leftcenterrightdel
Nhiều lao động trí thức chọn làm việc chân tay. Ảnh minh họa: CNBC 

Xu hướng làm việc chân tay

Ở Mỹ, chán làm việc (Quiet quitting) là thuật ngữ miêu tả hiện tượng nhân viên làm thờ ơ, đối phó, thiếu chủ động và không nhận trách nhiệm. Phần lớn những người chán làm do lương thấp, nhưng không thể nghỉ vì chưa tìm được việc tốt hơn. 

Theo số liệu khảo sát từ hãng nghiên cứu Gallup, 122.000 người lao động từ 15 tuổi trở lên tại hơn 160 quốc gia, trong đó, 59% cho biết đang chán làm việc. Thuật ngữ này xuất phát ở Mỹ đã lan rộng ở nhiều quốc gia. 

Ở Trung Quốc, trào lưu mong bị sa thải để nhận tiền bồi thường và tránh căng thẳng trong công việc đang 'nở rộ'. Nhiều người trẻ bày tỏ mong bị sa thải để giải thoát bản thân khỏi áp lực công việc.

Thậm chí, hashtag "lần đầu trải nghiệm công việc chân tay” đang trở thành trào lưu trên mạng xã hội ở Trung Quốc. Những công việc này bao gồm từ quản lý nhà hàng, nhân viên phục vụ cho đến dọn dẹp - bất cứ việc gì ngoại trừ ngồi trong văn phòng.

Bỏ việc văn phòng lương 40 triệu/tháng, thạc sĩ làm pha chế

Eunice Wang, 25 tuổi, là cử nhân chuyên ngành Kỹ thuật Sinh học. Nỗ lực sau 6 năm, cô mới nhận được bằng thạc sĩ Phân tích Kinh doanh tại Mỹ. Có bằng thạc sĩ, Eunice làm cố vấn chiến lược tại công ty dược phẩm Bắc Kinh (Trung Quốc).

Trái ngược thực tại, sau 3 tháng làm việc ở công ty, Eunice vỡ mộng. “Tôi nghĩ sẽ ở lại 1 năm, nhưng không, tôi thực sự vô vọng", cô nói. Mệt mỏi và áp lực, Eunice quyết định về quê làm nhân viên pha chế.

Xu hướng bỏ việc việc văn phòng chuyển sang lao động chân tay đang trở nên phổ biến. "Không thể phủ nhận sau dịch Covid-19, nhiều thanh niên chật vật tìm việc. Một số người chọn lao động chân tay để trang trải cuộc sống”, trợ lý giáo sư Xã hội học tại Đại học New York Thượng Hải, nói. Tuy nhiên, đối với những lao động trẻ như Eunice được gọi là "tự nguyện rút lui" khỏi nghề.

Cô cho biết, trước đây nghĩ công việc tư vấn văn phòng thú vị, song thực tế khác xa với mong muốn. “Tôi không có thời gian giao tiếp với mọi người vì khối lượng công việc lớn”, cô nói. Cả ngày, Eunice phải soạn thảo các slide, viết báo cáo bằng tiếng Anh.

Đến giờ, Eunice nhận ra bản thân không muốn theo đuổi công việc văn phòng. "Tôi nhìn lại và nhận ra đó là vì bố mẹ bảo tôi chọn. Họ nói, công việc này giúp tôi có tương lai tươi sáng. Song, tôi chưa bao giờ nghĩ về việc liệu công việc có phù hợp với mình không”, cô chia sẻ.

Nhắc về công việc cũ, cô nói quan niệm giờ khác xưa. "Tôi không khuyến khích mọi người bỏ việc để làm điều này. Bố mẹ tôi thuộc tầng lớp trung lưu, nên tôi không quá lo về tài chính", Eunice chia sẻ.

Công việc văn phòng của Eunice trước đây là 12.000 NDT/tháng (39 triệu đồng). Làm nhân viên pha chế mức lương của cô chỉ bằng 1/4 khoảng 10 triệu/tháng.

"Mọi người nghĩ, tôi mất thời gian học thạc sĩ nhưng cuối cùng đi làm pha chế. Định kiến của nhiều người, nếu không học đại học sau này sẽ làm nhân viên quét dọn hoặc bồi bàn. Tuy nhiên, công việc pha chế không đơn giản, nó giúp tôi học hỏi được nhiều kiến thức về cà phê, thậm chí vượt qua nỗi sợ khi giao tiếp”, Eunice nói.

Eunice mong muốn những công việc này được mọi người tôn trọng. "Tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại. Những năm qua, tôi phải cố gắng để phù hợp với khuôn mẫu xã hội. Nhưng giờ đây, tôi không thể trở thành người mà định kiến mong muốn", cô nhấn mạnh.

Cử nhân rửa bát thuê 

Xiao Pi (Singapore) là nhân viên văn phòng, nhiệm vụ hàng ngày chủ yếu xử lý tài liệu, làm biểu mẫu, in giấy tờ. Cô thường xuyên phải tăng ca đến 20h. Tình trạng kéo dài, khiến cơ thể của Xiao Pi cạn kiệt, sức khoẻ giảm sút, hay ốm vặt, mỏi mắt do nhìn màn hình máy tính cả ngày.

Đề xuất tăng lương do khối lượng công việc nhiều, Xiao Pi bị lãnh đạo từ chối. Người này cho rằng, không hoàn thành việc trong giờ hành chính là lỗi nhân viên. "Do em chậm chạp, thiếu nhanh nhạy nên không đúng hạn, vậy tại sao công ty phải trả thêm tiền cho em?”, đại diện công ty nói.

Theo hợp đồng lao động, Xiao Pi làm 8 tiếng/ngày. Thực tế, cô làm đến 11 tiếng/ngày với mức lương mỗi tháng là 2.500 USD Singapore (44 triệu đồng). Thỏa thuận không đi đến hồi kết, Xiao Pi quyết định nghỉ việc chuyển sang lao động chân tay.

Xiao Pi rửa bát thuê ở nhà hàng với mức lương một tháng là 3.100 USD Singapore (55 triệu đồng). "

Mỗi ngày, tôi làm việc khoảng 4 tiếng, từ 18-20h tối là khoảng thời gian bận rộn", Xiao Pi kể.

Ngoài thời gian trên, cô có thể làm việc khác, không làm thêm giờ, được bao ăn miễn phí. Nói về sự lựa chọn, Xiao Pi cảm thấy vui.

Nhiều người bày tỏ sự ngỡ ngàng vì cô từ bỏ công việc bàn giấy, cất bằng đại học để lao động chân tay. Tuy nhiên, theo Xiao Pi, công việc không phân biệt cao-thấp, sang-hèn, chỉ cần là việc không phạm pháp thì đều được trân trọng.

Bỏ việc bàn giấy, cử nhân làm nghề lau dọn ô tô 

Randy Robler (22 tuổi, Mỹ) quyết định từ bỏ công việc bàn giấy để tập trung kinh doanh. Tháng 1/2022, anh bỏ việc kế toán với mức lương 20 USD/giờ (483.000 đồng). Nghỉ việc, Randy nảy ra ý tưởng làm nghề phục vụ lau dọn ô tô. 

Công việc bắt đầu từ 7h30 và kết thúc khi chiều muộn, mỗi ngày anh lau dọn ô tô cho 3-4 khách. Sau 12 tháng, công việc này mang đến cho Randy 51.000 USD (1,2 tỷ đồng). Anh dự tính hết năm 2023, doanh thu sẽ đạt mức 77.000 USD (1,8 tỷ đồng), trong đó 18.000 USD (434 triệu đồng) đến từ YouTube.

leftcenterrightdel
Randy Robler, 22 tuổi, bỏ việc bàn giấy chuyển sang lao động chân tay. Ảnh: CNBC 

Ngoài kinh doanh, anh còn là nhà sáng tạo nội dung. Trên YouTube, một số video có chủ đề như: Làm thế nào để bắt đầu kinh doanh sửa chữa ô tô chỉ với 500 USD (12 triệu đồng); Bằng cách nào tôi kiếm được 700 USD (16 triệu đồng) trong 5 giờ, thu hút nhiều lượt xem.

Để thúc đẩy việc kinh doanh phát triển, Randy còn tự quảng cáo trên Instagram, Facebook và Google Business. Trong những tháng đầu, khoảng 25% khách hàng của anh là bạn bè và người thân, 75% còn lại biết đến Randy thông qua mạng xã hội. Hiện tại, để điều hành tốt công việc kinh doanh anh vẫn chăm chỉ tích lũy thêm kiến thức. 

Theo vietnamnet