leftcenterrightdel
 

Năm 14 tuổi, Aya bỏ trốn khỏi cha mẹ bạo hành và tìm kiếm một tương lai mới ở Tokyo. Nhưng phải chuyển từ nhà xã hội này đến nhà xã hội khác đến khi tròn 18 tuổi, cô thấy thật cô đơn.

Khi bước ra đời, cô bị nghiện cảm giác ấm áp và sự quan tâm từ những người đàn ông ăn mặc hào nhoáng, giỏi ăn nói trong các câu lạc bộ tiếp viên ở Tokyo. "Khi ấy tôi nghĩ mình không cô độc, rằng những người đàn ông đó đã nhìn nhận tôi dù chỉ trong một khoảnh khắc, và tôi không phải kẻ vô hình", cô nói.

Sự quan tâm đó hóa ra phải đổi bằng một cái giá quá đắt: Ra vào các câu lạc bộ thường xuyên cuối cùng khiến Aya kiệt quệ tiền bạc, phải gánh khoản nợ 5 triệu yen (hơn 34.300 USD). Và cô vẫn khao khát một mối quan hệ thực sự.

Cách đó khoảng 130 km tại Naka, một thành phố có khoảng 50.000 cư dân, Nacchan (24 tuổi) cũng cảm thấy bị cô lập. Sau khi học xong đại học, cô trở về quê hương để nghiên cứu và hỗ trợ tòa thị chính trong việc quy hoạch đô thị. Chỉ có 1-2 tiếng rảnh rỗi mỗi ngày, cô khó lòng duy trì được tình bạn thân thiết với ai.

Cảm giác cô đơn suýt giết chết Aya. "Có một vài tòa nhà ở trung tâm thành phố mà các cô gái làm nghề mại dâm thường nhảy xuống, và mỗi lần đi ngang qua, tôi cứ nghĩ mình muốn leo lên đó và chết", cô nhớ lại.

Aya và Nacchan có vẻ như hai thế giới khác nhau, nhưng cả hai đều là những "con sói đơn độc trong một bầy sói cô đơn" đang ngày càng lớn lên tại xứ sở hoa anh đào. Chương trình Insight của CNA tìm hiểu tại sao lại có xu hướng này và những rủi ro mà "đại dịch cô đơn" gây ra cho Nhật Bản.

Đại dịch cô đơn

Một cuộc khảo sát toàn quốc được tiến hành vào năm 2022 cho thấy 40,3% trong số 20.000 người được hỏi "cảm thấy cô đơn" - tăng 3,9% so với năm 2021, khi các biện pháp giãn cách xã hội của Nhật Bản vẫn được áp dụng.

Sự cô đơn đã nhiều lần khiến Aya nghĩ đến cái chết.

Mặc dù sự cô đơn không phải là chuyện bất ngờ ở một đất nước nổi tiếng với nền văn hóa xã hội biệt lập như Nhật Bản, điều đáng chú ý là những người ở độ tuổi 20 và 30 lại có mức độ cô đơn cao nhất, với số lượng ngày càng tăng lựa chọn cô lập chính mình.

Một lối sống đã bùng nổ ở Nhật là "solo katsu" - thuật ngữ mô tả việc một mình thực hiện các hoạt động vốn được coi là mang tính xã hội như đi ăn uống, xem phim, du lịch...

Trải nghiệm một mình phản ánh cuộc sống được miêu tả trong bài luận nổi tiếng "Solo Katsu Joshi no Susume" (tạm dịch: Lời khuyên của một cô gái độc thân) của Mayumi Asai, tác phẩm đã truyền cảm hứng cho bộ phim truyền hình cùng tên.

Bộ phim làm nổi bật cuộc sống của một nhân viên văn phòng thích làm mọi thứ một mình, như đi ăn một mình, tổ chức tiệc riêng và ở nhà nghỉ tình yêu. Phim đã nhận được sự hâm mộ cuồng nhiệt ở Nhật Bản trong 4 năm phát sóng (2021-2024).

Rất có thể solo katsu đã bùng nổ trong thời kỳ đại dịch, vô tình khuyến khích mọi người thử trải nghiệm các hoạt động một mình. Và khi họ làm vậy, họ có thể "thấy nó thú vị một cách đáng ngạc nhiên", Asai nói.

Nền kinh tế cũng góp phần vào xu hướng này với nhiều sản phẩm và dịch vụ thân thiện với người độc thân hơn trong các lĩnh vực du lịch, nhà ở và tài chính. "Do đó, sống một mình chưa bao giờ dễ dàng đến thế", Ai Sakata, cố vấn tại Viện nghiên cứu Nomura, nhận xét.

Hình thức sống một mình cực đoan nhất được thể hiện ở một nhóm người được gọi là hikikomori (lối sống ẩn dật) - những cá nhân chỉ quanh quẩn trong nhà, tự cô lập mình với xã hội.

Nhật Bản đã phát động đỏ khi nhiều người trẻ chọn lối sống ẩn dật, tách biệt khỏi xã hội. Ảnh: ABC News.

Kyoko Hayashi bắt đầu lối sống hikikomori khi cô 16 tuổi. Từ khi nghỉ học, cô xây dựng vỏ bọc hoàn toàn và trở thành một người khép kín. Cô cho rằng sự rút lui của mình là do các quy tắc khắc nghiệt của trường học và hình phạt mà cô phải nhận.

"Tại sao họ lại dùng đến bạo lực để đàn áp trẻ em trong một ngôi trường được cho là nuôi dưỡng chúng?", Hayashi đặt câu hỏi. Sự bất mãn đó khiến cô đôi lúc tự nhốt mình trong nhà cho đến cuối tuổi 30.

Năm ngoái, một cuộc khảo sát của Bộ giáo dục cho thấy gần 300.000 học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở Nhật Bản đã từ chối đến trường trong ít nhất 30 ngày.

Tamaki Saito, giáo sư khoa tâm thần xã hội và sức khỏe tâm thần tại Đại học Tsukuba, cho biết ước tính khoảng 20% trong số những học sinh này có khả năng trở thành những kẻ ẩn dật trong thời gian dài.

"Các lớp học tiểu học và trung học cơ sở ở Nhật Bản đã trở thành không gian rất áp bức đối với học sinh", ông Saito nói, đồng thời chỉ ra rằng các quy định nghiêm ngặt về màu tóc, độ dài váy và các quy tắc liên quan đến ngoại hình khác có thể tạo ra một môi trường ngột ngạt.

Quy tắc ngầm

Tuy nhiên, sự tự cô lập ở giới trẻ không chỉ do những quy định cứng nhắc của nhà trường.

Theo Hideaki Matsugi, giám đốc Văn phòng Chính sách về Cô đơn và Cô lập của Nhật Bản, một "bước ngoặt" xảy ra khi những người trẻ tốt nghiệp, tự lập và rời xa tình bạn ở trường.

Ngay cả khi họ có bạn bè thì những người bạn tâm giao thân thiết cũng rất hiếm. Ví dụ, khi Misumi (26 tuổi, diễn viên và người mẫu) chia sẻ sự thất vọng của cô về sự cạnh tranh độc hại trong ngành giải trí, bạn bè cô trả lời "Tôi hiểu rồi", và cuộc trò chuyện nhanh chóng kết thúc. Cô nhận ra họ không thể đồng cảm với mình.

Seigo Miyazaki cũng cảm thấy rằng bạn bè ông sẽ không hiểu được những khó khăn của anh, ngay cả khi anh cố gắng giải thích.

Miyazaki đã ngắt kết nối với bạn bè và thấy xấu hổ khi nói chuyện về gia đình của mình.

Mẹ anh mắc căn bệnh nan y, chị gái đi học đại học xa, còn cha bận rộn với công việc nên anh đã chăm sóc mẹ từ năm 15 tuổi. Do trách nhiệm đó, Miyazaki đã hoãn việc học lên cao, cắt đứt liên lạc với những người bạn thời thơ ấu và cả bạn gái khi đó.

"Tôi cảm thấy xấu hổ khi nói chuyện với bạn bè về chuyện gia đình", người đàn ông 34 tuổi cho biết.

Điều này phản ánh một khía cạnh độc đáo của văn hóa Nhật Bản, nơi mọi người có xu hướng sống khép kín.

Mitsunori Ishida, giáo sư xã hội học tại Đại học Waseda, nhận xét rằng những người trẻ tuổi thường có xu hướng tránh giao du với người khác vì sợ những phức tạp có thể xảy đến hoặc gánh nặng phải giải quyết những vấn đề tiềm ẩn.

"Nói chuyện hoặc cùng làm gì đó với người khác bị coi là rủi ro rất lớn", ông nói.

Cách giao tiếp thận trọng thậm chí được áp dụng với người thân trong gia đình. Ví dụ, Misumi kìm nén những suy nghĩ tiêu cực của mình để tránh bị người nhà nhìn nhận theo hướng xấu.

Misumi tận hưởng khi làm mọi thứ một mình.

Tránh làm phiền người khác là một chuẩn mực xã hội ngầm ở Nhật Bản.

Do đó, khi mọi người cảm thấy có thể gây bất tiện, họ thường rút lui khỏi các vòng tròn xã hội, tránh tham gia sâu hơn.

Sống ẩn dật không còn đơn giản trong thời đại truyền thông xã hội và kết nối trực tuyến. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc có nhiều kết nối trên mạng không chuyển thành các mối quan hệ chất lượng.

Theo Matsugi, cơ hội giao lưu trực tiếp bên ngoài cũng giảm đi khi giới trẻ Nhật Bản bước vào lực lượng lao động ngày nay.

Nhật Bản nổi tiếng với giờ làm việc dài, với thời gian tăng ca liên tục. Những người trẻ tuổi phải thích nghi với môi trường làm việc hậu đại dịch, khi làm việc từ xa và không tụ tập xã hội đã được chấp nhận.

Hôn nhân càng không phải là phương thuốc cho sự cô đơn, đặc biệt là đối với phụ nữ. Nhiều phụ nữ Nhật Bản vẫn được kỳ vọng sẽ trở thành bà nội trợ sau khi kết hôn, hạn chế các tương tác xã hội bên ngoài, Saito cho biết.

Đi tìm "thuốc giải" cho sự cô đơn

Điều đáng báo động là cảm giác cô đơn có thể phát triển thành các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng - các chuyên gia sức khỏe tâm thần phân biệt giữa cảm giác cô đơn tạm thời và cô đơn mạn tính, một tình trạng biểu hiện bằng cảm giác cô lập dai dẳng và cảm giác không được thuộc về.

"Nó sẽ làm mất đi lòng tự trọng của một người. Và đó là nỗi cô đơn sẽ giết chết họ", Roseline Yong, phó giáo sư về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Akita, cảnh báo.

Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy so với khó khăn kinh tế hoặc sự cô lập xã hội liên quan đến đại dịch, sự cô đơn có tác động mạnh hơn đến ý định tự tử.

Sự cô đơn cũng có thể tự duy trì và dẫn đến những hành vi hoặc suy nghĩ thúc đẩy cô lập hơn nữa, một chu kỳ mà các nhà tâm lý học gọi là "vòng lặp cô đơn".

Bên cạnh đó, còn có sự kỳ thị đối với việc tìm kiếm sự giúp đỡ các vấn đề tâm thần ở Nhật Bản.

Hai thập kỷ trước, khi Hayashi là một hikikomori, đường dây nóng hỗ trợ không tồn tại và dường như không ai hiểu vấn đề mà cô đang mắc phải. "Vì vậy, tôi không bao giờ nghĩ đến việc tìm kiếm sự giúp đỡ", cô kể.

Naoki Harabe đã chuyển gia đình về quê để thoát khỏi sự cô đơn.

Sau khi Hayashi đi khắp các phòng khám sức khỏe tâm thần ở độ tuổi 20, tình trạng thể chất và tinh thần của cô cuối cùng đã được cải thiện. Cô cũng phát hiện ra các cuộc gặp gỡ được tổ chức cho những người sống ẩn dật và tham gia.

"Cuối cùng tôi cũng gặp được nhiều người có cùng trải nghiệm như mình. Tôi cảm thấy mình không đơn độc", người phụ nữ 57 tuổi nói.

Con đường phục hồi của những hikikomori ở Nhật Bản rất khó khăn, nhưng mọi thứ đang thay đổi. Hayashi là một phần của sự thay đổi này khi giúp lãnh đạo Hikikomori UX Kaigi, một nhóm hỗ trợ nơi họ có thể kết nối và chia sẻ câu chuyện của mình.

Tương tự như vậy, Miyazaki đứng đầu Hiệp hội Người chăm sóc người trẻ, nơi ông ủng hộ người khác bằng cách chia sẻ kinh nghiệm của riêng mình. Các tổ chức phi lợi nhuận này phù hợp với mục tiêu đã nêu của chính phủ là tạo ra một xã hội nơi sự hỗ trợ và cộng đồng dễ dàng tiếp cận.

Vào ngày 1/4, Nhật Bản đã ban hành luật coi "sự cô đơn và cô lập" là vấn đề xã hội, yêu cầu chính quyền địa phương phải thành lập các nhóm hỗ trợ cho những người có nhu cầu.

Một số người thấy cô đơn ở thành phố đã chuyển về quê để tìm thấy sự thân thuộc và tương tác xã hội. Điều này đúng với Naoki Harabe (29 tuổi), người đã chuyển gia đình 4 người của mình trở về quê nhà Yasato sau 6 năm sống ở Tokyo.

Dân thành phố có vẻ kín đáo với anh, khiến anh khó nhờ giúp đỡ. Ngược lại, hàng xóm ở thị trấn nông thôn thì thông cảm hơn, đặc biệt là khi nói đến tiếng ồn mà hai đứa con nhỏ của anh có thể gây ra.

Đối với những người ở lại khu vực đô thị như Aya, cuộc sống có thể dần tươi sáng hơn nhờ sự kiên nhẫn và thái độ tích cực. Cô đã trả hết nợ và tìm thấy cảm giác được thuộc về một tổ chức phi lợi nhuận.

Theo ZNews