng chứng nào cho thấy vắc xin ngừa COVID-19 ảnh hưởng đến khả năng mang thai của phụ nữ. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã theo dõi hàng chục ngàn phụ nữ được tiêm ngừa và không tìm thấy sự khác biệt nào về kết quả mang thai của họ. CDC, Tổ chức Y tế thế giới và các cơ quan khác cũng khuyến cáo phụ nữ mang thai nên tiêm ngừa để tránh nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong.

Gần đây, các quan chức y tế ở các nước châu Phi cũng đã có nhiều nỗ lực để cải thiện tỷ lệ tiêm chủng cho phụ nữ, nhưng tình hình có vẻ vẫn chưa được khả quan. Chẳng hạn, Gambia hiện đã đạt tỉ lệ tiêm ngừa 53% dân số, nhưng con số này ở nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh sản vẫn còn rất thấp. Tương tự, ở Nam Sudan, Gabon và Somalia, phụ nữ chiếm chưa đến 30% những người được tiêm ít nhất một liều trong giai đoạn đầu của các chiến dịch tiêm ngừa.

 “Phụ nữ ở những nước này chỉ lo lắng liệu con cái của họ có bị viêm phổi hoặc sốt rét hay không, nhưng họ không quan tâm nhiều đến COVID-19”, Anger Ater - một y tá hiện đang làm việc cho các chương trình tiêm chủng ở Nam Sudan - chia sẻ.

Theo phunuonline.com.vn