Một số lượng kỷ lục sinh viên tốt nghiệp đại học trong năm 2024 tại Trung Quốc đang săn lùng việc làm trong một thị trường lao động bị suy thoái từ thời đại dịch COVID-19, giữa các biện pháp siết chặt quản lý đối với lĩnh vực tài chính, công nghệ và giáo dục của đất nước.

Tỷ lệ thất nghiệp của khoảng 100 triệu thanh niên Trung Quốc trong độ tuổi 16-24 đã tăng lên trên 20% lần đầu tiên vào tháng 4/2023 và đạt mức cao nhất mọi thời đại là 21,3% vào tháng 6/2023. Ngay sau đó, các quan chức đã đột ngột đình chỉ công bố dữ liệu nhằm đánh giá lại cách biên soạn số liệu.

leftcenterrightdel
 Cao đẳng nghề Tài chính và Kinh tế Giang Tô tổ chức hội chợ việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp, tỉnh Giang Tô, ngày 1/6/2024 - Ảnh: CFP

1 năm sau, tình trạng thất nghiệp của thanh niên vẫn là vấn đề đau đầu, với tỷ lệ thất nghiệp được tái cấu trúc tăng vọt lên mức cao nhất năm 2024 là 17,1% vào tháng 7, khi 11,79 triệu sinh viên đại học tốt nghiệp vào mùa hè này, trong một nền kinh tế vẫn đang chịu sức ép từ cuộc khủng hoảng bất động sản.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh rằng tăng trưởng việc làm cho những người trẻ tuổi vẫn là ưu tiên hàng đầu. Chính phủ kêu gọi nhiều kênh hơn để thanh niên tiếp cận với các nhà tuyển dụng tiềm năng, chẳng hạn như hội chợ việc làm, và đã đưa ra các chính sách kinh doanh hỗ trợ nhằm giúp thúc đẩy việc tuyển dụng.

"Đối với nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học Trung Quốc, triển vọng việc làm tốt hơn, sự thăng tiến trong xã hội, triển vọng cuộc sống tươi sáng hơn - tất cả những điều từng được hứa hẹn bởi một tấm bằng đại học - ngày càng trở nên khó nắm bắt" - Yun Zhou, Ghó giáo sư xã hội học tại Đại học Michigan (Mỹ) nhận xét.

Một số thanh niên thất nghiệp đã quay về quê hương và trở thành "những đứa con toàn thời gian", sống dựa vào tiền lương hưu và tiền tiết kiệm của cha mẹ.

Ngay cả những người có bằng sau đại học cũng không thoát khỏi tình cảnh này. Sau nhiều năm leo lên nấc thang học thuật cực kỳ cạnh tranh của Trung Quốc, "những đứa trẻ không tiền đồ" phát hiện ra rằng trình độ của họ không phù hợp để đảm bảo việc làm trong nền kinh tế ảm đạm.

Vì các lựa chọn bị hạn chế, họ phải cắt giảm kỳ vọng về những công việc được trả lương cao hoặc tìm bất kỳ công việc nào để trang trải cuộc sống. Zephyr Cao đã lấy bằng thạc sĩ từ Đại học Ngoại giao Trung Quốc danh tiếng ở Bắc Kinh vào năm 2023.

Hiện 27 tuổi và trở về quê nhà Hà Bắc, Cao ngừng tìm kiếm công việc toàn thời gian sau khi mức lương thấp hơn mong đợi khiến anh nghi ngờ giá trị của việc học.

Anh Cao chua xót: "Nếu tôi làm việc trong 3 hoặc 4 năm sau khi học đại học, mức lương của tôi có lẽ sẽ tương đương với mức lương hiện tại của tôi khi có bằng thạc sĩ".

Cao cho biết anh đang cân nhắc theo đuổi chương trình tiến sĩ với hy vọng mức thu nhập sẽ cải thiện sau vài năm nữa.

Amada Chen, một sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Y khoa Trung Quốc tại Hồ Bắc, đã nghỉ việc tại một doanh nghiệp nhà nước vào giữa tháng 8, chỉ sau 1 tháng sau khi nhận việc.

Giải thích về quyết định, cô đổ lỗi cho văn hóa làm việc độc hại và kỳ vọng không thực tế của ông chủ. Trong 15 ngày đầu tiên của thời gian thử việc, cô cũng chỉ nhận được 60 nhân dân tệ (8,40 USD) mỗi ngày mặc dù phải làm việc 12 giờ mỗi ngày.

Amanda bộc bạch: "Tôi khóc mỗi ngày trong một tuần". Bản thân cô muốn trở thành một thanh tra chất lượng hoặc một nhà nghiên cứu, những công việc mà cô nghĩ sẽ phù hợp với kỹ năng của mình với tư cách là một chuyên gia y học cổ truyền Trung Quốc.

Nhưng sau hơn 130 lá thư xin việc, cô chỉ nhận được lời mời tuyển dụng từ các vị trí liên quan đến bán hàng hoặc thương mại điện tử. Amanda cho biết, cô đang xem xét lại hoàn toàn con đường sự nghiệp của mình và có thể chuyển sang nghề người mẫu để sinh tồn.

Theo phụ nữ TPHCM