TS. Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch, nêu vấn đề tại Hội thảo "Mở visa, phục hồi du lịch" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 10.3.
Tăng lên 30 - 45 ngày và cho xuất nhập cảnh nhiều lần
Bàn về câu chuyện nới visa, TS Lương Hoài Nam cho rằng, đây là câu chuyện dài, được nói nhiều, nhưng vấn đề Báo Thanh Niên đặt ra hôm nay lại khác, trong bối cảnh khác. Đó là 2 ngành du lịch và hàng không Việt Nam đang hết sức khó khăn sau đại dịch, mà nguyên nhân trực tiếp là do thị trường du lịch quốc tế có sự phục hồi quá thấp so với trước Covid-19. Ông đặt vấn đề: "Chúng ta có thể làm mọi thứ để thay đổi cho ngành du lịch. Vì sao? Vì chúng ta không có đường lùi nữa. Bức tranh du lịch trầm lắng và phải có giải pháp để thay đổi".
Ông Nam dẫn chứng: Năm 2022, khách du lịch quốc tế vào Việt Nam bằng 1/5 so với năm 2019. Trước đại dịch, Việt Nam đón khách du lịch quốc tế chỉ bằng 1/5 của Thái Lan. Đó là một sự so sánh đáng buồn khi chúng ta có nhiều tiềm năng, lợi thế du lịch rất lớn. Đặc biệt là nguồn di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử phong phú. Thế nhưng, năm qua, khách quốc tế vào Việt Nam lại tụt xuống chỉ còn bằng 1/3 so với Thái Lan. Năm nay, nếu không cẩn thận, có nguy cơ còn tụt sâu hơn nữa.
"Thực tế trên buộc chúng ta phải lo lắng chứ không còn chỉ là thất vọng. Nếu cứ đi lùi thì ngành hàng không và du lịch Việt Nam rất nguy hiểm. Bởi sức khỏe tài chính của doanh nghiệp 'sầu' lắm. Hàng ngàn doanh nghiệp du lịch, khách sạn, điểm tham quan, vui chơi giải trí vắng khách du lịch quốc tế, lâm vào thua lỗ nặng nề, nợ nần chồng chất, cắt giảm lao động. Nhiều khách sạn được chào bán để trả nợ ngân hàng", TS Nam thông tin.
Tương tự, tất cả các hãng hàng không nước ta đều đang "ngập ngụa trong lỗ, nợ". Cụ thể, Vietnam Airlines bị lỗ lũy kế hơn 34.000 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 10.000 tỉ đồng, có nguy cơ bị hủy niêm yết. Công ty con Pacific Airlines lỗ lũy kế hơn 10.000 tỉ đồng, gấp 3 lần vốn chủ sở hữu. Bamboo Airways mới hoạt động chưa lâu đã gặp đại dịch Covid-19, không còn những thông tin đẹp đẽ như lâu nay, vừa rồi công bố lỗ lũy kế hơn 16.000 tỉ đồng. Rồi Vietjet Air sau hơn 10 năm công bố lãi cũng đã lỗ 2.170 tỉ đồng trong 2022. Ngay anh Nguyễn Quốc Kỳ (Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation) là "người hùng" làm hàng không trong thời Covid-19 cũng cho biết sau đại dịch, hãng hàng không non trẻ nhất này "như con chim không còn cọng lông nào".
"Cá nhân tôi không bao giờ nói rằng, chính sách visa là nguyên nhân gây ra những khó khăn mà các doanh nghiệp du lịch, hàng không Việt Nam đã và đang mắc phải. Tuy nhiên, nếu cởi mở chính sách visa song song quảng bá du lịch là thúc đẩy phát triển kinh tế, giúp doanh nghiệp du lịch, đặc biệt mang thêm ngoại tệ vào đất nước", ông Lương Hoài Nam chia sẻ.
"Giải cứu du lịch quốc tế không chỉ là cứu các doanh nghiệp du lịch, hàng không, các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng sơ cấp và thứ cấp, mà còn mang lại nhiều cơ hội bán hàng và tăng thu nhập cho người nghèo bán rong, vắng khách tại các thành phố du lịch, cuộc sống họ khó khăn hơn nhiều. Mỗi khách quốc tế vào, cơ hội bán thêm món quà của em bé bán hàng rong trên Sa Pa tăng, cơ hội cho người nghèo thoát nghèo cũng từ đây", ông Nam bổ sung.
Sớm "xóa sổ" vấn nạn dịch vụ visa
Từ đó, TS Lương Hoài Nam kiến nghị: Cần tăng số nước miễn visa đơn phương, Thái Lan đang miễn visa cho 68 quốc gia, Việt Nam có thể mở ngang Thái Lan, nâng thời gian lưu trú từ 15 ngày lên 30 - 45 ngày. Đặc biệt, cho du khách vào ra nhiều lần. Hiện khách ở tại Việt Nam, qua Singapore quay lại không được, vậy họ đi luôn. Nếu không có chính sách này, sân bay Long Thành trong tương lai khó thực hiện việc trung chuyển. Hay toàn bộ khách từ các nước thành viên EU miễn hết visa cho họ. Đây là đối tượng khách an toàn, văn minh thân thiện. Kéo dài thời hạn các chương trình miễn thị thực đơn phương lên 5 năm để doanh nghiệp yên tâm tiếp thị, xây dựng sản phẩm, giới thiệu, phát triển…"- ông Nam đề xuất.
Với khách từ thị trường Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ (những thị trường du lịch lớn có đường bay thẳng với Việt Nam), nên sớm có thỏa thuận chính sách visa dài hạn song phương với thời hạn 5 - 10 năm, tương tự visa dài hạn mà một số quốc gia đã và đang cấp cho công dân Việt Nam.
Miễn visa cho các đoàn khách nước ngoài vào Việt Nam tham gia các sự kiện MICE, du lịch đánh golf (dựa trên danh sách của các đơn vị tổ chức sự kiện MICE, golf); miễn visa cho du khách và phi hành đoàn đến Việt Nam bằng máy bay riêng vì mục đích kinh doanh hoặc du lịch. Cần tạo điều kiện đối tượng siêu giàu vào để tăng doanh thu sân bay, khách sạn sang…
Đặc biệt, mở rộng các nước được cấp eVisa; nâng cấp hệ thống eVisa về tính năng, giao diện của trang web và luôn điều chỉnh thay đổi chính sách eVisa để cạnh tranh với các nước. Phải coi chính sách visa là một "công cụ cạnh tranh thu hút du khách quốc tế của Việt Nam".
Ông lưu ý, cần sớm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, máy đọc hộ chiếu trong công tác quản lý xuất, nhập cảnh đối với cả công dân Việt Nam và nước ngoài. Nhiều nước đã triển khai các công nghệ này, thậm chí bỏ đóng dấu xuất, nhập cảnh vào hộ chiếu, visa rời, thực hiện quản lý hoàn toàn bằng công nghệ trên cơ sở dữ liệu xuất, nhập cảnh. "Vừa rồi tôi nhập cảnh vào Mỹ, không cần coi hộ chiếu, an ninh cửa khẩu bảo tôi nhìn vào camera rồi hỏi ông Nam phải không, thế là xong. Theo tôi, đầu tư hiện đại công nghệ cực kỳ quan trọng. Đôi khi, nụ cười tại đó không quan trọng lắm đâu, bằng công nghệ…"- ông Nam nói
Đặc biệt, TS Lương Hoài Nam cho biết: "Có vấn nạn là nhiều doanh nghiệp làm du lịch nhưng chú trọng dịch vụ visa hơn dịch vụ du lịch gây méo mó ngành. Nhiều khách cho biết, công ty này báo giá làm visa từng ngày, công kia đắt hơn, rẻ hơn… Đó không phải là giá nhà nước đưa ra mà là giá dịch vụ, nó đẩy đến vấn nạn tạo ra cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp làm du lịch thì kém, làm visa thì giỏi và ngược lại. Loại hình dịch vụ visa du lịch đang làm méo mó chính sách visa và thay vì hỗ trợ, họ lại "hành" du khách để lấy tiền. Chính sách visa cần "xóa sổ" vấn nạn tiêu cực này".
Theo Thanh niên