leftcenterrightdel
 Tình trạng số lượng cá ở các biển, đại dương sụt giảm nhanh đang ảnh hưởng lớn đến sinh kế của các ngư dân đánh bắt nhỏ lẻ. Ảnh chụp tại Sierra Leone - Ảnh: Unsplash 

Tình trạng khẩn cấp về đại dương

Phát biểu khai mạc hội nghị đại dương của Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngày 27/6 ở Lisbon, Bồ Đào Nha - với sự tham dự của các nhà lãnh đạo và nguyên thủ từ 20 quốc gia - ông António Guterres nói: “Đáng buồn thay, hôm nay con người phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp về đại dương. Chúng ta phải đảo ngược cuộc khủng hoảng này”. 

Vào tháng Ba, các quốc gia thành viên LHQ đã bị các nhà khoa học và nhà môi trường chỉ trích vì không thống nhất được kế hoạch chi tiết, bảo vệ các vùng biển trước nạn bị khai thác quá mức và tình trạng ấm lên toàn cầu. Trong số 64% diện tích biển nằm ngoài các giới hạn lãnh thổ quốc gia, chỉ 1,2% hiện được bảo vệ. 

Theo báo cáo khí hậu toàn cầu của Tổ chức Khí tượng Thế giới, mực nước biển dâng, đại dương nóng lên, a-xít hóa đại dương và nồng độ khí nhà kính đều đạt mức kỷ lục vào năm 2021. Các quốc gia ở địa hình thấp, các thành phố ven biển phải đối mặt với lũ lụt nhiều hơn. Ô nhiễm biển ngày càng gia tăng dẫn đến các loài sinh vật biển suy giảm, bao gồm cả cá mập và cá đuối, với số lượng quần thể thu hẹp hơn 70% trong 50 năm qua. Gần 80% lượng nước thải trên thế giới đổ xuống biển mà không được xử lý đầy đủ, có ít nhất 8 triệu tấn nhựa bị thải vào đại dương mỗi năm.

“Nếu không có hành động quyết liệt, nhựa có thể còn nhiều hơn tất cả các loài cá trong đại dương vào năm 2050”, ông Guterres cảnh báo.

Tác động xấu đến sức khỏe và cuộc sống của con người

Đại dương và bờ biển ảnh hưởng đến tất cả mọi người, ngay cả với những người không sống gần bờ biển. Thông qua ngành công nghiệp đánh cá, du lịch, giải trí và vận tải biển, các vùng nước ven biển và biển giúp tạo ra hàng triệu việc làm. Đại dương và bờ biển trong lành cung cấp những nguồn lực mà chúng ta cần hằng ngày, từ thực phẩm đến thuốc men. Tuy nhiên, mục tiêu bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương để phát triển lại đang nhận được tài trợ ít nhất trong tất cả các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ. Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta - đồng Chủ tịch hội nghị đại dương của LHQ - nói với các đại biểu: “Quản lý kém đã làm giảm khả năng tự phục hồi của đại dương”. 

Theo một nghiên cứu từ Đại học British Columbia (Canada), 82% loài cá đang có số lượng thấp hơn mức cần thiết để có thể “tạo ra sản lượng bền vững tối đa”. Tình trạng biển nóng lên và ô nhiễm do con người gây ra đã phá hủy các rạn san hô và các bãi sinh sản dưới nước, vốn rất cần thiết cho sự tồn tại của nhiều loài sinh vật biển.

Chẳng hạn, động vật có vỏ chậm phát triển do nước bị ion hóa và có tính a-xít vì nồng độ CO2 quá cao, đi kèm ô nhiễm do những hoạt động ven biển của con người. Cá ngừ và cá mú không thể phát triển và sinh sản đúng cách vì nước ấm làm suy giảm hoạt động của một số loại enzym quan trọng ở chúng. 

Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Science vào năm 2019, năng suất thủy sản tại nhiều khu vực đã giảm 15-35% trong vòng 80 năm. Các doanh nghiệp và cộng đồng đánh cá nhỏ hơn sa sút, mất kế sinh nhai trước những hoạt động thương mại lớn, vốn thường mang tính hủy diệt. Ví dụ điển hình là các tàu kéo lưới hoặc lồng dọc theo đáy đại dương, phá hủy môi trường sống và gây ra thiệt hại lớn cho các hệ sinh thái và quần thể cá.

Tại hội nghị, ông Guterres đã nêu ra bốn khuyến nghị để có thể cải thiện tình trạng khẩn cấp về đại dương. Đầu tiên là việc quản lý bền vững hướng đến mục tiêu để đại dương giúp tạo ra lượng thực phẩm nhiều gấp sáu lần, năng lượng tái tạo gấp 40 lần so với hiện tại.

Thứ hai là có biện pháp giảm ô nhiễm môi trường biển về mọi mặt, cả từ đất liền.

Thứ ba là bảo vệ các đại dương và con người ở các vùng ven biển khỏi tác động của khủng hoảng khí hậu.

Và cuối cùng, ông nhấn mạnh sự cần thiết phải có thêm những thành tựu khoa học và đổi mới từ cả khu vực tư nhân và chính phủ trong việc phục hồi “sức khỏe” cho đại dương. 

Năm 2100, mực nước biển có thể cao hơn hiện nay 1,1 mét

Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) dự báo vào năm 2100, mực nước biển có thể cao hơn hiện nay 1,1 mét và hiện gần như không có chương trình nào đủ sức ngăn chặn các tác động gần và trung hạn của hiện tượng này. Gần một tỷ người sẽ phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt lớn hơn nhiều vào giữa thế kỷ XXI, với những điểm nóng nổi bật nằm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong vài năm tới, Indonesia sẽ bắt đầu chuyển thủ đô của mình từ đảo Java đến đảo Kalimantan. Một trong những lý do lớn nhất là dự kiến đến năm 2050, 1/3 diện tích thành phố Jakarta sẽ chìm dưới nước. Tình trạng này cũng đe dọa nhiều thành phố khác như Manila ở Philippines, Tampa ở Florida (Mỹ), Alexandria ở Ai Cập...

 

Theo phunuonline.com.vn