Cuộc đua đã đến vòng chung kết

Thế hệ vắc xin COVID-19 hiện tại tập trung vào việc tạo ra các kháng thể để vô hiệu hóa protein gai bám đột biến mà virus sử dụng để xâm nhập vào tế bào người. Đối với các phương pháp điều trị kháng virus, các nhà khoa học phải xác định cách ngăn chặn virus tái tạo. Một trong những thách thức là thuốc kháng virus cần có khả năng bắt kịp với sự phát triển của virus.

Nicholas Kartsonis - Phó chủ tịch cấp cao của Nghiên cứu lâm sàng về các bệnh truyền nhiễm tại Công ty Dược phẩm Merck (Mỹ) - cho biết: “Thuốc kháng virus không dễ bị ảnh hưởng bởi các dạng biến thể có sự thay đổi protein đột biến”. Điều đó nghĩa là virus không thể trốn tránh thuốc kháng virus theo cách mà nó vẫn làm với virus. Các lựa chọn điều trị hiện tại bao gồm kết hợp thuốc kháng virus remdesivir của Gilead Sciences Inc và dexamethasone steroid, cả hai đều được sử dụng khi bệnh nhân đã nhập viện.

Dữ liệu ban đầu cho thấy thuốc viên Molnupiravir có thể giảm một nửa nguy cơ tử vong hoặc nhập viện đối với những ca COVID-19 dễ chuyển nặng nhất - ẢNH: MERCK/REUTERS
Dữ liệu ban đầu cho thấy thuốc viên Molnupiravir có thể giảm một nửa nguy cơ tử vong hoặc nhập viện đối với những ca COVID-19 dễ chuyển nặng nhất - Ảnh: MERCK/REUTERS
 

Theo dữ liệu công bố ngày 1/10, loại thuốc viên kháng virus mới của Merck gọi là molnupiravir có thể giảm một nửa nguy cơ tử vong hoặc nhập viện đối với những người có nguy cơ mắc bệnh trầm trọng nhất. Thuốc được dùng dưới dạng uống trong vòng năm ngày kể từ khi các triệu chứng COVID-19 xuất hiện, với liều uống hai lần/ngày.

Merck cũng đã bắt đầu thử nghiệm molnupiravir theo diện hộ gia đình ở những người không nhiễm COVID-19 nhưng sống chung với người mắc bệnh. Các tác dụng phụ dường như có thể chấp nhận được nhưng các cơ quan giám sát sẽ cần thêm thông tin trước khi họ đồng ý phê duyệt. Nếu được cấp phép, molnupiravir, hoạt động bằng cách chèn các đoạn lỗi vào mã di truyền của virus, sẽ là thuốc kháng virus đường uống đầu tiên chống lại COVID-19.

Trong khi đó, Tập đoàn Dược phẩm Pfizer của Mỹ cũng đang tiến hành các thử nghiệm giai đoạn cuối đối với viên thuốc kháng virus của mình. Công ty đang nghiên cứu hai loại thuốc kháng virus , một loại thuốc viên có thể uống tại nhà và một loại truyền tĩnh mạch cho những bệnh nhân mắc bệnh nghiêm trọng. 

Một phương pháp sử dụng interferon dạng hít đang được nghiên cứu bởi Công ty Synairgen (Anh) cũng cho thấy tiềm năng điều trị COVID-19. Ngoài ra, các công ty công nghệ sinh học Enanta Pharmaceuticals và Pardes Biosciences (Mỹ), Shionogi (Nhật Bản) và Novartis (Thụy Sĩ) cũng cho biết, họ đang phát triển các loại thuốc uống, thuốc kháng virus đặc hiệu cho COVID-19. Dù vậy, số công ty này đi sau đáng kể so với các đối thủ.

Nỗi lo về giá thành, bản quyền và đầu cơ

Vào tháng 6, Mỹ công bố kế hoạch đầu tư 3 tỷ USD vào việc phát triển thuốc kháng virus, với mục tiêu tạo ra thế hệ tiếp theo của phương pháp điều trị COVID-19. Kinh phí này giúp đẩy nhanh các thử nghiệm lâm sàng và thành lập một trung tâm khám phá thuốc kháng virus mới để phát triển các phương pháp điều trị nhằm “chuẩn bị tốt hơn cho quốc gia đối với các mối đe dọa do virus trong tương lai”.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng ký thỏa thuận trị giá 1,2 tỷ USD với Merck để mua 1,7 triệu liệu trình molnupiravir nếu sản phẩm nhận được sự chấp thuận của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA). Vào tháng 4, Thủ tướng Anh Boris Johnson thành lập một lực lượng đặc biệt về thuốc kháng virus, cho thấy chính phủ thực sự quan tâm về phương pháp điều trị mới. Động thái này của các nước giàu không khỏi khiến thế giới lo ngại về một tình trạng thu mua số lượng lớn dẫn đến thiếu hụt nguồn cung như những gì đã diễn ra với vắc xin trước đây.

Bên cạnh đó, chi phí là một vấn đề với các loại thuốc kháng virus hoàn toàn mới. Sau khi thêm hỗn hợp thuốc kháng thể Regeneron - casirivimab và imdevimab - vào danh sách các phương pháp điều trị COVID-19 hồi tháng 9, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thúc giục nhà sản xuất giảm giá và đảm bảo phân phối công bằng. Hiện tại, Merck hứa sẽ định giá thuốc một cách công bằng ở các thị trường có thu nhập thấp hơn. 

Cuối cùng, không chỉ virus mà cả các rào cản về sở hữu trí tuệ cũng có thể là trở ngại của cuộc chiến chống đại dịch. Nhìn chung, thử nghiệm cuối cùng cho thấy một loại thuốc an toàn và hiệu quả - thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 - có chi phí trung bình khoảng 19 triệu USD.

Giả sử loại thuốc kháng virus mới mà một nhóm nghiên cứu tìm thấy có hiệu quả tốt, họ khó có thể tiến hành các thử nghiệm lâm sàng cần thiết và tốn kém nếu không có bằng sáng chế. Bởi vì, các công ty dược phẩm và các nhà đầu tư là doanh nghiệp cần sở hữu hợp pháp các quyền đối với thuốc để có thể hoàn vốn đầu tư vào các thử nghiệm lâm sàng với rủi ro cao trước quá trình phê duyệt cũng như tiếp thị. Do đó, thế giới vẫn cần một phương pháp điều trị hiệu quả, giá thành thấp và không bị chi phối bởi bản quyền hay các đơn đặt hàng giới hạn. 

Theo phunuonline.com.vn