"Khi trở lại làm việc, tôi thường xuyên mất ngủ vì e sợ sẽ mang virus về nhà hoặc tái nhiễm bệnh. Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ phải làm việc trên tuyến đầu. Tôi ước đây chỉ là một giấc mơ, khi tỉnh dậy, mọi thứ sẽ trở lại bình thường", Steve chia sẻ. 

Hình ảnh bác sĩ và các y tá mặc đồ bảo hộ trắng toát đã trở thành biểu tượng quen thuộc trong mắt công chúng giữa đại dịch. Tuy nhiên, sự căng thẳng và lo lắng khi điều trị cho các bệnh nhân nghiêm trọng, chứng kiến họ tử vong mà không có ai bên cạnh, là cảm giác chỉ nhân viên y tế chia sẻ cùng nhau. 

Trước cảnh báo về làn sóng lây nhiễm thứ hai, các chuyên gia châu Âu kêu gọi chính phủ hỗ trợ, khắc phục các tác động tâm lý cho bác sĩ tuyến đầu, đặc biệt là tại khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất .  

"Có đủ yếu tố khiến họ đối mặt với nguy cơ sang chấn tâm lý. Họ phải chứng kiến số ca tử vong tăng bất thường. Bệnh nhân qua đời với nhiều lý do khác nhau, trong một bối cảnh phi nhân đạo, đó là không có gia đình bên cạnh", Xavier Noel, chuyên gia tâm lý học lâm sàng tại Brussels, Bỉ, nhận định. 

Đến nay, châu Âu ghi nhận gần 170.000 người chết và hơn 2 triệu ca dương tính. Cuộc chiến chống dịch khiến bác sĩ phải đánh đổi quá nhiều. 

Một bác sĩ tại khu hồi sức tích cực (ICU) trong một bệnh viện Pháp hồi tháng 4. Ảnh: AFP

Các cuộc khảo sát tại Bỉ cho thấy mức độ bất hạnh của các nhân viên y tế tăng 4 lần. Số người muốn bỏ việc cao gấp đôi so với bình thường. Họ cũng là đối tượng tiêu thụ rượu nhiều nhất lúc này. 

Tình hình ở Pháp không khả quan hơn. Một bác sĩ cho biết đã nhận được hơn 70 cuộc gọi mỗi ngày từ các đồng nghiệp làm việc trên tuyến đầu. Họ gặp khủng hoảng khi phải gồng mình chống dịch. Khoảng 7/10 người là phụ nữ, một số thậm chí nghĩ đến việc tự tử. 

Tại Tây Ban Nha, hơn 50.000 nhân viên y tế được xét nghiệm dương tính với nCoV, chiếm đến 22% số ca ở nước này, theo báo cáo của chính phủ. Tâm lý lo lắng bủa vây các bệnh viện. Một nghiên cứu của Đại học Complutense Madrid phát hiện khoảng 1.200 bác sĩ  bị trầm cảm. Số khác có dấu hiệu sang chấn.

"Chúng tôi tin rằng việc điều trị tâm lý cho họ là rất cần thiết, đặc biệt là khi làn sóng thứ hai của dịch bệnh quét qua. Nếu không, bác sĩ sẽ bị tổn hại về mặt cảm xúc, để lại một hệ thống y tế không đủ năng lực giải quyết khủng hoảng", Lourdes Luceno Moreno và Jesus Martin Garcia, đồng tác giả của công trình, khẳng định.

Nhiều nhân viên y tế tại tâm dịch Milan, Italy cũng chịu căng thẳng. Họ thừa nhận thường xuyên cáu kỉnh, mất ngủ và hoảng loạn ban đêm. Chuyên gia tâm lý Serena Barello cho rằng những áp lực vốn có đã trở nên trầm trọng hơn do lượng bệnh nhân tăng đều, điều kiện làm việc khó khăn và thiếu thông tin về virus. 

Quỹ Laura Hyde, tổ chức từ thiện chuyên tư vấn tâm lý cho những người làm việc trên tuyến đầu ở Anh, đã cảnh báo về cuộc khủng hoảng hậu đại dịch sắp xảy ra. 

"Y bác sĩ rất cảm động bởi tình yêu thương nhận được từ công chúng. Nhưng danh hiệu ‘anh hùng’ đôi khi khiến họ áp lực nhiều hơn. Môi trường làm việc khắc nghiệt có tác động rất lớn đến sức khỏe tâm lý của họ. Chúng ta cần tạo điều kiện để họ không phải âm thầm chịu đựng, giúp họ chăm sóc cho bản thân mình như những gì đã làm với người khác", Jennifer Hawkins, giám đốc y tế của tổ chức, cho biết.

Theo vnexpress