TikTok và những con số ấn tượng

Ra mắt vào năm 2017 với tư cách là phiên bản quốc tế của mạng xã hội Douyin do Trung Quốc phát triển, TikTok đã trở nên phổ biến vào năm 2020 trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, đạt đỉnh điểm với khoảng 313,5 triệu lượt tải và cài đặt chỉ trong quý đầu tiên. Năm 2023, TikTok có khoảng 1,9 tỉ người dùng trên toàn thế giới.

leftcenterrightdel
 TikTok là một trong những nền tảng mạng xã hội có số người dùng nhiều nhất thế giới

Tính đến tháng 6/2024, TikTok có tổng cộng khoảng 2,05 tỉ người dùng, trong đó hơn 1 tỉ người dùng hoạt động thường xuyên hàng tháng. Nền tảng mạng xã hội này được dự báo sẽ đạt khoảng 2,35 tỉ người dùng vào năm 2029, chỉ xếp sau Facebook, và vượt xa các nền tảng khác như WeChat, Instagram, Twitter, Reddit và YouTube.

Thống kê mới nhất được thực hiện tháng 4/2024 cho thấy, có 1,58 tỉ người dùng TikTok từ 18 tuổi trở lên, trong đó, “dân số TikTok” thuộc độ tuổi từ 18 đến 34 là 1,1 tỉ người, chiếm hơn 90% tổng số người dùng.

Đáng chú ý, trong số 5 quốc gia có số người dùng TikTok nhiều nhất có sự hiện diện của Việt Nam. Cụ thể:

  1. Indonesia: 127.5 triệu người dùng

  2. Mỹ: 121.52 triệu người dùng

  3. Brazil: 101.8 triệu người dùng

  4. Mexico: 77.93 triệu người dùng

  5. Vietnam: 69.67 triệu người dùng

TikTok - "Viên kẹo bọc đường" với phụ nữ

leftcenterrightdel
 Clip ngắn - đặc sản của TikTok khiến người dùng mê mệt

Một trong những bí quyết giúp TikTok thành công và chiếm được sự yêu thích của người dùng chính là các video ngắn, tập trung nhấn mạnh vào phần nội dung thu hút sự quan tâm của người dùng nhất.

Các clip với độ dài chỉ 15 giây tưởng như ngắn, nhưng lại chính là “chất men” kích thích người dùng tiêu thụ nhiều nội dung hơn một cách nhanh chóng, đặc biệt khi có sự trợ giúp của trí tuệ nhận tạo (AI).

Mặc dù chiếm được sự quan tâm gần như tuyệt đối của người dùng, các video ngắn trên TikTok hiện đang bị “chỉ mặt đặt tên” như là một trong những tác nhân gây nên hiện tượng “ảo tưởng ngoại hình” đối với người dùng là phụ nữ.

leftcenterrightdel
 Những video ngắn có nội dung về sức khỏe và làm đẹp luôn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của người dùng là phụ nữ

Theo các chuyên gia xã hội, hiện nay, người dùng có thể tìm thấy nhiều nội dung khác nhau của mọi khía cạnh cuộc sống trên TikTok, từ mẹo trang điểm, xu hướng thời trang, bài tập thể thao cho đến các video hướng dẫn nấu ăn... Trong đó, chủ đề về sức khỏe vẫn là một trong những lĩnh vực chính thu hút sự chú ý của người dùng. 

Tuy nhiên, một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Charles Sturt (Úc) công bố trên tạp chí PLOS ONE mới đây đã cảnh báo về tác động tiềm tàng của những nội dung này trên TikTok đối với sức khỏe tinh thần, đặc biệt liên quan đến sự bất mãn với hình ảnh cơ thể và chứng rối loạn ăn uống cho nhóm đối tượng phụ nữ trẻ.

Nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn 273 phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 28 có sử dụng TikTok, đánh giá các triệu chứng rối loạn ăn uống, sự hài lòng về cơ thể, quan điểm về các tiêu chuẩn sắc đẹp của xã hội và các nguy cơ về sức khỏe tinh thần khác.

Kết quả cho thấy, hơn 1/2 số người dùng đã xem ít nhất 8 phút các clip trên TikTok có nội dung về tình trạng chán ăn, mẹo giúp giảm cân, công thức nấu ăn hoặc tập luyện thể thao.

leftcenterrightdel
 Tình trạng mặc cảm về ngoại hình và rối loạn ăn uống là những hệ lụy phổ biến mà TikTok gây ra cho người dùng

“Việc tiếp xúc với những nội dung như vậy trên TikTok dưới 10 phút có thể mang lại tác động ngay lập tức đến hình ảnh cơ thể và nội tâm hóa lý tưởng sắc đẹp theo hướng tiêu cực”, nhóm tác giả nghiên cứu lưu ý, và cho biết thêm, cần có các quy định và sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn đối với các nội dung liên quan đến chủ đề sức khỏe trên TikTok.

Nghiên cứu cũng khuyến nghị cần cấm hoặc hạn chế truy cập vào những nội dung có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của phụ nữ trẻ, là nhóm người dùng chiếm số đông với 40% phụ nữ sử dụng TikTok so với 25% là nam giới.

Theo phụ nữ TPHCM